Bình Định: Trúng đấu giá mỏ cát nhưng không thể khai thác, doanh nghiệp kêu cứu

(Xây dựng) – Mặc dù đã trúng đấu giá, hoàn tất các thủ tục pháp lý, thế nhưng hơn 1 năm nay, một số doanh nghiệp khai thác cát ở huyện Hoài Ân (Bình Định) vẫn không thể hoạt động bởi sự ngăn cản của người dân.

Bình Định: Trúng đấu giá mỏ cát nhưng không thể khai thác, doanh nghiệp kêu cứu
Khu vực mỏ cát sông Kim Sơn (xã Ân Tường Tây, huyện Hoài Ân), nơi Công ty Thương Tín được cấp phép khai thác.

Trúng đấu giá nhưng không thể hoạt động!

Công ty TNHH Thương mại dịch vụ tổng hợp Thương Tín (Công ty Thương Tín) có địa chỉ ở thôn Nam Tượng 2, xã Nhơn Tân, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định đã được UBND tỉnh cho phép khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường tại sông Kim Sơn, xã Ân Tường Tây, huyện Hoài Ân với diện tích 2,81ha trong thời hạn 02 năm cấp theo Giấy phép khai thác số 172/GP-UBND ngày 26/12/2022.

Thế nhưng hơn một năm qua, khi đi vào khai thác, Công ty này liên tục bị sự cản trở của người dân tại xóm 3, xóm 5, thôn Phú Hữu 1 và Phú Hữu 2, xã Ân Tường Tây, khiến việc khai thác bị đình trệ.

Bình Định: Trúng đấu giá mỏ cát nhưng không thể khai thác, doanh nghiệp kêu cứu
Dù đã được cấp phép hơn 1 năm nay nhưng Công ty Thương tín không thể khai thác cát do người dân cản trở.

Sau khi nhận được đơn thư kêu cứu của doanh nghiệp, nhóm phóng viên đã có mặt tại hiện trường bãi khai thác cát của Công ty.

Theo ghi nhận của PV Báo điện tử Xây dựng, vào lúc 12h ngày 25/1, mặc dù trời đã ngả bóng nhưng hàng chục người dân vẫn tràn xuống dưới lòng sông để cản trở không cho xe múc chở cát từ lòng sông Kim Sơn ra bãi tập kết.

Những người dân này đã tự ý dựng rạp, treo băng rôn, đồng thời cắt cử người canh gác, tiếp tế lương thực, túc trực 24/24h. Có những người dân quá khích còn nhào vào cả máy đào, ngăn cản không cho máy xúc hoạt động.

Bình Định: Trúng đấu giá mỏ cát nhưng không thể khai thác, doanh nghiệp kêu cứu
Người dân dựng lều trại, túc trực 24/24 tại bãi khai thác cát của Công ty Thương Tín.

Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Nguyễn Thiện Sinh – Phó Giám đốc Công ty Thương Tín cho biết: “Sau khi Công ty Thương Tín trúng đấu giá, thì các ban, ngành như: Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các cơ quan, ban, ngành cũng đã khảo sát và đánh giá tác động môi trường, kết quả là Công ty được quyền khai thác. Từ khi được cấp phép đến giờ, Công ty đã triển khai các hạng mục bổ trợ, làm trạm cân, đường đấu nối vào trong mỏ cát. Tuy nhiên từ ngày 13/3/2023 đến nay Công ty luôn bị bà con ở xóm 3 ngăn cản rất nhiều lần trong khi làm đường công vụ”.

Theo ông Sinh, doanh nghiệp được cấp phép 2 năm nhưng đã hơn 1 năm trôi qua doanh nghiệp chưa thực hiện được việc khai thác. Những chi phí doanh nghiệp bỏ ra rất lớn, ước tính thiệt hại đến thời điểm này là hơn 7 tỷ đồng.

Bức xúc trước sự việc nhiều lần bị người dân ngăn chặn, không cho khai thác cát trong khi đã trúng thầu, Công ty Thương Tín đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Bình Định, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Hoài Ân giải quyết vướng mắc để Công ty tiến hành khai thác cát. Sau đó, UBND tỉnh cũng đã Công văn số 205/UBND-KT chỉ đạo UBND huyện Hoài Ân về việc kiểm tra các nội dung liên quan và yêu cầu xử lý hành vi các đối tượng cản trở (nếu có). Tuy nhiên, đến nay sự việc vẫn chưa được giải quyết. Trong khi đó, bà con ngày càng căng thẳng hơn, luôn túc trực 24/24 và dùng mọi biện pháp để cản trở Công ty thi công con đường đấu nối vào bãi.

Cách bãi khai thác cát của Công ty Thương Tín không xa, Công ty TNHH tổng hợp Dũng Linh (Công ty Dũng Linh) cũng chịu chung số phận khi người dân địa phương liên tiếp ngăn chặn, đập phá kính xe, phá camera… không cho khai thác.

Công ty Dũng Linh được khai thác cát theo Giấy phép chuyển nhượng khai thác khoáng sản số 172/GP-UBND của UBND tỉnh cấp ngày 11/9/2023, với diện tích khai thác 1,21ha, mức khai thác sâu trung bình 2m, thời hạn đến ngày 11/4/2025.

Bình Định: Trúng đấu giá mỏ cát nhưng không thể khai thác, doanh nghiệp kêu cứu
Người dân tụ tập trước máy múc, không cho máy múc hoạt động.

Ông Lâm Minh Dũng – Phó Giám đốc Công ty Dũng Linh cho rằng: “Người dân lấy lý do là Côngty khai thác làm sạt lở khu vực đất canh tác của người dân. Tuy nhiên, việc sạt lở là không hề có, nó chỉ có dấu hiệu sạt lở cũ từ năm trước để lại vì năm nay không xảy ra lũ lụt. UBND xã đã xuống làm việc và đã xác định đây là dấu sạt lở cũ trước đây chứ không phải là do doanh nghiệp làm ra, nhưng người dân vẫn ngăn cản không cho doanh nghiệp hoạt động”.

Hiện tại, mỏ cát của Công ty Dũng Linh đành “đắp chiếu” và mong mỏi sự vào cuộc của các cơ quan chức năng.

Ngoài Công ty Thương Tín, Công ty Dũng Linh thì trên địa bàn huyện Hoài Ân cũng còn 1 mỏ cát phải chịu cảnh tương tự, đó là Công ty Hoàng Phát cũng đấu giá trúng mỏ cát ở xã Ân Hữu và cũng bị người dân ngăn cản.

Phép vua thua “lệ làng”?

Trên địa bàn huyện Hoài Ân hiện có 8 mỏ cát được các Công ty đấu giá thành công và đang trong quá trình khai thác. Tuy nhiên, trong 8 mỏ cát này thì đã có đến 3 mỏ cát phải chịu cảnh “trúng thầu nhưng không được khai thác” vì sự cản trở của người dân.

Không những vậy, các Công ty còn phải chịu cảnh “cát tặc” ngang nhiên đưa xe vào múc cát tại bãi cát của Công ty.

Đơn cử, ngay tại bãi khai thác cát của Công ty Thương Tín, mặc dù Công ty chưa hoạt động nhưng tại hiện trường luôn để lại những miệng hố sâu hoắm, những vết xe lằn sâu đi lại trong bãi.

Gần đây nhất, Quản lý của Công ty cũng như bảo vệ đã phát hiện và ngăn chặn được tình trạng một chiếc xe đã hút đầy cát và đang chuẩn bị di chuyển khỏi bãi. Ngay khi phát hiện sự việc, Công ty cũng tiến hành ghi hình, đồng thời báo cáo gửi đến chính quyền địa phương.

Theo các doanh nghiệp, phải chăng, có sự cạnh tranh không lành mạnh đối với các mỏ cát đã trúng đấu giá? Bởi lẽ Công ty làm, khai thác đúng pháp luật thì dân không cho, còn người dân địa phương “xúc trộm” thì lại không vấn đề gì.

Liên quan đến việc doanh nghiệp liên tiếp bị cản trở khai thác mỏ, ông Nguyễn Xuân Phong – Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân cho biết: “Huyện đã giao Phòng Tài nguyên và Môi trường đi kiểm tra thực tế có sạt lở hay không. Qua kiểm tra thì chưa phát hiện có dấu hiệu sạt lở. Còn có nguy cơ hay không thì thẩm quyền của huyện chưa đủ chức năng. Nhưng hai vị trí này thì đều được cấp phép và đều được đánh giá về tác động môi trường và không ảnh hưởng gì thì mới được cấp phép”.

Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Xuân Phong, người dân phản ánh thì mình vẫn tiếp nhận và sẽ kiểm tra, còn Công ty thực hiện đúng quy định của pháp luật thì huyện cũng sẽ bảo vệ. Trước mắt, UBND huyện chỉ đạo cho UBND các xã Nghĩa Ân, Ân Tường Tây nắm tình hình dư luận của người dân, phản ứng của người dân, đồng thời cũng nắm một số thông tin khác nữa chứ không phải chỉ việc sạt lở.

Bình Định: Trúng đấu giá mỏ cát nhưng không thể khai thác, doanh nghiệp kêu cứu
Khu vực mỏ cát của Công ty Dũng Linh cũng trong tình cảnh “đắp chiếu” vì sự cản trở của người dân.

Trên địa bàn tỉnh Bình Định hiện đang khan hiếm nguồn vật liệu xây dựng, việc các mỏ cát bị ngưng hoạt động không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp mà còn gây ra những khó khăn cho các đơn vị thi công công trình trên địa bàn.

Thiết nghĩ, các ngành chức năng nên sớm vào cuộc, tìm ra hướng đi thỏa đáng cho người dân và doanh nghiệp.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích