Bình Dương rẽ sóng cho du lịch đường thủy

Nơi hội tụ nhiều con sông lớn

Bình Dương có sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Bé và sông Thị Tính chảy qua địa bàn và kết nối với thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Tây Ninh, tỉnh Bình Phước nên rất thuận lợi để phát triển du lịch đường thủy. Trong đó, riêng hệ thống sông Đồng Nai uốn lượn, tạo thành những cù lao chen lẫn trong những con phố như: Cù lao Bạch Đằng, cù lao Rùa, các bãi bồi ven sông,… Đây là điều kiện thuận lợi không phải tỉnh thành nào cũng có để hình thành các khu du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần, tham quan du lịch sinh thái vườn và các tour du lịch sông nước.

Song song đó là sông Thị Tính tuy không lớn như sông Sài Gòn, sông Đồng Nai nhưng khu vực hai bên bờ sông có cảnh quan đẹp, có khả năng khai thác du lịch sinh thái miệt vườn. Riêng sông Bé không thuận tiện cho việc giao thông đường thủy do có bờ dốc đứng, lòng sông nhiều đoạn có đá ngầm, lại có nhiều thác ghềnh, tàu thuyền không thể đi lại nhưng sông Bé có khả năng phát triển các khu, điểm du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần ven sông nhờ cảnh quan sông nước và khí hậu trong lành.

Bình Dương rẽ sóng cho du lịch đường thủy

Ngoài ra, tỉnh Bình Dương có nhiều di tích văn hóa lịch sử, tâm linh, sinh thái, làng nghề truyền thống là điều kiện phát triển du lịch bền vững như: Khu di tích lịch sử quốc gia Nhà tù Phú Lợi, Địa đạo Tam Giác Sắt, Chiến khu D, Trường trung cấp Mỹ thuật, nhà cổ Trần Văn Hổ, làng nghề Trương Bình Hiệp, nhà thờ Chánh tòa Phú Cường, chùa Hội Khánh…

Ông Nguyễn Viết Hùng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Buýt đường sông Bình Dương cho biết, tỉnh Bình Dương có nhiều lợi thế để phát triển du lịch đường thủy. Tuy nhiên hiện nay, các lợi thế này chưa được khai thác. Do đó, trong thời gian tới nếu tỉnh Bình Dương có các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp để đầu tư loại hình này thì sẽ góp phần rất lớn trong việc phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Trên bến dưới thuyền

Theo kế hoạch số 352/KH-UBND năm 2019 của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bình Dương phê duyệt quy hoạch chi tiết hệ thống cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030 sẽ xây dựng mới và nâng cấp 16 bến hành khách phục vụ phát triển tuyến du lịch đường sông. Riêng giai đoạn từ 2019 đến 2020 còn nâng cấp bến Thọ An (thành phố Thuận An) đạt tiêu chuẩn tối thiểu bến loại III, phục vụ khách đến Bình Dương tham quan, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng. Xây dựng mới bến Hưng Định với quy mô loại II phục vụ khách đến tham quan vườn ăn trái cây Lái Thiêu (thành phố Thuận An), kết hợp tham quan các di sản văn hóa, làng nghề truyền thống và các khu, điểm du lịch. Đặc biệt, xây dựng mới bến khách tại Đình Phú Long trên sông Sài Gòn thuộc (thành phố Thuận An) với quy mô bến loại III thành bến hành khách kết hợp phục vụ khách du lịch tham quan di tích cấp Quốc gia đình Phú Long, các làng nghề truyền thống như nghề làm heo đất, nghề làm thớt, làm guốc…

Riêng sông Sài Gòn đi qua địa bàn tỉnh Bình Dương đã tạo nên một cảnh quan thơ mộng, với nguồn nước dồi dào, mặt sông rộng lớn có thể cho các tàu du lịch lớn xuôi dòng. Dọc hai bên bờ sông là những vùng đất màu mỡ, nhiều vườn cây xanh tốt cho trái quanh năm… là điều kiện thuận lợi để phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần ven sông, du lịch sinh thái miệt vườn, các tour du lịch sông nước giữ chân khách du lịch trong và ngoài nước.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương cho biết, quy hoạch phát triển du lịch Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định 3 không gian du lịch chính. Không gian phía Nam gồm khu vực thành phố Thủ Dầu Một, thành phố Thuận An, thành phố Dĩ An và một phần của thị xã Bến Cát.

Sản phẩm du lịch chính ở không gian phía Nam gồm du lịch sinh thái (du lịch miệt vườn, du lịch sông nước), du lịch văn hóa (tham quan di tích lịch sử văn hóa, lễ hội, làng nghề, du lịch tâm linh, tín ngưỡng), vui chơi giải trí, du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần, du lịch mua sắm, du lịch thể thao cao cấp. Khu vực ưu tiên đầu tư là khu vực miệt vườn Lái Thiêu và khu vực ven sông Sài Gòn.

Không gian phía Tây Bắc gồm khu vực hồ Dầu Tiếng, núi Cậu, hành lang sông Sài Gòn, khu vực phụ cận thuộc huyện Dầu Tiếng và thị xã Bến Cát. Sản phẩm du lịch của khu vực này là du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái. Không gian phía Đông gồm khu vực dọc theo lưu vực sông Đồng Nai và sông Bé thuộc thị xã Tân Uyên và huyện Phú Giáo. Sản phẩm du lịch ở khu vực là du lịch sinh thái vườn, du lịch sông nước, du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần, du lịch văn hóa, du lịch thể thao cao cấp… Khu vực ưu tiên đầu tư gồm khu vực ven sông Đồng Nai, khu vực hồ Đá Bàn, khu vực cù lao Rùa, cù lao Bạch Đằng,…

Chỉ đạo quyết liệt

Thực hiện kế hoạch số 352/KH-UBND năm 2018 của UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt quy hoạch chi tiết hệ thống cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030, UBND tỉnh Bình Dương giao UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp các sở, ngành triển khai thực hiện, đồng thời mời gọi xã hội hóa đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn nói chung và khu nghỉ dưỡng cuối tuần ven sông nói riêng…

Bình Dương rẽ sóng cho du lịch đường thủy
Du thuyền trên sông Sài Gòn đoạn đi qua địa bàn tỉnh Bình Dương

Trước mắt nhằm thu hút khách du lịch bến Bình Dương bằng đường sông, UBND tỉnh Bình Dương giao thành phố Thuận An có kế hoạch triển khai xây dựng mới bến Hưng Định tại khu cầu Ông Ngang và bến khách tại Đình Phú Long, đồng thời nạo vét rạch Vàm Búng để khai thông dòng chảy phục vụ cho các tàu thuyền đưa khách du lịch đến tham quan vườn cây ăn trái Lái Thiêu, kết hợp tham quan làng nghề truyền thống, các di sản văn hóa, các khu, điểm du lịch. Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện.

Giao Sở Giao thông Vận tải phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện thực hiện kế hoạch 1733/QĐ-UBND và kế hoạch 4352/KH-UBND năm 2019 để phát triển du lịch tỉnh nhà. Chủ trì phối hợp các sở, ngành và địa phương liên quan tham mưu UBND tỉnh bổ sung các bến hành khách khác vào quy hoạch để phục vụ phát triển du lịch đường sông; mời gọi các thành phần kinh tế đầu tư xã hội hóa. UBND tỉnh Bình Dương cũng yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch UBND các địa phương trên địa bàn tỉnh tổ chức thực hiện, nếu gặp vướng mắc phản ánh bằng văn bản gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cơ quan thường trực để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉnh sửa bổ sung cho phù hợp.

Thành Đồng

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích