Bình Định: Sắc màu văn hóa các dân tộc miền Trung
(Xây dựng) – Ngày 8/9, tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, thành phố Quy Nhơn, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức Lễ khai mạc Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ IV, năm 2023 với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc miền Trung – Bình đẳng, đoàn kết, hội nhập và phát triển”.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cùng lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương tham dự Lễ khai mạc Ngày hội. |
Dự Lễ khai mạc có Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; các Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Văn Hùng – Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Hồ Quốc Dũng – Bí thư Tỉnh ủy Bình Định; cùng lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương và lãnh đạo 11 tỉnh khu vực miền Trung gồm: Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và Bình Định.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu khai mạc. |
Bình Định là nơi hội tụ và giao thoa văn hóa của nhiều dân tộc anh em, ngoài dân tộc Kinh chiếm đa số, tỉnh Bình Định hiện có 39 dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó chủ yếu là 3 dân tộc Bana Kriêm, Chăm Hroi, Hrê với lối sống và phong tục tập quán có nhiều sắc thái độc đáo, đa dạng đã làm nên nét đặc trưng riêng đậm chất nhân văn và thượng võ của văn hóa Bình Định.
Những bản sắc văn hóa riêng đó trở thành nếp sống, các chuẩn giá trị được đồng bào giữ gìn và lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Trong quá trình phát triển, các dân tộc thiểu số ở Bình Định hình thành nên những bản sắc văn hoá vừa mang đặc trưng riêng vừa mang đặc trưng chung của cộng đồng dân tộc.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng phát biểu chào mừng Ngày hội. |
Phát biểu chào mừng Ngày hội, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng chia sẻ: Những năm qua, tỉnh Bình Định luôn ưu tiên dành nguồn lực đầu tư hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số; quan tâm đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bình Định, giai đoạn 2021 – 2030, trong đó có công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch. Qua đó, tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số, khích lệ sáng tạo những giá trị văn hóa mới, phát huy vai trò của đồng bào các dân tộc thiểu số trong xây dựng và phát triển đời sống văn hóa. Đồng thời, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh và tạo nên các sản phẩm văn hóa – du lịch hấp dẫn, mang đặc trưng riêng của tỉnh, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tỉnh Bình Định, đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cùng các đại biểu tặng cờ lưu niệm và hoa cho các đoàn tham gia Ngày hội. |
Phát biểu khai mạc Ngày hội, Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết: Trong dòng chảy lịch sử của dân tộc, dải đất miền Trung được xem là nơi hội tụ, chuyển tiếp và kết tinh nhiều giá trị văn hóa; cộng đồng các dân tộc miền Trung đã góp phần tạo nên bức tranh văn hóa đa sắc màu với bề dày hơn 2.000 năm, tiêu biểu là nền văn hóa Sa Huỳnh và nền văn minh Chăm Pa. Nơi đây sở hữu giá trị tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hoá đồ sộ với 5 di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới, 6 di sản văn hoá phi vật thể được UNESCO ghi danh, 37 di tích quốc gia đặc biệt, 49 bảo vật quốc gia, 691 di tích quốc gia, 176 di sản văn hoá phi vật thể trong danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Đây cũng là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Thái, Mường, Bru-Vân Kiều, Cơ Tu, Ba Na, Gia Rai, Giẻ Triêng, Co, Xơ Đăng, Mnông, Chăm và nhiều tộc người khác, gắn liền với quá trình khai thiên lập địa, thể hiện mối quan hệ khăng khít giữa con người với thiên nhiên, ước mơ cũng như khát vọng của con người về cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Chương trình có quy mô hoành tráng với sự góp mặt của khoảng 800 ca sỹ, nghệ sỹ, diễn viên, nghệ nhân đến từ 11 tỉnh miền Trung. |
Tiếp nối thành công của 3 kỳ Ngày hội đã tổ chức, Ngày hội Văn hoá các dân tộc miền Trung lần thứ 4 diễn ra từ ngày 8-10/9 tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc miền Trung – Bình đẳng, đoàn kết, hội nhập và phát triển”, hứa hẹn tạo ra một không gian văn hóa ý nghĩa, để các cơ quan quản lý văn hoá, các nghệ sỹ, nghệ nhân, đồng bào các dân tộc thiểu số được gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ những kinh nghiệm trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Chương trình nghệ thuật có chủ đề “Miền Trung lung linh sắc màu hội tụ”. |
Lễ khai mạc diễn ra Chương trình nghệ thuật có chủ đề “Miền Trung lung linh sắc màu hội tụ” với thời lượng 60 phút, gồm 3 chương: Chương I “Bình Định – huyền thoại ngàn năm”, chương II “Sắc màu văn hóa các dân tộc miền Trung”, chương III “Miền Trung hội nhập và phát triển cùng đại gia đình các dân tộc Việt Nam”.
Với 12 cảnh diễn, Chương trình tập trung giới thiệu bản sắc văn hóa các dân tộc của 11 tỉnh miền Trung tham dự Ngày hội; quảng bá những sản phẩm du lịch, điểm đến ấn tượng của địa phương; tôn vinh những dấu ấn và công lao của thế hệ cha ông đi trước cùng những thành tựu trong lao động, sản xuất, phát triển kinh tế – xã hội, tinh thần đại đoàn kết dân tộc, chung sức xây dựng, bảo vệ Tổ quốc của cộng đồng dân tộc các tỉnh miền Trung trong thời kỳ hội nhập.
Chương trình biểu diễn có quy mô hoành tráng với sự góp mặt của khoảng 800 ca sỹ, nghệ sỹ, diễn viên, nghệ nhân chuyên nghiệp và quần chúng đến từ các đoàn nghệ thuật, các trường đại học, cao đẳng, THPT của 11 tỉnh khu vực miền Trung tham dự Ngày hội.
Nguồn: Báo xây dựng