Bình Dương: Sẽ có đề án riêng để phát triển nhà ở cho công nhân
(Xây dựng) – Hiện nay trên địa bàn tỉnh Bình Dương, số lượng nhà dành cho người lao động đạt được kết quả khá khả quan, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư cũng đã đầu tư các nhà lưu trú cho công nhân của mình. Để có cái nhìn khái quát hơn về vấn đề nhà ở công nhân tại các khu công nghiệp, Báo điện tử Xây dựng đã có cuộc phỏng vấn ông Võ Hoàng Ngân – Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương.
Ông Võ Hoàng Ngân – Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương. |
PV: Thưa ông, hiện nay trên địa bàn tỉnh Bình Dương, số lượng nhà dành cho người lao động đạt được khoảng bao nhiêu phần trăm so với nhu cầu thực tế. Với một tỉnh có nhiều lao động như Bình Dương thì con số đó là nhiều hay ít, thưa ông?
Ông Võ Hoàng Ngân: Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh Bình Dương cũng đạt được kết quả cũng khá khả quan, khoảng 2.000.000m2 sàn nhà ở dành cho người lao động, công nhân. Ngoài ra thì các doanh nghiệp, các nhà đầu tư cũng đã đầu tư các nhà lưu trú cho công nhân của mình. Hiện các nhà máy sản xuất cũng lo được khoảng 200.000 căn nhà để phục vụ cho công nhân người lao động của mình. Ngoài nhà ở xã hội, nhà ở công nhân do doanh nghiệp đầu tư, còn có sự tham gia của người dân trong đầu tư xây dựng nhà trọ với trên 600.000 phòng phục vụ cho người lao động, số lượng phòng trọ này phục vụ khá tốt cho công nhân trên địa bàn tỉnh.
PV: Thưa ông, đâu là nguyên nhân việc phát triển nhà ở cho người lao động vẫn chưa thể phát triển kịp so với nhu cầu thực tế?
Ông Võ Hoàng Ngân: Thực tế vẫn nhiều cái khó khăn, vướng mắc, trong đó phải kể đến nguyên nhân khi triển khai các dự án khu công nghiệp trước đây chưa chú trọng đến việc quy hoạch đồng bộ với hệ thống nhà ở xã hội, hạ tầng xã hội, thiết chế văn hóa cho người công nhân, do vậy hiện nay khi triển khai chương trình phát triển nhà công nhân chưa thu hút việc đầu tư hiệu quả. Ngoài ra, còn một số vấn đề khác như theo quy định của pháp luật thì các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị mới thì phải dành quỹ đất 20% đất ở để mà đầu tư xã hội. Thực tế, nhiều doanh nghiệp cũng có dành ra quỹ đất này nhưng tiến độ triển khai chưa được như mong muốn. Vấn đề thứ ba đó là chính sách pháp luật ưu đãi cho các nhà đầu tư khi đầu tư nhà ở xã hội đã có, tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện thì các nhà đầu tư cũng chưa gặp thuận lợi nên họ chưa tham gia. Ngoài ra, một số quy định về người được hưởng nhà ở xã hội còn nhiều thủ tục dẫn đến công nhân không tham gia để thuê, mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội.
PV: Thưa ông, vừa qua Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương có kiến nghị với tỉnh là xây dựng thêm mô hình nhà xã hội với giá tiền phù hợp với thu nhập của người lao động. Sở Xây dựng có kế hoạch cụ thể nào phát triển chương trình nhà ở này?
Ông Võ Hoàng Ngân: Trong kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021 – 2025 của Bình Dương, trên cơ sở chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch xây dựng một đề án riêng để phát triển nhà xã hội, nhà ở cho người lao động. Theo đó, chúng tôi phấn đấu xây dựng khoảng 1.000.000 chỗ ở. Trong đó, có nhiều loại hình như nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, nhà trọ, nhà ở thương mại nhưng bán giá thấp để người dân dễ tiếp cận. Để thực hiện mục tiêu này, chúng tôi sẽ rà soát, đồng bộ hóa giữa quy hoạch phát triển công nghiệp với quy hoạch phát triển nhà ở xã hội cũng như hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Tiếp nữa là sẽ rà soát lại quy hoạch các khu công nghiệp trước đây. Thêm nữa là sẽ tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tiến hành rà soát để nâng cấp, cải tạo các khu nhà trọ hiện hữu nhằm nâng cao chất lượng phòng trọ.
PV: Thưa ông, để chương trình phát triển nhà ở cho người lao động phát triển mạnh hơn, ông có kiến nghị hay giải pháp nào đối với mô hình này?
Ông Võ Hoàng Ngân: Hiện nay, theo quy định pháp luật về khu công nghiệp, theo đó trong khu công nghiệp không được đầu tư nhà ở. Quy định cũng có bất cập trong việc giải quyết nhu cầu nhà ở cho người lao động tại khu công nghiệp đó. Trong đợt dich vừa qua, chúng ta lại không có khu vực để thực hiện ba tại chỗ tại các khu công nghiệp, nhà máy sản xuất. Chúng tôi cũng đã kiến nghị Bộ Xây dựng kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn trình tự, thủ tục để đầu tư một khu nhà ở xã hội, một dãy nhà ở xã hội một cách công khai, minh bạch, thuận lợi, để doanh nghiệp dễ tiếp cận, dễ thực hiện, rút ngắn thời gian để đảm bảo hiệu quả đầu tư của nhà đầu tư. Về thủ tục hành chính đối với người được hưởng chính sách nhà ở xã hội, cần có những cải cách theo hướng thuận lợi hơn, thực hiện minh bạch, rõ ràng hơn.
PV: Xin cảm ơn ông!
Nguồn: Báo xây dựng