Bình Dương coi chuyển đổi kép là tất yếu để doanh nghiệp nâng cao năng suất và giảm phát thải
Doanh nghiệp đầu tư máy móc trang thiết bị phục vụ cho chiến lược kép đổi kép. Ảnh minh họa
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Dành, sự phát triển của doanh nghiệp đóng vai trò quyết định đối với “sức khỏe” của nền kinh tế tỉnh. Với nhận thức đó, Bình Dương đã nhanh chóng triển khai các biện pháp nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn bộ hệ thống chính quyền từ cấp tỉnh đến cơ sở. Song song với đó, tỉnh cũng đẩy mạnh khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong việc nâng cao nhận thức và năng lực về chuyển đổi số.
Điều này đã dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp tại Bình Dương chủ động tham gia vào quá trình chuyển đổi kép – một giải pháp giúp doanh nghiệp vừa nâng cao hiệu quả kinh doanh, vừa đáp ứng các tiêu chuẩn phát triển bền vững, góp phần thực hiện cam kết Net Zero của Việt Nam về giảm phát thải nhà kính.
Ông Nguyễn Đức Trung – Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết chuyển đổi kép là chìa khóa giúp doanh nghiệp đối phó với những thách thức hiện nay, bao gồm biến đổi khí hậu, yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế về sản xuất xanh và sử dụng hiệu quả tài nguyên. Ông nhấn mạnh: “Chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ là các yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, đạt được mục tiêu phát triển bền vững và tăng trưởng xanh”.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Xuân Thơ – Cố vấn cấp cao của Công ty phần mềm Digiwin, cho rằng chuyển đổi kép đang trở nên ngày càng quan trọng trong việc định hình tương lai của các doanh nghiệp. Ông Thơ nhận định: “Chuyển đổi kép tập trung vào ba trụ cột chính: tăng năng suất và hiệu quả kinh tế một cách bền vững, tăng cường khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu, và giảm thiểu hoặc loại bỏ tối đa lượng khí thải nhà kính. Đây là xu hướng tất yếu mà doanh nghiệp cần nắm bắt để tận dụng cơ hội kinh doanh mới và mang lại lợi ích bền vững cho xã hội”.
Về phía doanh nghiệp, ông Phan Thành Đức – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần May mặc Bình Dương nhấn mạnh: “Nhờ áp dụng công nghệ tiên tiến, các doanh nghiệp dệt may tại Bình Dương đã gia tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời giảm chi phí và tiết kiệm năng lượng. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm mà còn đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của khách hàng về tái chế và bảo vệ môi trường”.
Trong khi đó, ông Lưu Trí -Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Nghệ Năng, cho rằng chuyển đổi kép là cách nhanh nhất và hiệu quả nhất để doanh nghiệp đạt được sự phát triển bền vững và nâng cao khả năng chống chịu trước những biến động của kinh tế thế giới. Ông Trí cho biết công ty đã đầu tư vào hệ thống máy móc tự động và bán tự động, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông minh trong sản xuất để đáp ứng các yêu cầu của đối tác lớn trong và ngoài nước. “Chúng tôi cũng chú trọng tới yếu tố sản xuất xanh, thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường để đáp ứng các tiêu chí xanh trong sản xuất”, ông Trí chia sẻ.
Bên cạnh đó, tỉnh Bình Dương cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành và địa phương đẩy mạnh thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Bà Nguyễn Thúy Hằng – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và phát triển công nghiệp (Sở Công Thương Bình Dương), cho biết Trung tâm đã tích cực hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ ứng dụng máy móc công nghệ hiện đại và áp dụng quy trình 5S (sắp xếp, sắp đặt, sạch sẽ, sáng suốt, tự giác) trong sản xuất. “Chúng tôi mong muốn tạo ra một môi trường sản xuất thân thiện, sạch sẽ và an toàn, từ đó giúp doanh nghiệp phát triển bền vững,” bà Hằng cho biết.
Chuyển đổi kép, kết hợp giữa chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, là một chiến lược tất yếu giúp các doanh nghiệp tại Bình Dương không chỉ nâng cao hiệu quả kinh doanh mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh. Nhờ vào sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương và các chính sách khuyến khích, doanh nghiệp tại Bình Dương đang từng bước thích ứng với xu hướng mới, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và xây dựng một môi trường kinh doanh bền vững.
Duy Trinh (t/h)