Bình Dương: Hủy bản án sơ thẩm, phúc thẩm do vi phạm thủ tục tố tụng và “bỏ quên” quyền lợi bị đơn
TAND cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) vừa có Quyết định giám đốc thẩm, chấp nhận kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) cấp cao tại TP.HCM, tuyên hủy bản án phúc thẩm số 05/2021/DS-ST của TAND tỉnh Bình Dương và hủy bản án sơ thẩm số 57/2020/DS-ST của TAND thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương về vụ án “Tranh chấp về hợp đồng thuê lại quyền sử dụng đất và bồi thường thiệt hại”. TAND cấp cao tại TP.HCM giao hồ sơ vụ án cho TAND thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương giải quyết sơ thẩm lại theo đúng quy định pháp luật.
Theo TAND cấp cao tại TP.HCM: Việc TAND tỉnh Bình Dương không xem xét vi phạm của ông Mai Văn Đức (nguyên đơn) mà lại nhận định Công ty Nam Hồng (bị đơn) vi phạm nghĩa vụ trả tiền thuê, tuyên hủy các hợp đồng cho thuê lại quyền sử dụng đất giữa các bên, buộc Công ty Nam Hồng chịu mất số tiền đặt cọc, đồng thời phải trả khoản tiền thuê đất và lãi phát sinh tính đến ngày 10/9/2020 với số tiền 5,38 tỷ đồng là không đúng. Mặt khác, quá trình thu thập chứng cứ đã bỏ sót việc thẩm định và định giá tài sản là khối lượng mà Công ty Nam Hồng đã đầu tư để san lấp mặt bằng đất thuê.
“Những sai sót của TAND cấp sơ thẩm (TAND thành phố Thuận An) và TAND cấp phúc thẩm (TAND tỉnh Bình Dương) đã gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty Nam Hồng”, Quyết đinh giám đốc thẩm của TAND cấp cao tại TP.HCM nêu rõ.
Trong Thông báo số 224/TB-TA, TAND Tối cao khẳng định: Trong quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty Nam Hồng vi phạm nghĩa vụ thanh toán, tuy nhiên ông Mai Văn Đức không đơn phương chấm dứt hợp đồng mà hai bên đã cùng thỏa thuận lại thời gian thanh toán. Như vậy Công ty Nam Hồng không vi phạm thời gian thanh toán theo các hợp đồng thuê lại quyền sử dụng đất .
Đáng chú ý theo TAND Tối cao, căn cứ vào Vi bằng số 1248/2020/VB-TLP08 thể hiện ông Mai Văn Chung (em ruột ông Mai Văn Đức) có hành vi cản trở không cho Công ty Nam Hồng thực hiện bất kỳ công việc gì trên đất được thuê lại, là cản trở quyền sử dụng đất của bên thuê. Tuy nhiên TAND cấp phúc thẩm và TAND cấp sơ thẩm không xem xét vi phạm của ông Mai Văn Chung là ảnh hưởng đến quyền lợi của Công ty Nam Hồng. Quyết định của bản án sơ thẩm và phúc thẩm đã xâm phạm tới quyền và lợi ích phợp pháp của Công ty Nam Hồng.
Trước đó VKSND cấp cao tại TP.HCM cũng có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, nhận định: TAND cấp sơ thẩm đã vi phạm Khoản 2 Điều 97 về xác minh, thu thập chứng cứ chưa đầy đủ đồng thời vi phạm về trình tự phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ theo Khoản 2 Điều 210 Bộ luật tố tụng Dân sự năm 2015.
Khu đất cho thuê liên quan đến vụ án dân sự. |
Sau khi có Quyết định giám đốc thẩm, Tòa án nhân dân (TAND) thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương đang tiến hành các thủ tục để giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm vụ án “Tranh chấp về hợp đồng thuê lại quyền sử dụng đất và bồi thường thiệt hại”. Cùng lúc đó, phía bị đơn (Công ty Nam Hồng) đã có đơn phản tố, yêu cầu phía nguyên đơn (ông Mai Văn Đức) bồi thường thiệt hại, tiền đặt cọc, các tổn thất lên tới 33,8 tỷ đồng. Hiện nay, thực hiện Quyết định giám đốc thẩm của TAND Cấp cao tại TP.HCM, TAND thành phố Thuận An đang tiến hành các thủ tục đo vẽ, định giá tài sản và các thủ tục tố tụng khác để xét xử lại theo đúng quy định pháp luật.
Theo nội dung vụ án, Công ty Nam Hồng thuê lại quyền sử dụng đất ở thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương với mục đích kinh doanh với ông Mai Văn Đức, đã đặt cọc 1,576 tỷ đồng và đầu tư một số công trình trên đất. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty Nam Hồng chậm thanh toán tiền thuê đất nên ông Mai Văn Đức đã khởi kiện ra TAND thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương về “Tranh chấp hợp đồng thuê lại quyền sử dụng đất”; đòi Công ty Nam Hồng phải trả tiền đặt cọc, tiền thuê đất và tiền lãi phát sinh.
Xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, TAND thành phố Thuận An và TAND tỉnh Bình Dương đã tuyên chấp nhận đơn khởi kiện, đồng thời tuyên buộc Công ty Nam Hồng phải di dời tài sản của mình trên đất, trả lại hiện trạng đất và trả lại đất cho ông Mai Văn Đức.
Nguồn: Báo lao động thủ đô