Bình Định: Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia
(Xây dựng) – Chiều 20/7 tại thành phố Quy Nhơn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang – Trưởng Ban Chỉ đạo trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia chủ trì Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến về tình hình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia với 19 tỉnh, thành phố vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải miền Trung và vùng Tây Nguyên.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị |
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương thông tin: Trong giai đoạn 2021 – 2025, trung ương giao tổng vốn đầu tư phát triển 39.019,273 tỷ đồng cho các địa phương thuộc vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải miền Trung và vùng Tây Nguyên để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, chiếm 39,2% nguồn lực đầu tư phát triển của ngân sách trung ương để thực hiện 3 chương trình trên tại các địa phương cả nước, gồm mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; mục tiêu giảm nghèo bền vững và mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Đến nay, các địa phương hoàn thành việc phân bổ, giao kế hoạch vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021- 2025. Riêng trong năm 2023, ngân sách trung ương phân bổ kinh phí thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia cho vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải miền Trung và Vùng Tây Nguyên hơn 17.820,892 tỷ đồng. Đến nay, các địa phương trong vùng phân bố gần 7.935,533 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển, đạt 83,68%.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu tại Hội nghị |
Tính đến cuối tháng 6/2023, vốn giải ngân 3 chương trình của các địa phương trong vùng là 2.055,391 tỷ đồng, đạt 21,67% so với kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao.
Theo báo cáo của các địa phương, hiện có 17/19 địa phương trong vùng thực hiện giải ngân vốn ngân sách địa phương để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó, Đà Nẵng thực hiện giải ngân 93,55% ngân sách địa phương; Nghệ An, Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa, Lâm Đồng thuộc nhóm đứng đầu về tỷ lệ giải ngân trên 30%. Tuy nhiên, một số địa phương trong vùng giải ngân vốn ngân sách địa phương còn rất thấp hoặc chưa có báo cáo về tiến độ giải ngân nguồn vốn.
Các địa phương trong vùng quyết liệt trong việc triển khai các nội dung, hoạt động thuộc từng dự án, tiểu dự án thành phần của chương trình, cơ bản hoàn thành một số mục tiêu trong giai đoạn. Nhờ vậy, tỷ lệ giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số của các vùng bình quân đạt 3,81%/năm.
Quang cảnh Hội nghị |
Qua triển khai, một số địa phương có nhiều cách làm hay như: Ninh Thuận có mô hình trang trại trồng nho gắn với phát triển du lịch nông thôn, quảng bá sản phẩm; Hội Nông dân tỉnh Nghệ An chủ động kết nối doanh nghiệp tín chấp để giúp hội viên vay phân bón, thức ăn chăn nuôi; doanh nghiệp cà phê ở Kon Tum tổ chức liên kết bốn nhà gồm nhà quản lý, doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông để hình thành chuỗi sản xuất nông nghiệp bền vững.
Quá trình triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, việc bố trí vốn đối ứng để thực hiện các chương trình theo tỷ lệ quy định khó đảm bảo; việc huy động đóng góp về tiền hiện vật và ngày công lao động của nhân dân để thực hiện chương trình trên địa bàn các huyện, các xã còn khó khăn; nguồn vốn sự nghiệp được giao theo từng năm và phân theo hạng mục chi tiết làm cho địa phương khó khăn trong việc xác định mục tiêu của giai đoạn và chuyển đổi vốn giữa các nội dung trong chương trình để thích ứng với điều kiện thực tế.
Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến có 19 tỉnh, thành phố vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải miền Trung và vùng Tây Nguyên tham dự |
Ngoài ra, việc bố trí cán bộ phụ trách thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia ở cơ sở còn bất cập và chủ yếu kiêm nhiệm nhiều việc. Do vậy, chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu, theo dõi, tổng hợp báo cáo của các địa phương còn hạn chế, gây khó khăn cho công tác tham mưu chỉ đạo, điều hành thực hiện các chương trình. Đồng thời, chưa có chính sách, chế độ đãi ngộ để khích lệ, động viên cán bộ nên vấn đề tham mưu thực hiện các chương trình chưa cao, thiếu chiều sâu. Bên cạnh đó, năng lực quản lý, tổ chức triển khai thực hiện các chương trình ở các địa phương chưa đồng đều.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang lo lắng nhiều về 3 chương trình mục tiêu quốc gia, bởi đâu đó một số địa phương giải ngân vốn chỉ có 8% và có nhiều mắc vướng, đặc biệt là các quy định.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề nghị và nói rõ, triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia vẫn có nhiều tiêu chí lằng nhằng, trong khi đó kinh phí phân bổ ít và khó về vốn chuyển tiếp. Chúng ta phải cố gắng thực hiện và Quốc hội giám sát tối cao 3 chương trình mục tiêu quốc gia này. Vì so với năm 2022, chúng ta có nhiều tháo gỡ, nhưng có cảm giác có địa phương làm khá, làm tốt, hoặc có địa phương chưa làm được nhiều.
Để thực hiện hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu các bộ, ngành và các địa phương phải có trách nhiệm, tích cực và quyết liệt hơn nữa trong triển khai. Đồng thời nêu rõ, khi làm có vướng mắc nên hỏi các bộ, ngành, hoặc học tập từ các địa phương làm tốt về các chương trình mục tiêu quốc gia. Phó Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành kết nối với các địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Ngoài ra giao Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc các văn bản quy định trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Nguồn: Báo xây dựng