Bình Dương: Khuyến khích doanh nghiệp di dời lên khu vực phía Bắc của tỉnh

(Xây dựng) – Năm 2024, Bình Dương triển khai thực hiện thí điểm di dời chuyển đổi công năng của khoảng 05 – 07 doanh nghiệp nằm ngoài khu, cụm công nghiệp. Chủ trương của tỉnh Bình Dương trong kế hoạch này là khuyến khích hạn chế tối đa việc cưỡng chế.

Bình Dương: Khuyến khích doanh nghiệp di dời lên khu vực phía Bắc của tỉnh
Cần có giải pháp khuyến khích doanh nghiệp di dời theo quy hoạch, hạn chế việc cưỡng chế di dời.

Theo Báo cáo dự thảo Kế hoạch xây dựng tiêu chí, chính sách hỗ trợ và triển khai thực hiện thí điểm chuyển đổi công năng, di dời các doanh nghiệp nằm ngoài khu, cụm công nghiệp ở địa bàn phía Nam vào khu, cụm công nghiệp phía Bắc trên địa bàn tỉnh của Sở Công Thương tỉnh Bình Dương. Trong năm 2024, tỉnh này sẽ xây dựng tiêu chí xác định các doanh nghiệp chuyển đổi công năng, di dời; Xây dựng và hoàn thiện chính sách hỗ trợ di dời; Tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về tiêu chí xác định và chính sách hỗ trợ di dời; Triển khai thực hiện thí điểm di dời các doanh nghiệp; Tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm chuyển đổi công năng và di dời.

Đối với chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tập trung vào hỗ trợ về khuyến công; hỗ trợ về xúc tiến thương mại; chính sách ưu đãi đầu tư đối với dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trong khu công nghiệp; phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; hỗ trợ vay vốn; hỗ trợ tiền thuê đất, nhà xưởng tại địa điểm mới.

Ngoài ra, Sở Công Thương tỉnh Bình Dương còn đề xuất chính sách mới hỗ trợ doanh nghiệp di dời, chuyển đổi công năng cho các doanh nghiệp như: Chuyển đổi mục đích sử dụng mặt bằng, nhà xưởng, sử dụng đất phù hợp với quy hoạch tỉnh; Cho nợ, giãn thời gian nộp tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất; Hỗ trợ lãi vay đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất mới; Hỗ trợ phí, lệ phí thực hiện các thủ tục hành chính.

Đối với việc xây dựng các nhóm chính sách hỗ trợ cho người lao động sẽ tập trung vào hỗ trợ người lao động trong thời gian ngừng sản xuất; Chỉ trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động phải nghỉ việc do di dời; Đào tạo nghề đối với công nhân tại địa điểm mới; Chính sách về Bảo hiểm xã hội đảm bảo quyền lợi người lao động; Chính sách đặc thù hỗ trợ về nhà ở xã hội đối với người lao động bị ảnh hưởng…

Có nhiều ý kiến cho rằng, đối với các chính sách chung thì tỉnh áp dụng theo quy định, còn đối với chính sách riêng của tỉnh thì cần phải xem xét cụ thể, nhất là chính sách vay vốn với mức lãi vay ưu đãi. Các doanh nghiệp chưa thuộc diện bắt buộc di dời tỉnh cũng nên có chính sách hỗ trợ để khuyến khích doanh nghiệp di dời; các tiêu chí bắt buộc di dời cần phải liệt kê cụ thể…

Khẳng định về Kế hoạch chuyển đổi công năng, di dời các doanh nghiệp nằm ngoài khu, cụm công nghiệp phía Nam vào khu, cụm công nghiệp phía Bắc trên địa bàn tỉnh, ông Võ Văn Minh – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết: Đây là định hướng lớn của tỉnh để xây dựng Bình Dương theo hướng phát triển bền vững, đô thị thông minh; đồng thời nhằm tái thiết lại các đô thị của tỉnh. Do đó, tỉnh đề nghị các đơn vị nghiên cứu xây dựng các giải pháp, công cụ khuyến khích doanh nghiệp di dời, chuyển đổi công năng; thực hiện từng bước theo lộ trình và hỗ trợ là chính; tập trung các nhóm giải pháp để hạn chế tối đa việc cưỡng chế. Các Sở, ngành tham mưu sớm hoàn thiện chính sách, xác định các khu vực dời đến và xác định các tiêu chí di dời.

Bình Dương hiện có 30 khu công nghiệp với tổng diện tích lên đến 12.670,5ha và tỷ lệ lấp đầy bình quân 87,4%. Ngoài ra, còn có 12 cụm công nghiệp có quy mô lên đến 790ha và tỷ lệ lấp đầy cũng khá cao 67,4%. Một số khu công nghiệp Bình Dương nổi trội như VSIP, VSIP2, Mỹ Phước, Đồng An…

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích