Bình Dương lên kế hoạch xây dựng 82.000 căn nhà ở xã hội

(Xây dựng) – Là tỉnh phát triển công nghiệp, với tới tốc độ tăng trưởng dân số cơ học ở mức cao. Trong thời gian qua, việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm và xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh; đặc biệt là việc đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội để giải quyết nhu cầu chỗ ở cho các đối tượng thu nhập thấp và công nhân tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Đến năm 2020, Bình Dương đã kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng được khoảng hơn 1,8 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Bình Dương lên kế hoạch xây dựng 82.000 căn nhà ở xã hội
Khu nhà ở xã hội tại Bình Dương.

Thực trạng nhà ở xã hội tại Bình Dương

Do có nhu cầu lớn về nhà ở xã hội, nên Bình Dương đã có chủ trương xây dựng đề án “phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, làm cơ sở định hướng, chỉ đạo các Sở, ban, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân có liên quan triển khai thực hiện công tác phát triển nhà ở này. Mục tiêu của Đề án là phát triển nhà ở xã hội phù hợp khả năng chi trả của công nhân, người lao động, người thu nhập thấp, người có hoàn cảnh khó khăn. Có chính sách thông thoáng để tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng khó khăn tiếp cân nguồn vốn vay, tiếp cận nguồn cung nhà ở.

Sự phát triển của các khu, cụm công nghiệp kéo theo sự tập trung cư dân đông đúc từ khắp mọi miền của đất nước chuyển về sinh sống và làm việc tại Bình Dương ngày càng tăng (số lượng người dân nhập cư vào Bình Dương chiếm hơn nửa dân số toàn tỉnh). Chính vì vậy, trong giai đoạn 2011-2015, có 23 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân hoàn thành và đưa vào sử dụng với 9.618 căn, đáp ứng nhu cầu cho 37.500 người. Giai đoạn 2016-2020 và năm 2021, có 17 dự án và 01 Đề án nhà ở xã hội (đề án nah2 ở xã hội của Becamex IDC), nhà ở công nhân đã được đầu tư với diện tích đất khoảng 132ha, với 33.246 căn, đáp ứng nhu cầu cho khoảng 101.077 người.

Ngoài ra, có hàng trăm doanh nghiệp cũng đã đầu tư xây dựng nhà ở cho người lao động với tổng diện tích sàn là 269.982m2, đáp ứng cho khoảng 46.974 người. Chưa kể trên 600.000 phòng trọ do dân tự xây, đáp ứng chỗ ở cho gần 544.000 người là đối tượng công nhân lao động, sinh viên và người thu nhập thấp ở thuê.

Tuy nhiên, so với nhu cầu về nhà ở của công nhân, người có thu nhập thấp đang sinh sống, học tập, lao động trên địa bàn tỉnh, thì kết quả đạt được, chỉ đáp ứng được phần nào nhu cầu của người dân. Bởi địa phương chưa thực hiện hết các chính sách ưu đãi nên khó thu hút nhà đầu tư vào thực hiện các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Chưa có cơ chế hỗ trợ về nguồn vốn dành cho chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội; Việc bán nhà ở xã hội chưa phù hợp với điều kiện thực tế do vướng mắc về mức thu nhập, nhiều đối tượng phải đóng thuế thu nhập cá nhân nên không đủ điều kiện thuê mua nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, chính sách ưu đãi về nhà ở xã hội hiện nay chưa tạo được sự khác biệt lớn giữa nhà ở xã hội với đất nền thương mại tại địa phương, chưa hình thành tài sản cho người mua nhà. Các doanh nghiệp, tổ chức không mặn mà đầu tư nhà ở xã hội do nhiều thủ tục, nội dung phức tạp, lợi nhuận không cao…

Giải pháp để phát triển nhà ở xã hội

Theo báo cáo của Sở Xây dựng Bình Dương nhu cầu về nhà ở xã hội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 khoảng 288.718 người, tương đương 288.718 căn, diện tích sàn nhà ở khoảng 13.842.060m2. Trong đó nhu cầu của công nhân lao động tại khu công nghiệp có khả năng mua nhà ở xã hội đến năm 2025 là gần 135.000 căn với diện tích 6.452.085m2 (trung bình 48m2/căn), đến năm 2030 khoảng 154.000 căn với diện tích 7.355.415m2 (trung bình 48m2/căn).

Nhu cầu của cán bộ, công chức, viên chức đến năm 2025 là 419 căn với diện tích 16.760m2, đến năm 2030 là 445 căn với diện tích 17.800m2.

Theo định hướng về phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030 dự kiến phát triển gần 4 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, tương ứng 84.000 căn, đáp ứng 336.000 người. Trong đó giai đoạn 2021 – 2025, Sở Xây dựng tiến hành rà soát lại các quy hoạch làm cơ sở xây dựng Kế hoạch phát triển nhà ở xã hội đến năm 2025 và hàng năm. Phấn đấu phát triển tăng thêm được 1.890.000m2 sàn nhà ở xã hội, tương đương khoảng 42.000 căn hộ. Giai đoạn 2026 – 2030 phấn đấu phát triển tăng thêm được 2.100.000m2 sàn nhà ở xã hội, tương đương khoảng 42.000 căn hộ. Dự kiến có khoảng 93,3ha đất để thực hiện phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với tổng vốn đầu tư khoảng 45.000 tỷ đồng.

Để có đất thì Bình Dương ưu tiên kêu gọi đầu tư trên quỹ đất được quy hoạch phát triển nhà ở xã hội trong quy hoạch xây dựng các Khu công nghiệp; các quỹ đất nhà nước trực tiếp quản lý do các doanh nghiệp đang sử dụng làm nhà xưởng tại các huyện, thị, thành phố thuộc diện phải di dời vào các khu công nghiệp; quỹ đất do các cơ quan Nhà nước đang quản lý thuộc diện sắp xếp lại hoặc chưa đưa vào sử dụng để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước; Quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị…

Ông Võ Hoàng Ngân – Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cho biết: Trong thời gian tới tỉnh Bình Dương tiếp tục nâng cao chất lượng nhà ở, đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho tất cả các nhóm dân cư, đặc biệt là các đối tượng chính sách theo quy định tại Điều 49 Luật Nhà ở. Khuyến khích phát triển nhà ở xã hội tại các khu vực phát triển đô thị mới, đáp ứng nhu cầu cho người có thu nhập thấp tại đô thị, người lao động tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

“Trong quá trình lập, thẩm định và phê duyệt các quy hoạch cần đề xuất bố trí đủ quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội. Trên cơ sở đó, sẽ triển khai dự án xây dựng nhà ở xã hội đồng bộ về hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Đặc biệt khi lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch phải xác định rõ diện tích đất phù hợp trên địa bàn để xây dựng nhà ở xã hội, thiết chế của công đoàn đảm bảo đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để phục vụ công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp đó”, ông Ngân nhấn mạnh.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích