Bình Dương: Tiếp tục siết chặt thị trường, phòng chống gian lận thương mại

Trong những ngày cuối năm 2023, đầu năm 2024 nổi lên tình trạng buôn lậu, GLTM diễn ra khá phổ biến. Nổi cộm nhất vào ngày 2/2 vừa qua, tại khu phố Bình Hòa, phường Bình Nhâm, thành phố Thuận An, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 2, Cục QLTT tỉnh phối hợp cùng Đội 3 Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và môi trường Công an tỉnh bắt quả tang 3 ô tô tải chở lô rượu ngoại nhập lậu rất lớn, số lượng lên tới 15.818 chai.

Tại thời điểm kiểm tra, các tài xế không xuất trình được giấy tờ, hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Ước tính số lượng rượu ngoại nhập lậu có tổng trị giá trên 15 tỷ đồng. Toàn bộ tang vật, phương tiện vi phạm nêu trên đang được các ngành chức năng tiếp tục xác minh làm rõ, xử lý theo quy định.

Tại thành phố Thủ Dầu Một, trong 40 ngày của đợt cao điểm kiểm tra kiểm soát thị trường, Đội QLTT số 1 đã phát hiện và xử lý 40 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách Nhà nước 533 triệu đồng, đồng thời tịch thu, buộc tiêu hủy hàng hóa có tổng trị giá trên 325 triệu đồng.

 Bình Dương tăng cường công tác phòng chống gian lận thương mại. (Ảnh: Tự Ba)

Theo đánh giá của Cục QLTT tỉnh Bình Dương, đây là kết quả ban đầu của việc tăng cường công tác quản lý địa bàn, nắm bắt tình hình, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về thương mại. Trong đó, các mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán vi phạm pháp luật đã kịp thời phát hiện, xử lý.

Vào dịp Tết, không chỉ nổi lên tình trạng buôn bán hàng giả, hàng cấm, buôn lậu, nạn mất an toàn thực phẩm cũng diễn ra phổ biến. Tại các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố Tân Uyên, huyện Bắc Tân Uyên, huyện Phú Giáo, Đội QLTT số 4 cũng tăng cường công tác giám sát an toàn thực phẩm. Từ đó, phát hiện, xử lý nhiều tiểu thương bày bán thực phẩm mì sợi vàng, hoành thánh, cải chua… dương tính với chất thử.

Ngành chức năng tỉnh Bình Dương nhận định, các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn vi phạm tinh vi, khó phát hiện. Các hành vi GLTM chủ yếu là kinh doanh hàng hóa nhập lậu; hàng giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hàng hóa kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ; hàng hóa có nhãn không đúng quy định; hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Ông Nguyễn Phương Đông, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh cho biết, để chủ động kiểm soát tình hình, phát hiện, ngăn chặn kịp thời hành vi buôn lậu, GLTM và hàng giả, Cục QLTT tỉnh vẫn đang triển khai kế hoạch hành động phòng chống. Theo đó, đơn vị tiếp tục triển khai nhiều giải pháp, kế hoạch chuyên đề về chống buôn lậu, GLTM và hàng giả trong các lĩnh vực quản lý chất lượng, tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật đối với mặt hàng thực phẩm như sữa các loại, đồ uống, rượu thủ công, bánh kẹo, thực phẩm chế biến… Ngoài các mặt hàng trên còn có phân bón, xăng dầu, đồ điện gia dụng, hàng tiêu dùng.

Song song đó, lực lượng QLTT tích cực phối hợp các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra khâu lưu thông, rà soát các kho hàng, bến bãi, điểm tập kết hàng hóa tại trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, làng nghề… Cùng với đó, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin và phối hợp đấu tranh, phòng chống các hành vi kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ… trên môi trường thương mại điện tử.

Ông Nguyễn Phương Đông cũng cho biết, để chủ động trong công tác chống buôn lậu, GLTM và hàng giả, các ngành, lực lượng chức năng cần triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng, xác định rõ chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể đối với các địa bàn, mặt hàng, lĩnh vực. Ngành QLTT sẽ kiểm tra việc tàng trữ, vận chuyển, mua bán hàng cấm, hàng lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ ở những nơi phát luồng hàng hóa, bến bãi, điểm giao nhận.

An Dương (T/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích