Bình Định: Tiêu hủy hàng loạt vàng, bạc trang sức giả mạo nhãn hiệu Chanel

Thực hiện văn bản của Cục QLTT tỉnh Bình Định về việc tăng cường kiểm soát đấu tranh phòng, chống buôn lậu mặt hàng vàng, qua công tác quản lý địa bàn và xây dựng nguồn cung cấp tin của cơ sở, từ ngày 12/6/2024 đến ngày 25/6/2024, Đội QLTT số 4, Cục QLTT tỉnh Bình Định đã tiến hành kiểm tra đột xuất 10 doanh nghiệp kinh doanh vàng, bạc trên địa bàn Thị xã An Nhơn và huyện Tây Sơn.
Kết quả kiểm tra, Đội đã phát hiện 10 doanh nghiệp đã có hành vi trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu CHANEL. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính 168.000.000 đồng và buộc tiêu hủy đối với hàng hóa giả mạo nhãn hiệu. Ngày 04/7/2024, thực hiện các Quyết định xử phạt của Cục QLTT tỉnh Bình Định, Đội QLTT số 4 đã tổ chức giám sát các doanh nghiệp vi phạm tiến hành tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm, trị giá gần 44 triệu đồng.

Hàng loạt vàng, bạc trang sức giả mạo nhãn hiệu Chanel bị cơ quan chức năng xử phạt và tiêu hủy
Liên quan tới yêu cầu chất lượng đối với vàng trang sức, mỹ nghệ, Điều 6 Thông tư 22/2013/TT-BKHCN quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành như sau:
Chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ phân hạng theo độ tinh khiết của vàng tương ứng với hàm lượng vàng được quy định: Khi thực hiện phân hạng theo Kara, vàng trang sức, mỹ nghệ được phân hạng theo hạng thấp hơn liền kề với giá trị Kara thực tế xác định theo phân hạng danh định (ví dụ vàng trang sức 21,5K xếp vào loại vàng 21K). Trường hợp phân hạng theo độ tinh khiết hoặc hàm lượng vàng thì công bố đúng giá trị thực tế (ví dụ vàng trang sức có hàm lượng vàng được xác định là 78,0% thì công bố là 78,0% hoặc 780).
Vật liệu hàn bằng hợp kim vàng nếu có sử dụng phải có độ tinh khiết tối thiểu tương đương với hạng được công bố của sản phẩm vàng trang sức. Khi sử dụng vật liệu hàn không phải là hợp kim vàng hoặc thay thế bằng keo dán, phải được công bố rõ bao gồm cả lượng vật liệu sử dụng để gắn kết nếu làm ảnh hưởng đến khối lượng sản phẩm lớn hơn sai số lớn nhất cho phép theo quy định tại Thông tư này.
Vàng trang sức, mỹ nghệ có nhiều hơn một bộ phận chính (ngoại trừ vật liệu hàn và các bộ phận phụ như: chốt, ốc vít… nếu có) là hợp kim vàng với giá trị phân hạng khác nhau theo quy định tại Bảng 3 Điều này sẽ được phân hạng theo thành phần có phân hạng thấp nhất.
Vàng trang sức, mỹ nghệ được phép sử dụng kim loại nền bằng hợp kim khác với hợp kim vàng để tăng cường độ bền cơ lý mà hợp kim vàng không đáp ứng được. Kim loại nền phải được xử lý bề mặt sao cho không gây nhầm lẫn về ngoại quan với thành phần là hợp kim vàng. Việc sử dụng kim loại nền khác với hợp kim vàng phải được nêu rõ trong công bố về thành phần của sản phẩm.
Sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ nếu có sử dụng vật liệu phủ bằng kim loại (khác với vàng) hay phi kim loại với mục đích trang trí, lớp phủ phải đủ mỏng để không ảnh hưởng đến khối lượng của vật phẩm. Nếu khối lượng lớp phủ lớn hơn sai số lớn nhất cho phép về khối lượng theo quy định tại Bảng 2 Điều 4 Thông tư này thì phải được nêu cụ thể trong công bố về thành phần và chất lượng của sản phẩm.
Sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ nếu có sử dụng vật liệu nhồi hoặc làm đầy chỗ trống phải được công bố cụ thể và công bố rõ sản phẩm không được làm toàn bộ từ hợp kim vàng.
Tất cả thành phần của vàng trang sức, mỹ nghệ (bao gồm cả kim loại nền, vật liệu phủ, vật liệu hàn, vật liệu gắn kết…) không được chứa các thành phần độc hại hoặc gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng vượt quá ngưỡng cho phép theo các quy định hiện hành có liên quan.
Hàm lượng vàng trong sản phẩm (hoặc trong thành phần có chứa vàng) của vàng trang sức, mỹ nghệ không được thấp hơn giá trị hàm lượng đã công bố. Giới hạn sai số của kết quả thử nghiệm xác định hàm lượng vàng được quy định tại khoản 3 Điều 5 Thông tư này. Vàng trang sức, mỹ nghệ chỉ được phép lưu thông trên thị trường khi đã công bố tiêu chuẩn áp dụng và ghi nhãn theo quy định tại Điều 7 Thông tư này.
An Nguyên