Bình Định: Phát triển làng nghề gắn với phát triển du lịch

(Xây dựng) – Bình Định phát triển làng nghề không những tạo điều kiện cho các hộ gia đình tiếp tục duy trì, phát triển nghề, làng nghề, nâng cao chất lượng sản vật địa phương, mà còn góp phần quan trọng giữ gìn bảo tồn nét văn hóa địa phương, phục vụ du lịch và chương trình xây dựng nông thôn mới.

Bình Định: Phát triển làng nghề gắn với phát triển du lịch
Bình Định hiện có 42 làng nghề, làng nghề truyền thống đang hoạt động.

Tỉnh Bình Định hiện có 42 làng nghề, làng nghề truyền thống đang hoạt động, với khoảng 5.247 hộ tham gia sản xuất, giải quyết việc làm cho hơn 10.000 lao động địa phương. Trong đó, có 16 làng nghề đã có sản phẩm đăng ký nhãn hiệu hàng hóa; 8 làng nghề có sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 – 4 sao; 17 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận theo các tiêu chí được quy định tại Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn.

Các cơ sở làng nghề trên địa bàn tỉnh Bình Định chủ yếu là loại hình kinh tế hộ gia đình, kinh tế cá thể. Năm 2022, doanh thu của các làng nghề đạt khoảng 618 tỷ đồng, thu nhập bình quân của người lao động trong các làng nghề bình quân 3,5 triệu đồng/tháng.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh cho biết: Phát triển làng nghề đã tạo điều kiện các hộ gia đình ở nông thôn tiếp tục duy trì, phát triển nghề, làng nghề; tận dụng tốt lao động nhàn rỗi phát triển kinh tế, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; bảo tồn sản phẩm nghề, thực hiện chủ trương “ly nông bất ly hương”, góp phần quan trọng giữ gìn bảo tồn nét văn hóa địa phương, phục vụ du lịch và chương trình xây dựng nông thôn mới.

Tại huyện Vĩnh Thạnh có gần 20 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 32,5% dân số toàn huyện. Trong điều kiện hội nhập và toàn cầu hóa diễn ra ngày càng sâu rộng đã tác động mạnh mẽ đến đời sống văn hóa, kinh tế, xã hội; trong đó có việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các làng nghề ở huyện Vĩnh Thạnh là điều cần thiết và được địa phương này bắt tay làm ngay.

Ông Huỳnh Đức Bảo – Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Vĩnh Thạnh chia sẻ: Trước yêu cầu hội nhập ngày càng sâu rộng của nền kinh tế đất nước, thời gian qua các cấp chức năng huyện Vĩnh Thạnh cùng chung tay quan tâm, xây dựng cũng như những nỗ lực cố gắng của mỗi làng nghề, hoạt động sản xuất kinh doanh của các làng nghề đã dần đi vào ổn định và có bước phát triển mới. Các làng nghề đã từng bước phát triển, góp phần xóa đói giảm nghèo, gắn kết cộng đồng các cư dân trong làng xã; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Ngoài việc bảo tồn, chúng tôi sẽ mở nhiều hơn các lớp tập huấn nghiệp vụ về làm du lịch cộng đồng cho người dân. Đây sẽ là bước đi bền vững, vừa gắn kết bảo tồn những nét văn hóa, phong tục tập quán đặc sắc, vừa phát triển các làng nghề truyền thống trong xu thế hội nhập hiện nay.

Bình Định: Phát triển làng nghề gắn với phát triển du lịch
Làng nghề dệt thổ cẩm xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh của người Bana được UBND tỉnh Bình Định quan tâm hỗ trợ để thực hiện bảo tồn và phát triển.

Bên cạnh những mặt đạt được thì sự phát triển của các làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Bình Định cũng còn gặp nhiều khó khăn như: Hình thức tổ chức sản xuất quy mô nhỏ, chưa đa dạng sản phẩm, thiếu sự liên kết; thị trường chủ yếu tiêu thụ trong tỉnh và một số tỉnh lân cận; thiết bị công nghệ sản xuất lạc hậu, lãng phí nguyên liệu, năng suất lao động thấp; thiếu mặt bằng sản xuất, cơ sở hạ tầng làng nghề chưa đồng bộ; chậm đổi mới; nhiều làng nghề có nguy cơ mai một, thất truyền.

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Bình Định ban hành Kế hoạch Bảo tồn và phát triển làng nghề đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Mục đích kế hoạch là nâng cao nhận thức của các cấp, ngành từ tỉnh đến cấp xã và của nhân dân trên địa bàn tỉnh về tầm quan trọng của phát triển làng nghề đối với kinh tế nông thôn. Đồng thời, bảo tồn nhằm tiếp tục giữ gìn, duy trì và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa đặc trưng của làng nghề; phát triển thương hiệu gắn với phát triển du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, trong giai đoạn 2023 – 2025, tỉnh Bình Định chọn làng nghề, làng nghề truyền thống bảo tồn và phát triển. Trong đó, các làng nghề tập trung hỗ trợ phát triển, gồm: Làng nghề rượu Bàu Đá; Làng nghề bánh tráng, bún số 8 Tăng Long 1; Làng nghề trồng hoa Bình Lâm; Làng nghề nón ngựa Phú Gia. Riêng làng nghề dệt thổ cẩm xã Vĩnh Hiệp sẽ thực hiện bảo tồn và phát triển.

Bình Định: Phát triển làng nghề gắn với phát triển du lịch
Làng nghề rượu Bàu Đá nổi tiếng hàng trăm năm tại Bình Định.

Trong giai đoạn 2026 – 2030, Bình Định chọn làng nghề, làng nghề truyền thống bảo tồn và phát triển định hướng theo các tiêu chí. Cụ thể, các làng nghề được lựa chọn để tập trung phát triển là những làng nghề đã được công nhận làng nghề theo các tiêu chí được quy định tại Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn; hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động, có tiềm năng phát triển trong thời gian tới; có sản phẩm đặc trưng, bản sắc văn hóa riêng tạo nên thương hiệu của địa phương; có tiềm năng phát triển gắn với du lịch để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của địa phương; có đề án phát triển làng nghề của địa phương hoặc của các ngành được phê duyệt.

Các làng nghề được lựa chọn để bảo tồn và phát triển là những làng nghề được hình thành lâu đời tại địa phương; sản phẩm của làng nghề mang đậm bản sắc văn hóa của địa phương; làng nghề hiện còn hoạt động nhưng có nguy cơ bị mai một, thất truyền. UBND tỉnh Bình Định yêu cầu mỗi địa phương chỉ tập trung lựa chọn từ 1 – 2 làng nghề có tiềm năng phát triển hoặc bảo tồn gắn với kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội hằng năm và giai đoạn.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích