Bình Dương: Phát triển Bắc Tân Uyên theo hướng công nghiệp – đô thị – nông nghiệp sinh thái
(Xây dựng) – Với chức năng là vùng sản xuất nông nghiệp phía Đông của tỉnh, trong đó nông nghiệp ứng dụng công nghệ đóng vai trò chủ lực. Huyện Bắc Tân Uyên được UBND tỉnh Bình Dương định hướng phát triển theo hướng công nghiệp – đô thị – nông nghiệp sinh thái…
Mới đây, UBND tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định về việc phê duyệt Đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Bắc Tân Uyên đến năm 2040. |
Theo đó, phạm vi nghiên cứu theo địa giới hành chính huyện Bắc Tân Uyên với diện tích gần 40.031ha. Gồm 02 thị trấn: Tân Thành, Tân Bình và 08 xã (Bình Mỹ, Tân Lập, Đất Cuốc, Tân Định, Hiếu Liêm, Lạc An, Thường Tân, Tân Mỹ); phía Bắc giáp huyện Phú Giáo và huyện Bàu Bàng; phía Nam giáp thành phố Tân Uyên và sông Đồng Nai; phía Đông giáp sông Bé và sông Đồng Nai; phía Tây giáp thành phố Bến Cát. Dự báo quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 180.000 – 250.000 người; đến năm 2040 khoảng 300.000 người.
Đồ án nhằm cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế – xã hội đã được định hướng trong Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Xây dựng định hướng phát triển mạnh mẽ về kinh tế, xã hội; xây dựng huyện Bắc Tân Uyên thành cực phát triển phía Đông của tỉnh, gắn với hệ thống giao thông cấp vùng; đáp ứng mục tiêu đưa huyện Bắc Tân Uyên trở thành thị xã Bắc Tân Uyên trong giai đoạn 2030 – 2040.
Đồ án định hướng phát triển Bắc Tân Uyên theo hướng công nghiệp – đô thị – nông nghiệp sinh thái; là huyện cửa ngõ phía Đông của tỉnh, kết nối với tỉnh Bình Phước và tỉnh Đồng Nai; vùng sản xuất nông nghiệp phía Đông của tỉnh, trong đó nông nghiệp ứng dụng công nghệ đóng vai trò chủ lực; vùng sản xuất công nghiệp mới của khu vực phía Bắc tỉnh với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các khu vực sản xuất dọc theo các tuyến đường cấp vùng; vùng bảo đảm an ninh quốc phòng và bảo vệ cảnh quan sinh thái cho khu vực phía Đông tỉnh Bình Dương.
Cụ thể, Đồ án xác định, công nghiệp sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính, chú trọng vào hiện đại hóa các ngành hiện hữu, tăng tỷ lệ nội địa hóa ở các ngành công nghiệp hỗ trợ và phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu như máy móc, thiết bị công nghiệp; thiết bị điện tử viễn thông… Phát triển công nghiệp sinh thái, hiện đại; đưa ngành công nghiệp chế biến chế tạo trở thành trụ cột chính trong nền kinh tế.
Về nông nghiệp, xác định phát triển nền nông nghiệp sinh thái xanh, sạch, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, lấy người nông dân là chủ thể, trung tâm, làm cơ sở cho sự phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu nội bộ ngành Nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch và dịch vụ. Phát triển các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tăng cường liên kết theo chuỗi, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả kinh tế của các nông sản chủ lực, sản phẩm OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu bền vững, giàu bản sắc văn hóa.
Về đô thị – nông thôn, đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa gắn với phát triển hệ thống nhà ở xã hội, hệ thống công viên cây xanh và các thiết chế văn hóa xã hội; Nâng cao hiệu quả kinh tế đô thị, phát triển các đô thị đồng bộ về kinh tế, xã hội, kết cấu hạ tầng, kiến trúc, nhà ở, chất lượng sống của người dân, thân thiện với môi trường; Đáp ứng mục tiêu huyện Bắc Tân Uyên trở thành huyện nông thôn mới và định hướng đến năm 2025 là huyện nông thôn mới nâng cao…
Nguồn: Báo xây dựng