Bình Dương: Những thành công từ chuyển đổi số
(Xây dựng) – Đến nay, 100% hồ sơ công việc tại tỉnh Bình Dương được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ thuộc phạm vi bí mật Nhà nước) thông qua phần mềm quản lý văn bản của tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương bấm nút công bố danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. |
Hạ tầng số có độ phủ toàn diện
Hiện tại, hạ tầng số tại tỉnh Bình Dương có độ phủ cáp quang tới thôn, ấp; 100% xã có mạng truyền số liệu chuyên dùng; 3.666 trạm BTS phát sóng 4G phủ 100% toàn tỉnh phục vụ 4 triệu thuê bao (3,2 triệu có sử dụng data, đạt 85,45%, đứng thứ 5 toàn quốc). Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh cung cấp được 1.352/1.886 thủ tục hành chính trực tuyến; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 76%. eForm đã triển khai 100% dịch vụ công phát sinh hồ sơ; đã phối hợp với Ban cơ yếu Chính phủ cấp 801 chứng thư số cho tổ chức; 4.193 chữ ký số cho cá nhân các cơ quan hành chính Nhà nước… Đó là những con số ấn tượng trong công tác chuyển đổi số ở Bình Dương để phục vụ cho chính quyền số trong hiện tại và tương lai.
Trung tâm Giám sát và điều hành thông minh (IOC) của tỉnh Bình Dương được đưa vào hoạt động từ ngày 19/4/2022, đã kết nối dữ liệu với 3 Bộ, ngành Trung ương, 17/18 Sở, ngành, 4/6 cơ quan ngành dọc tại tỉnh với 15 nhóm chỉ số điều hành cập nhật theo ngày, tuần, tháng; 12 nhóm chỉ số cập nhật theo quý, năm. Cùng với đó, cấp huyện của Bình Dương đã triển khai 9/9 IOC, phân quyền sử dụng cho 91/91 UBND cấp xã…
Với hạ tầng hiện đại nên đến nay, Bình Dương đã áp dụng 100% hồ sơ xử lý trên môi trường mạng; phối hợp số hóa, so khớp 931.00 trường dữ liệu hộ tịch khi thực hiện Đề án 06… Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh cung cấp 1.352/1.886 thủ tục hành chính trực tuyến. Một số chỉ tiêu về đô thị thông minh đã được đưa vào thực hiện song song chỉ tiêu kinh tế xã hội trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh.
Đoàn công tác của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội khóa XV tham quan Trung tâm Điều hành thông minh Bình Dương (Bình Dương IOC). |
Tỉnh Bình Dương đang có 29 khu công nghiệp và 9 cụm công nghiệp hoạt động với khoảng 65.000 doanh nghiệp. Trong đó có trên 45.000 doanh nghiệp đang sử dụng các nền tảng số và có hơn 1.300 doanh nghiệp cung cấp, kinh doanh điện điện tử, công nghệ thông tin và công nghệ số đang hoạt động. Với độ “phủ sóng” này, Bình Dương là địa phương có tốc độ phát triển công nghiệp công nghệ thông tin thuộc top đầu của cả nước, đứng thứ hai vùng Đông Nam bộ với doanh thu năm 2021 đạt 2,25 tỷ USD. Ước tính tỷ trọng kinh tế số trên GRDP 11,34% (năm 2022).
Không chỉ dừng tại đây, Bình Dương còn đang phối hợp thực hiện Đề án xây dựng vùng động lực công nghiệp ICT tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu.
Tỉnh Bình Dương có khoảng 2,7 triệu người với 4 thành phố, 1 thị xã và 4 huyện, 91 xã, phường. 80% dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt trên; dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch đạt 82%; 89% người dân tiếp cận, có kỹ năng về công nghệ thông tin và truyền thông; Cấp hơn 18.000 chữ ký số cho công dân; thành lập được 586 Tổ công nghệ số cộng đồng từ các khu, ấp với hơn 3.300 người. Trong giai đoạn tiếp theo sẽ tiếp tục thúc đẩy thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng cho các đối tượng còn lại là các tổ chức và doanh nghiệp…
Trung tâm Giám sát và điều hành thông minh IOC Bình Dương, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn. |
IOC đáp ứng yêu cầu của chính quyền và người dân
Ông Võ Văn Minh – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương chia sẻ: IOC của tỉnh có chức năng thu thập cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các cơ quan, đơn vị và xử lý, phân tích cho kết quả đầu ra đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền và các cơ quan, đơn vị. IOC phục vụ đắc lực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, giúp lãnh đạo tỉnh có cái nhìn tổng quan, toàn diện về mọi mặt hoạt động kinh tế – xã hội theo thời gian thực; từ đó giúp đưa ra quyết định nhanh chóng, kịp thời, chuẩn xác, tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức trong quá trình giám sát, điều hành công việc.
Điều đặc biệt, Bình Dương đã xây dựng và vận hành thành công phần mềm app “Bình Dương Số” trên 2 hệ điều hành phổ biến nhất hiện nay là IOS và Android, với 33 nhóm chức năng, phục vụ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Tính đến nay, có hơn 46.000 người dùng điện thoại di động cài đặt ứng dụng này và 782.454 lượt truy cập. Khi cài đặt “Bình Dương Số”, người dùng có thể khai thác sử dụng rất nhiều tiện ích, thông tin chung, chẳng hạn sẽ dễ dàng theo dõi đầy đủ thông tin nổi bật của tỉnh; tra cứu cứu dữ liệu mở, hồ sơ dịch vụ công; phản ánh hiện trường và yêu cầu; xem tình trạng giao thông qua hệ thống camera tại nhiều khu vực, địa bàn và cảnh báo giao thông theo bản đồ; đăng nhập qua Tài khoản Cổng Quốc gia và VNeID; sử dụng các tiện ích như: Thông tin quy hoạch (Quy hoạch xây dựng, đồ án, hạ tầng kỹ thuật), An sinh xã hội (tra cứu BHXH, mã số thuế, việc làm, khởi nghiệp tại Bình Dương), Du lịch (Bản đồ Bình Dương 360, app Du lịch Bình Dương), Thông tin báo chí (Báo và Đài truyền hình Bình Dương), Giáo dục (trang tin về Giáo dục), Y tế (tìm kiếm địa điểm y tế, Cổng thông tin sở y tế), Công dân số (tin tức, câu chuyện về công dân số), Cẩm nang chuyển đổi số, Chuyển đổi số quốc gia (thông tin xếp hạng chuyển đổi số quốc gia). Thông qua “Bình Dương Số”, người dùng có thể chia sẻ dữ liệu mở (Các bộ dữ liệu mở được chia sẻ trên ứng dụng Bình Dương Số, người sử dụng có thể tra cứu như cơ sở y tế, nhà thuốc, các địa điểm cung cấp mặt hàng thiết yếu, thông tin quy hoạch, môi trường, camera giao thông), có được các tiện ích (8 nhóm tiện ích về các điều kiện trở thành Công dân số như chữ ký số, ví điện tử và các cẩm nang kỹ năng số, an toàn thông tin), nắm bắt thông tin nhanh nhờ các nội dung thông báo (các thông tin quan trọng, khẩn cấp, cần thiết)… “Bình Dương Số” cũng đã được tích hợp VNeID. Nếu đăng nhập bằng VneID, người dùng sẽ khai thác được các chức năng dành riêng như phản ánh hiện trường, theo dõi tiến độ hồ sơ hành chính công, thông tin về an sinh xã hội, thông báo vi phạm giao thông.
Được biết, Sở Thông tin và Truyền thông Bình Dương đã đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông cử chuyên gia hỗ trợ để xây dựng mô hình mẫu chuyển đổi số các doanh nghiệp thuộc 8 hiệp hội ngành hàng (gốm sứ, dệt may, da giày, chế biến gỗ, cơ điện, sơn mài và điêu khắc, xuất nhập khẩu và Logistics); phát triển các khu công nghệ thông tin tập trung, thu hút doanh nghiệp công nghệ số, xây dựng hệ sinh thái chip bán dẫn. Tạo điều kiện thẩm định về quy hoạch Khu Công nghệ thông tin tập trung trong quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cùng nhiều hạng mục khác.
Sự chuẩn bị đó nhằm thực hiện thành công những định hướng như nâng cao các bộ chỉ số, trong đó có chỉ số DTI, tập trung vào các lĩnh vực đang còn hạn chế (an toàn thông tin, kinh tế số và xã hội số). Đồng thời hoàn thành kho dữ liệu, kết nối toàn bộ dữ liệu quốc gia chia sẻ trên trục dữ liệu quốc gia để khai thác trong việc xây dựng Chính quyền số, phục vụ kinh tế số, xã hội số.. Hoàn thiện, bổ sung các cơ chế chính sách nhằm tạo thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp triển khai chuyển đổi số.
Nguồn: Báo xây dựng