Bình Dương cần đẩy mạnh xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội
(Xây dựng) – Đây là phát biểu của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị dẫn đầu Đoàn công tác của Chính phủ làm việc với tỉnh Bình Dương chiều 11/5 về tình hình, giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất, nhập khẩu.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Bình Dương chiều 11/5 (ảnh Phương Chi). |
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đánh giá trong những năm qua, Bình Dương là điểm sáng về phát triển kinh tế xã hội, có đóng góp lớn trong sự tăng trưởng chung của cả nước. Tuy nhiên, 4 tháng đầu năm, kết quả tăng trưởng của tỉnh lại thấp so với các năm trước, kết quả đầu tư công của tỉnh thấp so với cả nước.
Bộ trưởng đề nghị Bình Dương tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các dự án đầu tư, xây dựng theo thẩm quyền, đẩy nhanh đầu tư công. Tập trung rà soát các cấp độ quy hoạch để điều chỉnh, bổ sung kịp thời, đảm bảo trong triển khai phát triển dự án đầu tư; tìm hướng tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản; tham gia đẩy mạnh thực hiện Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030 của Bộ Xây dựng.
Báo cáo với Đoàn công tác của Bộ Xây dựng, ông Phạm Trọng Nhân – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương cho biết, quý I/2023, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn do ảnh hưởng diễn biến phức tạp của thị trường thế giới. Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 0,15% so với cùng kỳ năm 2022 (quý I/2022 tăng 7,2%). Trong đó, khai khoáng giảm 2,12%; chế biến, chế tạo tăng 0,4%; sản xuất và phân phối điện giảm 7,6%; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải giảm 8%.
Các khu công nghiệp thu hút đầu tư nước ngoài đạt 39 triệu đô la Mỹ (chiếm 9% cả tỉnh), cho thuê được 4,2ha đất. Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã giải ngân 881 triệu đô la Mỹ; doanh thu đạt 9,3 tỷ đô la Mỹ; xuất khẩu đạt 5,3 tỷ đô la Mỹ (chiếm 72,6% cả tỉnh). UBND tỉnh triển khai thủ tục khu công nghiệp cơ khí hỗ trợ và tiếp tục rà soát quy hoạch, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Tính đến ngày 30/4/2023, giá trị giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2023 đạt trên 1.600 tỷ đồng, đạt 13,2% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, giá trị giải ngân vốn ngân sách Trung ương đạt gần 55 tỷ đồng (đạt 1,7% kế hoạch được giao), vốn ngân sách địa phương giải ngân đạt trên 1.555 tỷ đồng (đạt 17,2% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao)…
Toàn cảnh buổi làm việc của Đoàn công tác Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị làm Trưởng đoàn (ảnh Phương Chi). |
Năm 2023, tỉnh Bình Dương có 04 dự án đầu tư vốn ngân sách Trung ương (trong nước) với tổng kế hoạch vốn là gần 10.500 tỷ đồng (trong đó ngân sách trung ương là hơn 3.100 tỷ đồng, ngân sách địa phương là hơn 7.300 tỷ đồng); giá trị giải ngân đến ngày 30/4/2023 là gần 60 tỷ đồng, đạt 0,6% kế hoạch tỉnh giao.
Lý giải việc giải ngân đầu tư công chậm, ông Võ Văn Minh – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương nêu vướng mắc: Hiện Bình Dương đang tập trung nguồn vốn ngân sách tỉnh giai đoạn 2021 – 2025 để triển khai thực hiện dự án đường Vành đai 3 (ngân sách tỉnh bố trí 7.808 tỷ đồng), giải phóng mặt bằng Quốc lộ 13 (ngân sách tỉnh là 5.000 tỷ đồng). Bình Dương phải cân đối, bố trí ngân sách tỉnh để phấn đấu hoàn thành đường Vành đai 4 thành phố Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh trong năm 2026, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành.
Dự án Vành đai 3 là dự án quan trọng quốc gia, có tính chất đặc thù. Để đảm bảo việc phê duyệt dự toán chi phí chuẩn bị đầu tư đúng quy định, UBND tỉnh Bình Dương kiến nghị đoàn công tác có ý kiến hướng dẫn trình tự, thủ tục, căn cứ pháp lý và các quy định tiêu chuẩn, định mức, nội dung chi tiết và phương pháp xác định chi phí… để thẩm định các định mức chi phí dự toán chuẩn bị đầu tư đối với dự án giải phóng mặt bằng; đồng thời góp ý đối với dự toán chuẩn bị đầu tư Dự án đường Vành đai 3 kèm theo để hoàn thiện các thủ tục, đấu thầu thi công trong tháng 6/2023 đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Minh cũng kiến nghị với Đoàn công tác chấp thuận cho Bình Dương triển khai các thủ tục Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng thành phố Thủ Dầu Một (trong đó có Khu liên hợp Đô thị – Công nghiệp – Dịch vụ Bình Dương) song song với việc hoàn thiện Hồ sơ điều chỉnh tổng thể; trong đó điều chỉnh một số nội dung như: Chuyển đổi công năng một số khu đất công hiện hữu; bổ sung các khu vực định hướng phát triển đô thị; điều chỉnh quy hoạch để thu hút các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân lao động theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Bởi Quy hoạch chung xây dựng thành phố Thủ Dầu Một được phê duyệt từ năm 2012 (thời điểm Thủ Dầu Một là đô thị loại III, nay là đô thị loại I) có nhiều nội dung không còn phù hợp với mục tiêu, tiêu chí đô thị loại I. Hiện nay, Bình Dương đang hoàn thiện Hồ sơ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố Thủ Dầu Một, đang được Bộ Xây dựng tổ chức thẩm định nhiệm vụ, dự kiến cuối năm 2023 sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ngoài ra Bình Dương cũng kiến nghị Bộ Xây dựng sớm xây dựng quy định về quy trình, trình tự, thủ tục triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị (bao gồm nhà ở xã hội) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại điểm d khoản 1 mục II Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ, để các địa phương thực hiện thuận lợi và thống nhất.
Tại buổi làm việc, các Sở, ngành của Bình Dương cũng nêu những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án đầu tư, xây dựng như việc tính nghĩa vụ tài chính về đất; thủ tục đầu tư, xây dựng. Trình tự, thủ tục thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư các dự án còn phức tạp, chính sách bồi thường, hỗ trợ không phù hợp với thực tế ảnh hưởng đến việc giao mặt bằng để thi công các dự án…
Nguồn: Báo xây dựng