Bình Dương: Bốn trụ cột chuyển đổi số xây dựng thành phố thông minh

(Xây dựng) – Chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong việc xây dựng và phát triển thành phố thông minh Bình Dương với 4 trụ cột: Cải cách hành chính, phát triển kinh tế, môi trường bền vững, xã hội toàn diện.

Bình Dương: Bốn trụ cột chuyển đổi số xây dựng thành phố thông minh
Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC) của tỉnh Bình Dương.

Lấy cộng đồng làm trọng tâm

Năm 2023, tỉnh Bình Dương nâng cao công tác chỉ đạo điều hành, hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm về chuyển đổi số trong thực hiện chính quyền số. Trên tinh thần lấy cộng đồng làm trọng tâm, lấy kết nối thông minh là phương châm phát triển, tỉnh Bình Dương đề ra 6 tiêu chí: Kết nối – băng thông rộng, lực lượng lao động, đổi mới sáng tạo, bình đẳng tiếp cận kỹ thuật số, ủng hộ khích lệ và bền vững.

Kết quả, năm 2023 Cộng đồng thông minh thế giới (ICF) tiếp tục công nhận thành phố thông minh Bình Dương loạt vào Top 7 danh hiệu Smart 21 cùng các thành phố của các quốc gia trên thế giới.

Tháng 4/2022, tỉnh Bình Dương đã công bố Cổng thông tin điện tử Tỉnh ủy và thành lập Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC), đây là công cụ thu thập cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các cơ quan, đơn vị để xử lý, phân tích cho kết quả đầu ra phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp cũng như các cơ quan đơn vị. Ngoài ra, trên cơ sở tích hợp dữ liệu cùng các hệ thống sẵn có và các phần mềm điều khiển với hơn 20 lĩnh vực giám sát, điều hành đã khái quát toàn bộ các chỉ tiêu phát triển của tỉnh Bình Dương. IOC đã giúp cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành về hoạt động kinh tế – xã hội của tỉnh theo thời gian thực. Từ đó đưa ra quyết định nhanh chóng, kịp thời, chuẩn xác, tiết kiệm được thời gian và công sức trong quá trình giám sát, điều hành công việc của lãnh đạo tỉnh.

Đặc biệt, tỉnh Bình Dương có nhiều sáng kiến sản xuất tiên tiến, công nghiệp thông minh đã ứng dụng tại các trung tâm sáng tạo như: Trung tâm đổi mới sáng tạo công nghiệp 4.0 Việt Nam – Singapore, Trung tâm khởi nghiệp và sản xuất tiên tiến, Trung tâm Sembcorp – EIU về các giải pháp bền vững, Trung tâm sản xuất thông minh của Becamex… tại các lĩnh vực khác nhau, nhiều dự án nghiên cứu với các đối tác quốc tế kết nối với tỉnh Bình Dương.

Xây dựng thành phố thông minh, tỉnh Bình Dương đã tập trung vào công tác cải cách hành chính. Từ đó, UBND tỉnh đã phê duyệt danh mục 697/1.893 dịch vụ công trực tuyến toàn trình (36,82%); 692/1.893 dịch vụ công trực tuyến một phần (36,555%), và 504/1.893 thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ cung cấp thông tin trực tuyến (26,625%). Đồng thời, phê duyệt danh mục dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện không nhận hồ sơ giấy trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 1 (từ ngày 01/6/2023 – 30/9/2023) với 731/1.950 dịch vụ công trực tuyến (chiếm 37%).

Toàn tỉnh Bình Dương hiện có 8.705 doanh nghiệp hoạt động công nghệ số, tỉnh hướng tới thực hiện hỗ trợ tất cả các doanh nghiệp số hóa nhằm tăng năng suất (kể cả hộ kinh doanh gia đình, doanh nghiệp vừa và nhỏ), thông qua việc cung cấp kỹ năng cơ bản để tham gia vào nền kinh tế kỹ thuật số, ứng dụng Công nghiệp 4.0 và phương pháp sản xuất tiên tiến.

Bình Dương: Bốn trụ cột chuyển đổi số xây dựng thành phố thông minh
Trang chủ thông tin cần tra cứu mã QR-Code tại địa chỉ http://gisxd.binhduong.gov.vn.

Bên cạnh đó, Bình Dương còn áp dụng đơn giản hóa các thủ tục cho doanh nghiệp nhằm rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ thông qua việc nộp hồ sơ, làm thủ tục qua mạng, chuyển trả kết quả qua đường bưu điện. Đây là điều kiện thúc đẩy chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong dịch vụ công, cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh. Nổi bật, tại Sở Công Thương Bình Dương, hiện nay 100% văn bản được ký số và phát hành trên môi trường điện tử (trừ những văn bản mật), thực hiện kết nối tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả với cơ sở dữ liệu ngành Công Thương, áp dụng phần mềm một cửa mới.

