Bình Định: Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội giám sát về ứng phó biến đổi khí hậu
Bình Định: Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội giám sát về ứng phó biến đổi khí hậu
Trong hai ngày 24 và 25/8, Đoàn giám sát của Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội làm việc với UBND tỉnh Bình Định, giám sát thực hiện chính sách pháp luật về ứng phó biến đổi khí hậu.
Đoàn cũng đi khảo sát thực tế một số công trình, dự án thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển năng lượng tái tạo tại Bình Định.
Ngày 24/8, Đoàn giám sát của Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội do đồng chí Lê Quang Huy – Ủy viên TW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường làm Trưởng đoàn đã đi khảo sát thực tế tại một số công trình, dự án thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển năng lượng tái tạo, thực hiện giảm phát thải khí nhà kính trên địa bàn tỉnh. Cùng đi với Đoàn có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng và Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh.
Các dự án được khảo sát gồm: Nhà máy Điện gió Nhơn Hội 1 và Nhà máy Điện gió Nhơn Hội 2 (thuộc xã Nhơn Hội, xã Nhơn Lý của TP. Quy Nhơn); Nhà máy Phong điện Phương Mai 1 (xã Cát Chánh, huyện Phù Cát và xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước) và Nhà máy Phong điện Phương Mai 3 (xã Cát Chánh và thị trấn Cát Tiến, huyện Phù Cát); Nhà máy Điện mặt trời Phù Mỹ (xã Mỹ An và Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ).
Thông tin với Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tự Công Hoàng cho biết: Bình Định là địa phương có tiềm năng lớn về nguồn năng lượng tái tạo, nhất là năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Cùng với việc nâng cao khả năng sử dụng và tiết kiệm năng lượng, tỉnh rất quan tâm đến công tác ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đề xuất với Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tự Công Hoàng kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thời gian tới có sự quan tâm, hỗ trợ tỉnh nhiều hơn nữa về công tác ứng phó biến đổi khí hậu, cũng như xem xét có điều chỉnh hợp lý hơn về cơ chế đất đai để việc sử dụng quỹ đất nền đối với những dự án năng lượng tái tạo phát huy được hết hiệu quả, góp phần cho sự phát triển kinh tế – xã hội bền vững của tỉnh.
Cùng ngày, Đoàn giám sát đi kiểm tra dự án nâng cấp hệ thống đê Đông và trồng rừng ngập mặn tại cầu Nhơn Hội, thành phố Quy Nhơn và đập ngăn mặn trên sông Lại Giang, thị xã Hoài Nhơn.
Ngày 25/8, Đoàn giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về ứng phó biến đổi khí hậu của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội do ông Lê Quang Huy, Ủy viên Trương ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Định. Tiếp và làm việc với đoàn có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh và lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Báo cáo của UBND tỉnh Bình Định cho biết, việc tác động của biến đổi khí hậu đến phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh đang dần hiện rõ. Mới đây nhất là đợt mưa to, gió lớn trái mùa gây thiệt hại nặng cho sản xuất nông nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 vừa qua. Với đặc trưng nhiệt độ trung bình cao, cùng với những đợt nắng nóng có thể lên đến trên 400C, các hệ sinh thái khu vực đầm và rạn san hô ven biển tỉnh Bình Định có nguy cơ bị suy giảm về mặt đa dạng sinh học.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh cho biết, quan điểm của tỉnh trong thời gian qua là không đánh đổi môi trường với phát triển kinh tế. Tỉnh cũng đã huy động cấp ủy, chính quyền các cấp và tuyên truyền, huy động nhân dân tham gia chống ứng phó biến đổi khí hậu. Nhiều dự án hạ tầng, phát triển kinh tế rừng, phục hồi rạn san hô đã mang lại hiệu quả bước đầu. Trên địa bàn tỉnh cũng bắt đầu hình thành các dự án năng lượng tái tạo, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp xanh thân thiện với môi trường. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng kiến nghị Trung ương sớm xây dựng đề án ứng phó biến đổi khí hậu trên cả nước, nhất là khu vực miền Trung khi thường xuyên chịu cảnh mưa ngập lụt, nắng lên thì hạn hán.
Kết luận buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội Lê Quang Huy đánh giá: Bình Định rất nỗ lực và tích cực thực hiện chính sách pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, bảo vệ không gian sống phục vụ chung cho cộng đồng.
Lê Quang Huy nhấn mạnh: Biến đổi khí hậu ngày càng ảnh hưởng khốc liệt hơn tới phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Do vậy, phải truyền thông, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về tác động của biến đổi khí hậu và phòng chống, ứng phó với thiên tai. Việc thứ 2 là quản lý, giảm phát thải khí nhà kính. Việc quan trọng nữa là phải lồng ghép, đánh giá tác động môi trường đối với các dự án, công trình được triển khai. Tiếp tục đầu tư xây dựng các trạm quan trắc các dữ liệu về nắng gió, mưa bão, chia sẻ các dữ liệu để các sở, ngành, địa phương chủ động các giải pháp ứng phó.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội Lê Quang Huy cũng đề nghị tỉnh Bình Định tiếp tục tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ngành và tiếp tục liên kết, tận dụng các nguồn lực viện trợ để chống biến đổi khí hậu.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị