Bình Định: Phát triển đô thị Tây Sơn đến năm 2035
(TN&MT) – UBND tỉnh Bình Định vừa bàn hành Quyết định số 5127, ngày 22/12/2021 phê duyệt Chương trình phát triển đô thị Tây Sơn, tỉnh Bình Định đến năm 2035, phấn đấu xây dựng huyện Tây Sơn đạt tiêu chí đô thị loại IV trước năm 2025 và trở thành thị xã trước năm 2030.
Mục tiêu của Chương trình nhằm cụ thể hóa định hướng phát triển không gian đô thị theo quy hoạch chung xây dựng đô thị Tây Sơn đến năm 2035. Từng bước hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng đô thị phù hợp với giai đoạn phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Công viên cây xanh trước Bảo tàng Quang Trung |
Làm cơ sở cho việc đầu tư phát triển đô thị, xác định khu vực ưu tiên đầu tư phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch cho từng giai đoạn 5 năm; triển khai các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện cho từng giai đoạn, đề xuất cơ chế chính sách, thu hút nguồn vốn và huy động các nguồn lực đầu tư theo mục tiêu xây dựng đô thị trong quy hoạch đã được phê duyệt. Phấn đấu xây dựng huyện Tây Sơn đạt tiêu chí đô thị loại IV trước năm 2025 và trở thành thị xã trước năm 2030.
Cầu Kiên Mỹ bắc qua sông Kôn đi vào trung tâm thị trấn Phú Phong |
Đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa đạt 57,6%, hệ thống đô thị phải đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và có cấp quản lý hành chính đô thị đáp ứng yêu cầu quản lý phát triển, bao gồm: 7 đơn vị hành chính đạt tiêu chuẩn phường (thị trấn Phú Phong, xã Bình Tường, xã Tây Phú, xã Tây Xuân, xã Bình Nghi, xã Bình Thành, xã Bình Hòa).
Tây Sơn phát triển đô thị xanh bên bờ sông Kôn |
Đến năm 2035, tỷ lệ đô thị hóa đạt 73,3%, hệ thống đô thị phải đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và có cấp quản lý hành chính đô thị đáp ứng yêu cầu quản lý phát triển, bao gồm: 9 đơn vị hành chính đạt tiêu chuẩn phường (Thị trấn Phú Phong, xã Bình Tường, xã Tây Bình, xã Tây Xuân, xã Bình Nghi, xã Bình Thành, xã Bình Hòa, xã Tây Giang, xã Tây Phú).
Những khu đô thị nằm bên bờ sông Kôn |
Có 9 khu vực phát triển đô thị giai đoạn đến năm 2035 gồm: Khu vực phát triển số 1 là khu vực trung tâm của đô thị phát triển trên cơ sở thị trấn Phú Phong hiện nay, mở rộng về khu vực Phú Văn, Phú Xuân và phía Nam đường Hùng Vương, diện tích khoảng 2.950 ha.
Khu vực phát triển số 2 là khu vực đô thị gắn liền với khu vực công nghiệp phía Nam Quốc lộ 19 tại xã Bình Nghi và Tây Xuân, diện tích khoảng 2.800-2.900 ha. Khu vực phát triển số 3 là khu vực Mỹ Yên mở rộng thuộc xã Tây Bình, phát triển theo hướng xây dựng trung tâm xã Tây Bình hiện nay thành trung tâm phường dự kiến với đầy đủ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, diện tích khoảng 1.300 – 1.350 ha.
Thị trấn Phú Phong xây dựng đô thị xanh, sạch, đẹp |
Khu vực phát triển số 4 là khu vực phát triển đô thị hóa có trọng điểm gồm các xã Bình Hòa, Bình Thành và khu vực phía Bắc của thị trấn Phú Phong, diện tích khoảng 3.100 – 3.150 ha. Khu vực phát triển số 5 là khu vực trung tâm xã Bình Tường kết hợp với khu vực phía Tây (Hòa Lạc) của thị trấn Phú Phong, diện tích khoảng 1.800 – 1.850 ha.
Khu vực phát triển số 6 là cực phát triển phía Tây của đô thị và là cửa ngõ của huyện Vĩnh Thạnh (trục ĐT.637) và tỉnh Bình Định (trục QL.19), diện tích khoảng 6.300 – 6.350 ha. Khu vực phát triển số 7, phát triển khu dân cư các xã Bình Tân, Bình Thuận, Tây Vinh, Tây An, diện tích khoảng 6.450 – 6.500 ha.
Khu vực phát triển số 8 và 9 là khu vực rừng cảnh quan phía Nam, khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn, diện tích khoảng 32.950 – 33.000 ha. Khu vực này khai thác du lịch cảnh quan sinh thái như Hầm Hô, Thác Đổ, Hồ Thuận Ninh lồng ghép, kết hợp với du lịch di tích, làng nghề.
Cùng đó, khu vực phát triển đô thị ưu tiên đầu tư giai đoạn đến năm 2025 sẽ tập trung đầu tư khu vực nội thị bao gồm 7 đơn vị hành chính (thị trấn Phú Phong, xã Bình Tường, xã Tây Phú, xã Tây Xuân, xã Bình Nghi, xã Bình Thành, xã Bình Hòa).