Bình Định quy hoạch 41 cụm công nghiệp giai đoạn 2020 – 2025
Mới đây, UBND tỉnh Bình Định vừa phê duyệt Đề án Bố trí quỹ đất để hình thành, phát triển cụm công nghiệp; khu chế biến nông, lâm, thủy, hải sản tập trung cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại tỉnh Bình Định giai đoạn 2020 – 2025.
Theo đó, tỉnh Bình Định sẽ bố trí quỹ đất rộng 602,8ha đất công nghiệp phục vụ phát triển sản xuất công nghiệp. Bên cạnh đó, ưu tiên dành quỹ đất phát triển chế biến nông, lâm, thủy, hải sản; không bổ sung mới quỹ đất công nghiệp để hình thành khu chế biến nông, lâm, thủy, hải sản tập trung. Cụ thể, đối với 602,8ha đất công nghiệp, Bình Định sẽ tập trung đầu tư xây dựng 41 cụm công nghiệp trong giai đoạn 2020 – 2025. Trong đó, có 40 cụm công nghiệp được Chính phủ phê duyệt và Cụm công nghiệp Bình An được HĐND tỉnh Bình Định thông qua.
Theo quy hoạch giai đoạn 2020 – 2025, quỹ đất công nghiệp chưa sử dụng trong 41 cụm công nghiệp có 602,8ha. Trong đó, 472,6ha đất có khả năng bố trí ngành chế biến nông, lâm, thủy, hải sản, gồm 154,6ha dành riêng cho ngành chế biến nông, lâm, thủy, hải sản và 318ha bố trí cho các ngành nghề tổng hợp (kể cả chế biến nông, lâm, thủy, hải sản). Vì vậy, trong cụm công nghiệp sẽ ưu tiên bố trí 335,5ha đất phục vụ chế biến nông, lâm, thủy, hải sản (trong đó có 27,8ha đất phục vụ chế biến nông, lâm, thủy, hải sản nằm tập trung) ở 2 khu đó là: Khu chế biến thủy sản dọc Quốc lộ 19 mới với 11,5ha và khu hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá và dịch vụ hậu cần nghề cá Tam Quan với 16,3ha.
Theo tìm hiểu, đến năm 2025, định hướng đến năm 2035, việc quy hoạch phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định có 61 cụm công nghiệp với diện tích 1.885,9ha, diện tích đất công nghiệp 1.321,3ha. Trong đó, 10 cụm công nghiệp đã lấp đầy 100% diện tích đất công nghiệp (diện tích 183,4ha, diện tích đất công nghiệp 130,3ha, diện tích đất công nghiệp đã cho thuê 130,3ha) và 41 cụm công nghiệp phát triển giai đoạn 2020 – 2025 với diện tích 1.417,1ha, diện tích đất công nghiệp 981,4ha, diện tích đất công nghiệp đã cho thuê 378,6ha, diện tích đất công nghiệp còn lại chưa sử dụng 602,8ha. Cuối cùng là 10 cụm công nghiệp phát triển sau năm 2025 với diện tích 285,4ha.
Được biết, trước đó giai đoạn 2015 – 2020, tỉnh đã bố trí 386,5ha đất công nghiệp cho 195 dự án đầu tư trong và ngoài cụm công nghiệp, trong đó bố trí 289,6ha đất công nghiệp cho 144 dự án đầu tư vào các cụm công nghiệp (có 64 dự án với diện tích 153,5ha thuộc ngành chế biến nông, lâm, thủy, hải sản, bình quân 2,4 ha/dự án, riêng chế biến lâm sản 2,51ha/dự án) và bố trí 96,9ha đất công nghiệp cho 51 dự án đầu tư ngoài khu, cụm công nghiệp.
Đến hết năm 2020, Bình Định có 44 cụm công nghiệp đã được thành lập và đi vào hoạt động với diện tích đất sản xuất công nghiệp 939,9ha, đã bố trí cho 373 dự án sản xuất, chế biến hàng công nghiệp với diện tích 584,5ha, bình quân 1,6ha/dự án và đạt tỷ lệ lấp đầy 62,2%.
Trong định hướng phát triển công nghiệp, Bình Định tập trung đầu tư phát triển hạ tầng, nâng cao hiệu quả hoạt động Khu kinh tế Nhơn Hội và các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Bên cạnh đó, tăng nhanh tỷ trọng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học, công nghệ cao, công nghiệp xanh…
Chính vì chủ trương ưu tiên phát triển công nghiệp xanh này, khi đưa ra những chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn đối với các tập đoàn, doanh nghiệp đã có những nhà đầu tư không đáp ứng được những yêu cầu của địa phương về môi trường. Bên cạnh đó, dựa theo chủ trương này, Bình Định đã loại bỏ một số dự án đầu tư lớn do nguy cơ ô nhiễm môi trường, nhất là trong các ngành nghề liên quan trực tiếp đến nguồn tài nguyên khoáng sản, tài nguyên rừng, biển… không đánh đổi môi trường bằng những lợi ích kinh tế ngắn hạn.
Tỉnh ủy Bình Định cũng đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”. Cụ thể, cho dừng nhiều dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường như dự án Tổ hợp lọc, hóa dầu tại Khu kinh tế Nhơn Hội với quy mô rất lớn. Tập trung đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, nhất là công trình hạ tầng bảo vệ môi trường và nâng cao hiệu quả hoạt động các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn để tạo điều kiện về mặt bằng sạch, thuận lợi trong thu hút đầu tư./.