Bình Dương: Hàng chục công trình “khủng” vi phạm xây dựng ở thành phố Thuận An sẽ bị xử lý thế nào?
(Xây dựng) – Phòng Quản lý đô thị thành phố Thuận An (Bình Dương) vừa có Báo cáo về việc rà soát, xác định rõ lĩnh vực vi phạm hành chính các trường hợp vi phạm ven sông Sài Gòn.
Nhà hàng trái phép trên sông của Du lịch xanh Dìn Ký Bình Nhâm. |
Đủ điều kiện cưỡng chế nhiều trường hợp vi phạm
Theo báo cáo, thực hiện Thông số 130/TB-UBND ngày 18/3 của Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thanh Sơn về việc giao Phòng Quản lý đô thị chủ trì phối hợp với các ngành, UBND xã, phường có liên quan rà soát, xác định rõ lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính, thời gian thực hiện và ngành, đơn vị nào chịu trách nhiệm thực hiện kiểm tra, xử lý; tổng hợp tất cả các trường hợp vi phạm ven sông Sài Gòn khu vực từ đường Vĩnh Phú 03 đến rạch Bà Lụa.
Qua rà soát hồ sơ, Phòng Quản lý đô thị thành phố Thuận An đã phối hợp UBND các xã, phường trên địa bàn thành phố tiến hành tổ chức thực hiện kiểm tra, vận động các trường hợp vi phạm tự phá dỡ công trình vi phạm ven sông Sài Gòn.
Tổng số trường hợp đã kiểm tra 123 trường hợp, bao gồm xã An Sơn 17 trường hợp; phường Bình Nhâm 27 trường hợp; phường Lái Thiêu 48 trường hợp; phường Vĩnh Phú 31 trường hợp.
Trên cơ sở kiểm tra, đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 26 trường hợp. Trong đó phường Lái Thiêu 12 trường hợp; phường Bình Nhâm 8 trường hợp; phường Vĩnh Phú 6 trường hợp.
Những trường hợp đã có từ lâu, trước thời điểm ban hành các quy định về quản lý 52 trường hợp; những trường hợp đã lập biên bản hiện trạng, vận động chủ công trình cam kết di dời 33 trường hợp; không vi phạm 12 trường hợp.
Qua kiểm tra, rà soát các trường hợp cần xử lý triệt để hành vi vi phạm là các trường hợp có dấu hiệu kè bờ, gia cố bờ sông; san lấp sông Sài Gòn và vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai 24 trường hợp (phường Bình Nhâm 6 trường hợp, phường Vĩnh Phú 6 trường hợp, phường Lái Thiêu 12 trường hợp).
Trong đó, 6 trường hợp đủ kiều kiện cưỡng chế về xây dựng: Ở phường Vĩnh Phú gồm Nhà hàng Làng Tâm Giao, Nhà hàng Dìn Ký – Phú Long, công trình của ông Trần Văn Anh (TĐS: 81, TBĐ: 21, khu phố Hòa Long); ở phường Lái Thiêu là công trình của bà bà Lê Minh Hồng (TĐS: 282, TBĐ: 552, khu phố Hòa Long), công trình ông Trần Văn Chủng (TĐS: 189, TBĐ: 552, khu phố Hòa Long); ở phường Bình Nhâm là công trình của bà Phan Thị Thanh Thủy (TĐS: 1456, TBĐ: 4, khu phố Bình Thuận (trường hợp này UBND thành phố đã ban hành quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả).
Với hàng loạt vi phạm, Nhà hàng Dìn Ký – Phú Long đủ kiều kiện cưỡng chế về xây dựng. |
Ngoài ra, 1 trường hợp tự phá dỡ công trình vi phạm là của ông Nguyễn Đức Sáu ở phường Bình Nhâm (đã chấp hành); 1 trường hợp đã chuyển nhượng cho người khác (công trình bà Nguyễn Thị Lộc chuyển nhượng cho bà Nguyễn Thị Hậu (Bình Nhâm).
Các trường hợp vi phạm bị xử lý thế nào?
Phòng Quản lý đô thị thành phố Thuận An cho biết, các trường hợp có dấu hiệu kè bờ, gia cố bờ sông; san lấp sông Sài Gòn vi phạm Điểm a, Khoản 4 và Khoản 5, Điều 25 Nghị định 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản: Căn cứ tại Điểm b khoản 2 Điều 69 Nghị định 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.
Do đó, trách nhiệm kiểm tra, xử lý vi phạm hành vi kè bờ, gia cố bờ sông; san lấp sông Sài Gòn thuộc chức năng, nhiệm vụ của Phòng Tài nguyên và Môi trường.
Các trường hợp có dấu hiệu vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai: Trách nhiệm kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm trong lĩnh vực đất đai thuộc chức năng, nhiệm vụ Phòng Tài nguyên và Môi trường và UBND các xã, phường.
Các trường hợp đủ kiều kiện cưỡng chế về xây dựng: Phòng Quản lý đô thị tiếp tục tham mưu UBND thành phố ban hành Quyết định cưỡng chế theo quy định.
Trên cơ sở đó, Phòng Quản lý đô thành phố Thuận An đề xuất, các trường hợp có dấu hiệu kè bờ, gia cố bờ sông; san lấp sông Sài Gòn: Phòng Quản lý đô thị kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, xử lý vi phạm hành vi kè bờ, gia cố bờ sông; san lấp sông Sài Gòn (nếu có) theo chức năng nhiệm vụ được giao.
Nhà hàng có dấu hiệu xây dựng lấn chiếm hành lang sông. |
Các trường hợp có dấu hiệu vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai: Phòng Quản lý đô thị kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND các xã, phường tiến hành kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm trong lĩnh vực đất đai (nếu có). Các trường hợp đủ kiều kiện cưỡng chế về xây dựng: Phòng Quản lý đô thị tiếp tục tham mưu UBND thành phố ban hành Quyết định cưỡng chế theo quy định.
Liên quan đến các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Thuận An mà Báo điện tử Xây dựng đã phản ánh, trước đó, Chủ tịch UBND thành phố Thuận An Nguyễn Thanh Tâm đã chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm tra xử lý.
Ẩm thực Đồng Quê Bờm Nhậu (phường Vĩnh Phú), tự ý sử dụng đất không đúng mục đích, có dấu hiệu xây dựng lấn hành lang sông Sài Gòn. |
Cụ thể, Chủ tịch UBND thành phố Thuận An đề nghị UBND các phường, xã dọc khu vực sông Sài Gòn tổ chức thực hiện: Vận động các cá nhân, tổ chức tự phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng lấn chiếm, những công trình xây dựng sai phép, không phép tự phá dỡ công trình vi phạm hoàn thành trong tháng 3/2024.
Xây dựng kế hoạch cưỡng chế đối với những cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm nêu trên hoàn thành trong tháng 4/2024; mỗi tuần cưỡng chế 02 trường hợp; đến tháng 6/2024 phải tổ chức cưỡng chế phá dỡ 100% công trình vi phạm. Đặc biệt, các công trình vi phạm lấn chiếm sông Sài Gòn mà địa phương đã phản ánh làm ảnh hưởng đến môi trường, mỹ quan đô thị… gây bức xúc trong nhân dân cần ưu tiên đưa vào kế hoạch kiểm tra xử lý trước.
Yêu cầu các đơn vị có liên quan và UBND các phường, xã dọc khu vực sông Sài Gòn thực hiện nghiêm các nội dung tại Thông báo số 130/TB-UBND ngày 18/3.
Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND thành phố Thuận An Nguyễn Thanh Tâm cho biết: “Thành phố sẽ xử lý quyết liệt các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng. Trường hợp xây dựng mới, quy mô lớn, dư luận quan tâm thành phố sẽ cho làm trước. Sau khi xử lý các trường hợp vi phạm xong, thành phố sẽ xử lý các cán bộ để xảy ra vi phạm”.
Nguồn: Báo xây dựng