Bình Định: Phát triển nhà ở cho công nhân

(TN&MT) – UBND tỉnh Bình Định vừa có văn bản ban hành một số giải pháp thúc đẩy phát triển nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, đối với các khu công nghiệp cơ bản được đầu tư hoàn thiện hạ tầng thiết yếu (KCN: Phú Tài, Long Mỹ, Nhơn Hòa), Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh phối hợp với các ngành rà soát, điều chỉnh quy hoạch (nếu có) để bổ sung quỹ đất phù hợp phát triển nhà ở xã hội (nhà ở cho công nhân).

Đối với các khu công nghiệp đã và đang lập quy hoạch chi tiết, đang triển khai công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, kêu gọi chủ đầu tư xây dựng hạ tầng (KCN: Hòa Hội, Cát Trinh, Bình Nghi, Bồng Sơn, Long Mỹ 2), giao Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh phối hợp với các ngành rà soát, điều chỉnh quy hoạch xây dựng khu công nghiệp để dành phần diện tích đất phát triển nhà ở xã hội (nhà ở cho công nhân), thiết chế của công đoàn cho công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp.

Nhà ở xã hội Ecohome ở phường Nhơn Bình, thành phố Quy Nhơn

Đối với các dự án tại các khu đất ngoài trung tâm thành phố Quy Nhơn, nghiên cứu xây dựng nhà ở xã hội chung cư thấp tầng, nhà ở xã hội liền kề với giá trị không quá 400 triệu đồng/căn hoặc có đơn giá cho thuê không quá 50.000 đồng/m2/tháng, đảm bảo các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu (nhà trẻ, sinh hoạt cộng đồng, thể dục, thể thao).

Đồng thời, UBND tỉnh Bình Định giao Sở Tài chính phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan đề xuất sử dụng nguồn tiền thu được từ quỹ đất 20% trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô sử dụng đất nhỏ hơn 2 ha do các chủ đầu tư nộp và hỗ trợ từ ngân sách địa phương để đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho công nhân tại các khu công nghiệp.

Nhà ở cho công nhân tại các KCN là nhu cầu tất yếu

Bình Định ngoài 1 Khu kinh tế, 4 Khu công nghiệp, cả tỉnh hiện có 61 cụm công nghiệp với 217 doanh nghiệp đang hoạt động, hơn 21.000 lao động đang làm việc. Ngoài ra, có gần 900 doanh nghiệp hoạt động ngoài khu, cụm công nghiệp với hơn 26.000 lao động đang làm việc.

Theo Bộ Xây dựng, dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, nhất là các địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp, dẫn đến việc sản xuất kinh doanh ở các khu công nghiệp gặp khó khăn, làm đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, thiếu hụt lực lượng lao động.

Một trong những nguyên nhân chủ yếu của thực trạng này là các địa phương chưa quan tâm đến việc đầu tư xây dựng nhà công nhân (nhà lưu trú) nên không đảm bảo được việc thực hiện 3 tại chỗ (ăn, ngủ, làm việc) tại khu công nghiệp.

Bạn cũng có thể thích