Chuyển đổi số lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, hướng đến lợi ích của người dân. Bình Dương đã thành lập 586 tổ Tổ chuyển đổi số cộng đồng với 3.329 thành viên bước đầu hỗ trợ người dân trong công tác chuyển đổi số. Hiện nay, tỉnh có 82% người từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng, khoảng 89% người dân biết kỹ năng về công nghệ thông tin. Cùng với đó, Đề án 06 của tỉnh đã hoàn thành cấp căn cước công dân cho 100% người dân đủ điều kiện và là một trong 19 địa phương đầu tiên trên toàn quốc hoàn thành nhiệm vụ cấp căn cước công dân. Đồng thời cài đặt và kích hoạt tài khoản định danh điện tử (VneID) mức 2 hoàn thành trước 31/8/2023.

Đầu tư đồng bộ

Để có được sự chuyển mình nhanh chóng trong cải cách hành chính, Bình Dương đã đầu tư cho hạ tầng số với độ phủ cáp quang tới tất cả các xã, phường có mạng truyền số liệu chuyên dùng, toàn tỉnh phủ sóng 4G phục vụ 4 triệu thuê bao. Trung tâm dữ liệu cung cấp dịch vụ cho chuyển đổi số và đô thị thông minh với 7 nền tảng khai thác vận hành. Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh kết nối dữ liệu với 3 Bộ, ngành Trung ương, 17/18 Sở, ngành, 4/6 cơ quan ngành dọc tại tỉnh với 15 nhóm chỉ số điều hành cập nhật theo ngày, tuần, tháng và 12 nhóm chỉ số cập nhật theo quý, năm. Cùng với đó, tỉnh triển khai ứng dụng Chính quyền số Bình Dương, cổng dữ liệu mở và ban hành danh mục dữ liệu mở của tỉnh. Hiện nay, Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh của tỉnh đã tích hợp hơn 1.039 chỉ số ở 27 lĩnh vực. Theo đó, IOC các huyện, thị xã, thành phố cũng đang triển khai xây dựng, thành lập.

Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh Bình Dương đã triển khai được dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. Hệ thống thông tin một cửa điện tử được triển khai dùng chung cho tất cả 19 Sở, ngành, 9 UBND cấp huyện và 91 UBND cấp xã. Phấn đấu hết năm 2023, hoàn thành 100% số hóa, ký số và lưu trữ điện tử đối với hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính.

Bình Dương: Bốn trụ cột chuyển đổi số xây dựng thành phố thông minh
Hệ thống tiếp nhận và xử lý thủ tục hành chính một cửa của các Sở, ban, ngành tại Trung tâm Hành chính tỉnh Bình Dương.

Theo kết quả công bố, Chỉ số cải cách hành chính của tỉnh Bình Dương, mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước tỉnh Bình Dương (năm 2022) đạt 85,52%, xếp thứ 4/63 tỉnh (tăng 18 bậc so với năm 2021). Về chuyển đổi số các Bộ, ngành, địa phương, năm 2022 tỉnh Bình Dương xếp hạng 19/63 tỉnh, thành phố cả nước, tăng 3 hạng so với năm 2021.

Theo lãnh đạo tỉnh Bình Dương, để hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số của quốc gia tốt hơn nữa, trong thời gian tới đây, tỉnh sẽ từng bước triển khai các chương trình hành động cụ thể, trong đó tập trung ưu tiên chuyển đổi số lĩnh vực: Quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị và hạ tầng, khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng, nhà ở, công sở và thị trường bất động sản. Trong sản xuất công nghiệp, tỉnh tập trung triển khai mô hình nhà máy thông minh, vận hành thông minh, các hệ thống thông minh cho một số doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên các lĩnh vực. Hoàn thiện cơ sở dữ liệu về tài nguyên môi trường, nước, khoáng sản, đất đai, đo đạc và bản đồ, cơ sở dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đảm bảo đồng bộ, chia sẻ và liên thông trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Các lĩnh vực về giao thông vận tải và logistics, nông nghiệp, y tế, giáo dục, văn hoá và du lịch tiếp tục được thực hiện và triển khai một cách đồng bộ.

Chuyển đổi số là sự thay đổi mang tính toàn diện từ chính quyền, đến từng doanh nghiệp, từng tổ chức và người dân trong mọi lĩnh vực. Chuyển đổi số tiên phong thực hiện trên cơ sở kế thừa phát huy những kết quả đạt được của việc xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh tỉnh Bình Dương để mang tính dẫn dắt, thúc đẩy kinh tế số, công dân số, xã hội số phát triển.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích