Bình Dương phát triển mạnh mẽ các sản phẩm Ocop tiềm năng
Hướng đến giá trị kinh tế cao, bảo vệ môi trường
Thưa ông, xin ông giới thiệu thêm về các sản phẩm Ocop của Bình Dương?
Ông Phạm Thanh Dũng: Sau quá trình triển khai thực hiện chương trình Ocop từ Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2021, qua triển khai đánh giá, phân hạng của 36 sản phẩm tham gia Ocop của 24 chủ thể, UBND tỉnh Bình Dương đã công nhận 28 sản phẩm đạt tiêu chí Ocop cấp tỉnh của 19 chủ thể với 5 doanh nghiệp, 8 hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh và 6 hợp tác xã. Trong đó, 20 sản phẩm đạt 3 sao và 8 sản phẩm đạt 4 sao, gồm: nấm đông trùng hạ thảo, rượu đông trùng hạ thảo, tổ yến, nấm bào ngư, dưa lưới, bưởi da xanh, bưởi đường lá cam, cam sành, cam xoàn, quýt đường, ớt bằm, tương ớt cùng một số sản phẩm khác.
Đối với 28 sản phẩm được đánh giá phân hạng và công nhận sản phẩm đạt 3 sao, 4 sao của Bình Dương trong đợt 1 năm 2021 là các sản phẩm thuộc các nhóm sản phẩm tươi sống, nhóm sản phẩm chế biến, nhóm sản phẩm đồ uống và nhóm thảo dược. Đây là các sản phẩm có chất lượng tốt, đảm bảo các quy trình sản xuất an toàn, cam kết chất lượng, truy xuất nguồn gốc, có bao bì, nhãn mác, bao gói… nói chung là đủ điều kiện và tiềm lực để thương mại tốt trên thị trường.
Với lợi thế có khá nhiều nghề, làng nghề truyền thống nổi tiếng như gốm, sơn mài, đan lát, chạm khắc… ông có thể cho biết về kế hoạch phát triển chương trình Ocop trong giai đoạn đến năm 2025?
Ông Phạm Thanh Dũng: Như đã nói, chương trình Ocop là chương trình phát triển kinh tế nông thôn, tập trung ưu tiên đối với các sản phẩm truyền thống, đặc sản địa phương. Các sản phẩm gốm, sơn mài, đan lát, chạm khắc thuộc nhóm sản phẩm thứ tư trong 6 nhóm sản phẩm Ocop (nhóm ngành thủ công mỹ nghệ, trang trí). Phải nói đây là nhóm sản phẩm tiềm năng Ocop rất lớn ở Bình Dương, đặc biệt đối với sản phẩm gốm sứ và sơn mài.
Thông qua việc triển khai chương trình Ocop thường niên, Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể phát triển các sản phẩm gốm sứ, sơn mài, đan lát, sản phẩm thủ công mỹ nghệ để đạt các chứng nhận sản phẩm Ocop. Đây cũng là tiền đề quan trọng góp phần phát triển nhóm sản phẩm Ocop thứ 6 (nhóm du lịch nông thôn).
Kế hoạch chung của chương trình Ocop Bình Dương đến năm 2025 trước mắt tập trung phát triển 109 sản phẩm thuộc 5 nhóm sản phẩm Ocop chủ lực và tiềm năng của địa phương, gồm: nhóm thực phẩm; nhóm đồ uống; nhóm dược liệu; nhóm đồ lưu niệm, nội thất, trang trí; nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch. Đồng thời phát triển các sản phẩm Ocop tiềm năng khác.
Từ các chính sách nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực sản xuất, chế biến; hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; cải tiến bao bì, nhãn mác gắn với truy xuất nguồn gốc; đẩy mạnh quảng bá và kết nối tiêu thụ từ đó hình thành các chuỗi liên kết, hướng đến phát triển các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, bền vững với môi trường, bảo tồn các giá trị văn hóa trong sản xuất Ocop. Trong đó chú trọng nhất là các giải pháp xúc tiến và tiêu thụ sản phẩm Ocop.
Chương trình Ocop sẽ là bước tiếp nối chuyển tải và phát triển các giá trị truyền thống của địa phương, của cộng đồng dân cư Bình Dương ngày càng phát triển, không chỉ giới thiệu cho các tỉnh thành trong nước mà còn mở rộng sang thị trường các nước trên thế giới, không chỉ phát triển sản phẩm trong hiện tại mà còn lưu giữ cho các thế hệ mai sau.
Tạo cơ hội tìm hiểu thị trường nước ngoài
Sau Lễ ra mắt sàn giao dịch điện tử tỉnh Bình Dương và hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa tỉnh Bình Dương 2021, tỉnh có những hoạt động thiết thực như thế nào nữa để tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước tìm hiểu và kết nối với các đối tác tiềm năng trong nước và nước ngoài thưa ông?
Ông Phạm Thanh Dũng: Việc ra mắt sàn thương mại điện tử (TMĐT) chỉ là bước đầu của chuỗi hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa, chúng tôi còn rất nhiều việc phải làm để nâng tầm cũng như hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực hòa nhập thị trường, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ, các HTX. Đó là chuỗi các hoạt động online cũng như offline từ đó, đẩy mạnh hoạt động quảng bá sản phẩm và thương hiệu doanh nghiệp trong môi trường kinh doanh trực tuyến, tạo sự tin tưởng ổn định đối với khách hàng truyền thống; đồng thời phát triển khách hàng tiềm năng.
Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, thương mại và phát triển công nghiệp Bình Dương đã phối hợp với các đối tác triển khai chương trình “hỗ trợ hóa đơn điện tử, chứng thư số, email thương hiệu và nhất là sàn TMĐT vừa mới ra mắt”. Đồng thời, cập nhật các thông tin thương mại, thông tin hội chợ triển lãm, chương trình xúc tiến thương mại, giới thiệu hình ảnh về 28 sản phẩm Ocop tỉnh; sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu lên bản đồ số. Đặc biệt là tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, khai thác, sử dụng sàn TMĐT, phần mềm quản lý bán hàng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Tôi tin tưởng rằng trong thời gian tới, các hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử sẽ dần trở nên quy củ hơn, bài bản hơn và cạnh tranh hơn. Để đưa sản phẩm lên thương mại điện tử, các doanh nghiệp, Hợp tác xã, hộ kinh doanh, bà con nông dân cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đồng bộ từ khâu đầu vào cho đến thành phẩm để bảo đảm chất lượng, hoàn thiện quy trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Khi tham gia các chương trình đào tạo và tập huấn thương mại điện tử cần có sự chủ động học hỏi, sáng tạo trong việc ứng dụng thương mại điện tử, quảng bá trên môi trường số.
Ngoài ra, các Hợp tác xã, hộ kinh doanh cũng cần chủ động nắm bắt cơ hội, kết nối với các hợp tác xã, UBND xã, huyện, tỉnh tại địa phương, các sở, ngành, địa phương và đặc biệt là với các sàn TMĐT đang hợp tác với các cơ quan trong đó có Sở Công thương để cùng tháo gỡ kịp thời những khó khăn gặp phải khi từng bước chuyển mình sang hình thức phân phối hiện đại. Những tháng cuối năm là lúc nhu cầu tiêu dùng hàng hoá tăng cao, Trung tâm XT đang làm việc chặt chẽ với các đối tác để tiếp tục tổ chức các chương trình thúc đẩy tiêu thụ hàng hoá của tỉnh nói chung và nông sản nói riêng, góp phần giúp doanh nghiệp và người dân bước vào giai đoạn bình thường mới.
Thương mại điện tử luôn mang lại tiềm năng kinh doanh lớn cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, cung ứng và dịch vụ. Tuy nhiên, với các lĩnh vực bán lẻ thì dễ hình dung việc người bán và người mua giao dịch trực tuyến. Còn thương mại điện tử ở khu vực các ngành công nghiệp, sản xuất thì sao thưa ông?
Ông Phạm Thanh Dũng: Đối với khu vực này, chúng ta cần tìm hiểu về mô hình B2B để có giải pháp hỗ trợ tốt nhất. Mô hình B2B thực chất là viết tắt của cụm từ “Business to Business” – nói dễ hiểu là hình thức kinh doanh, buôn bán giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp. B2B thường hiện hữu là mô hình thương mại điện tử, là các giao dịch thông qua sàn TMĐT hoặc sàn giao dịch điện tử. Một số giao dịch phức tạp hơn có thể diễn ra ngoài thực tế. Không chỉ vậy, bạn có thể thấy được nét đặc trưng trong các doanh nghiệp sử dụng mô hình B2B là luôn có quy trình mua hàng riêng biệt, khoa học. Nhờ quy trình mua hàng này mà tiết kiệm được nhiều thời gian xử lý, tối thiểu hoá các chi phí phát sinh. Không chỉ vậy, quy trình mua hàng khoa học còn giúp khách hàng doanh nghiệp mang tâm lý thoải mái khi đặt hàng, và một ấn tượng “chuyên nghiệp” về doanh nghiệp đối tác.
Trên thị trường Việt Nam hiện nay phổ biến với 4 loại mô hình B2B như sau:
Thứ nhất phải kể đến. Mô hình B2B dạng trung gian: mô hình này hiện đang phổ biến nhất với sự xuất hiện của các “ông lớn” như Lazada, Shopee, Sendo, Hotdeal, Tiki.vn,… định nghĩa về dạng mô hình này là “hai doanh nghiệp trao đổi sản phẩm và dịch vụ với nhau qua một sàn thương mại điện tử”.
Nhưng với trải nghiệm thực tế từ các sàn thương mại điện tử này, bạn có thể dễ dàng hiểu được bản chất của nó. Các doanh nghiệp có nhu cầu bán sản phẩm sẽ gửi và quảng bá trên sàn thương mại điện tử. Các doanh nghiệp khác có nhu cầu mua chỉ cần tìm kiếm, cho vào giỏ hàng rồi đợi shipper tới giao hàng. Và tất nhiên, giao dịch mua bán trên sẽ được bảo hộ quyền lợi và tuân theo quy định mà sàn thương mại điện tử đặt ra.
Thứ 2, mô hình B2B dạng thương mại hợp tác: dạng thương mại hợp tác chỉ khác dạng trung gian là mang tính chất tập trung hơn và thuộc quyền sở hữu của nhiều đơn vị. Mô hình B2B dạng thương mại hợp tác thường được biết đến nhiều hơn với các hình thức: sàn giao dịch Internet; chợ điện tử; thị trường điện tử; sàn giao dịch thương mại; cộng đồng thương mại.
Thứ 3, mô hình B2B chủ yếu bên mua: loại mô hình này rất ít gặp. Mặc dù vậy một vài doanh nghiệp vẫn sử dụng B2B theo hình thức này. Nhiều doanh nghiệp còn sở hữu website riêng để đăng tải nhu cầu về nguồn hàng mà mình cần. Sau đó, các doanh nghiệp có nhu cầu bán sẽ tham khảo rồi báo giá nếu có ý muốn bán.
Thứ 4, mô hình B2B chủ yếu bên bán: hình thức này thường thấy tại thị trường Việt Nam. Chỉ đơn giản là doanh nghiệp thiết lập các trang web riêng, giới thiệu, cung cấp về các sản phẩm, dịch vụ mà bên mình sở hữu cho đơn vị thứ ba tham khảo. Và hầu hết mô hình này thường có khối lượng giao dịch lớn, bán buôn nhiều hơn bán lẻ.
Dù mang lại nhiều lợi ích, thậm chí không ít nơi còn trở thành phương thức kinh doanh chủ yếu, nhưng theo đánh giá của ngành chức năng, TMĐT vẫn là sân chơi khá mới lạ với khu vực sản xuất, nhất là ở nông thôn. Với những người đã quen với quy trình sản xuất thủ công, không quá chú trọng hình thức, cách quảng bá, việc đầu tư để phát triển trên sân chơi này vẫn còn hạn chế. Trong khi đó, các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nguồn nhân lực về công nghệ thông tin hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý, vận hành và triển khai phần mềm. Vì thế, để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận sàn TMĐT. Chúng tôi đã và đang triển khai các chương trình đã nêu ở trên để DN dễ dàng trải nghiệm và ứng dụng.
Xin ông chia sẻ thêm về việc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Phát triển công nghiệp Bình Dương, Trung Tâm Thương Mại Thế Giới WTC và Global source cùng nhau tạo bước ngoặt quan trọng trong việc kết nối doanh nghiệp tỉnh Bình Dương và trong nước với các nhà cung ứng và nhà đầu tư toàn cầu?
Ông Phạm Thanh Dũng: Với việc ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác lần này giữa 3 đơn vị là một bước ngoặt quan trọng trong việc tăng cường hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp Bình Dương trên các lĩnh vực xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, kết nối giao thương, phát triển thương mại điện tử, mở rộng kênh phân phối sản phẩm trên phạm vi cả nước, khu vực Đông Nam Á và toàn cầu. Cái bắt tay hợp tác giữa 3 bên lần còn mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp, đăc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) Bình Dương để phát triển thị trường trong nước và quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia hệ thống phân phối hiện đại, đẩy mạnh ứng dụng và phát triển thương mại điện tử, ….
Trên cơ sở biên bản ghi nhớ này, chúng tôi sẽ lập kế hoạch và chương trình cụ thể thiết thực hàng năm và cho cả giai đoạn 5 năm tới nhăm hỗ trợ doanh nghiệp chuyển mình mạnh mẽ trên mọi mặt của quá trình sản xuất kinh doanh, đặc biệt là thu hút đầu tư và phát triển thị trường, chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử, và phát triển kết nối và giao thương trực tuyến.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu