Bình Dương: Xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ
Ứng dụng mô hình “ba nhà” tạo nên một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo toàn diện
Theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bình Dương Nguyễn Việt Long, xuất phát từ tầm nhìn Nhà nước kiến tạo, tỉnh quyết liệt ứng dụng mô hình “ba nhà” học tập từ Eindhoven – Hà Lan, thúc đẩy sự hợp tác giữa Nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà trường – viện, tạo điều kiện, khuyến khích các tổ chức trên toàn xã hội cùng đầu tư phát triển.
Phát triển khoa học công nghệ sẽ đẩy mạnh hoạt động đổi mới, sáng tạo, thúc đẩy hợp tác “ba nhà” và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Ảnh: Báo Bình Dương
Bình Dương đã triển khai nhiều chính sách quan trọng nhằm hỗ trợ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Đề án 826 “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2025” là một trong những chính sách nổi bật, tập trung vào việc tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp, viện và trường học phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp, thực nghiệm công nghệ.
Hạ tầng khởi nghiệp tại Bình Dương được đầu tư bài bản, với nhiều trung tâm hỗ trợ và phát triển công nghệ hiện đại. Một số cơ sở tiêu biểu bao gồm Trung tâm ươm tạo và Lab 4.0 tiêu chuẩn quốc tế tại Đại học Quốc tế Miền Đông, Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp theo mô hình Singapore Block71 hợp tác giữa Đại học Quốc gia Singapore và Tổng Công ty Becamex IDC, cùng với Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp của Đại học Thủ Dầu Một (TDMU).
TS Nguyễn Quốc Cường – Hiệu trưởng TDMU nhận định, việc thành lập không gian hợp tác đổi mới sáng tạo tại TDMU là minh chứng cho mối quan hệ gắn bó giữa các bên, đồng thời thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tại khu vực phía Nam.
Đề án Vùng đổi mới sáng tạo – trọng tâm của chiến lược thành phố thông minh
Bình Dương đã triển khai đề án Vùng đổi mới sáng tạo, nằm trong chiến lược thành phố thông minh, kết nối các khu vực khởi nghiệp trên toàn tỉnh. Vùng này được thiết kế để trở thành trục đổi mới sáng tạo của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nối liền TP. Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh) với Chơn Thành (Bình Phước). Trọng tâm của vùng là thành phố mới Bình Dương, với mục tiêu xây dựng các khu công nghiệp thông minh, trường đại học tiêu chuẩn quốc tế và hệ sinh thái đô thị phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Trường Thi – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh đã và đang hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình tự động hóa và quản lý năng lượng hiệu quả. Các doanh nghiệp được tạo điều kiện về vốn, hạ tầng, và nhân lực thông qua các hội chợ, triển lãm chuyên ngành, giúp họ dễ dàng tiếp cận và áp dụng các công nghệ mới nhất, hướng tới sản xuất thông minh.
Các khu công nghiệp tại Bình Dương không chỉ đóng vai trò “xương sống” của nền kinh tế mà còn tiên phong trong việc sử dụng công nghệ mới và năng lượng xanh, sạch. Những yếu tố này không chỉ giúp cải thiện chất lượng môi trường mà còn thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc giảm phát thải khí nhà kính về 0 (Net Zero) vào năm 2050, đáp ứng kỳ vọng của cộng đồng quốc tế.
Duy Trinh (t/h)