Bình Định: Người dân “khốn khổ” vì dự án

(Xây dựng) – Bụi bặm, nhếch nhác, hàng quán ế ẩm, hàng trăm ngôi nhà bị nứt nẻ do lu lèn, nền đường quá cao so với nhà dân… Đó là thực trạng mà người dân ở thôn Tả Giang 1, Tả Giang 2, xã Tây Giang, huyện Tây Sơn đang phải gánh chịu khi dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên đoạn qua địa bàn huyện Tây Sơn.

Bình Định: Người dân “khốn khổ” vì dự án
Dự kiến đến ngày 30/6/2024 sẽ hoàn thành, thế nhưng đến nay nhiều hạng mục vẫn còn dang dở.

Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên qua tỉnh Bình Định dài 17km, trong đó qua địa bàn xã Tây Giang, huyện Tây Sơn khoảng 7km. Theo kế hoạch, đến ngày 30/6/2024, gói thầu XL-01 (thi công xây dựng đoạn KM50+00 – KM67+00 gồm cầu Bàu Sen và Ba La) thuộc dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên qua tỉnh Bình Định phải hoàn thành đưa vào khai thác, tuy nhiên đến nay, huyện Tây Sơn chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng đối với 46 hộ dân bị ảnh hưởng của dự án (đoạn từ cầu Bàu Sen đến cầu Ba La). Nhiều hạng mục vẫn còn dang dở, khiến cuộc sống của người dân đảo lộn và có nguy cơ bị chậm tiến độ.

Đã gần 2 năm nay, kể từ khi dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên đi qua, hàng trăm hộ dân dọc theo tuyến Quốc lộ 19 đoạn qua xã Tây Giang, huyện Tây Sơn luôn phải sống trong cảnh “cửa đóng then cài” vì bụi bặm và nỗi lo thấp thỏm vì nhà cửa vừa xây đã nứt do ảnh hưởng từ việc lu lèn trong quá trình thi công đường.

Bình Định: Người dân “khốn khổ” vì dự án
Người dân phải thả bạt, chăng dây để “tránh bụi”.

Bà Nguyễn Thị Phương Lan, thôn Tả Giang 2 cho biết: “Nhà tôi bị ảnh hưởng hết cả nhà, răn nứt nhiều, gia đình cũng đã tô trét xi măng lại nhưng vẫn không ăn thua. Trước cửa nhà lúc nào cũng phải thả bạt xuống vì bụi. Hàng xóm cũng chẳng còn giao tiếp với nhau vì đường bị cày xới khó đi lại”.

Đường bị cày xới nham nhở, mưa xuống thì nhếch nhác, lầy lội, nắng lên thì bụi bay mịt mù. Không những vậy, việc nâng nền đường quá cao cũng khiến người dân gặp rất nhiều khó khăn trong việc đi lại.

Bình Định: Người dân “khốn khổ” vì dự án
Bà Nguyễn Thị Phương Lan, thôn Tả Giang 2 bức xúc khi nhà bà bị nứt nẻ nghiêm trọng.

Chị Đặng Thị Ngọc Thúy, thôn Tả Giang 1 bức xúc nói: “Mỗi lần lu lèn là cánh cửa, bàn ghế rung cộc cộc, rền ghê lắm. Trong nhà tôi nứt hết, hở hết. Trên mái nhà bị nứt lớn nên mưa xuống là nước chảy, dột tùm lum”.

“Nhà tôi buôn bán mà từ khi dự án làm ế ẩm không buôn bán được gì. Khách kêu nhà không có đường đi nên không dám xuống mua. Trước đây, người ta đi xe đến tận nhà để lấy hàng nên thuận tiện, nay đường đổ lên cao, người ta không có lối xuống nhà nên không ghé mua luôn”, chị Thúy rầu rĩ nói.

Theo chị Thúy, trước đây nhà chị cao hơn mặt đường gần 2m, cao nhất nhì xóm, nhưng giờ làm đường, nhà chị lại bị lọt thỏm xuống hố, thấp hơn mặt đường 2m.

Bình Định: Người dân “khốn khổ” vì dự án
“Mặc dù ảnh hưởng nhiều đến nhà dân, song đến nay chủ đầu tư vẫn chưa có phương án bồi thường”, chị Đặng Thị Ngọc Thúy, thôn Tả Giang 1 cho hay.

Nhà cửa bụi bặm, hàng quán ế ẩm, lớp bụi này chưa lau dọn xong, lớp bụi khác đã bám đầy trên kệ hàng khiến chị không buồn dọn dẹp. Buôn bán nhưng gia đình chị luôn phải đóng cửa, thả bạt để bảo quản hàng hóa cũng như tài sản trong nhà.

Đến nay, đã có gần 500 hộ dân gửi đơn kiến nghị đến chủ đầu tư (Ban Quản lý Dự án 2 – Bộ Giao thông vận tải) và UBND huyện Tây Sơn do nhà cửa bị ảnh hưởng, thiệt hại với các dấu hiệu như sân, tường nhà bị nứt nẻ, xuống cấp nghiêm trọng vì bên thi công đường khởi công đổ đá, đất, đầm lu, nâng cấp đường quá cao. Thế nhưng, đến nay người dân vẫn chưa nhận được khoản hỗ trợ nào.

“Cách đây 1 tháng, bên Ban Quản lý Dự án 2 cũng đã đến kiểm tra các hộ gia đình, cũng hứa đền bù tiền rạn nứt, nhưng đến nay vẫn chưa thấy đâu”, bà Nguyễn Thị Phương Lan, thôn Tả Giang 2 chia sẻ.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Ngô Luân – Chủ tịch UBND xã Tây Giang cho biết: “Trước đây người ta cũng về khảo sát và nói để nâng cấp, mở rộng đường nhưng không nghĩ là nâng đường cao như vậy. Bây giờ khó nhất là việc đền bù, giải phóng mặt bằng đoạn cầu Ba La và Bàu Sen. Bà con cho rằng số tiền đền bù thấp, đề nghị phải nâng lên. Hơn nữa, khoảng 10 hộ dân ở gần cầu Ba La đề nghị không làm đường gom mà hỗ trợ tiền để nâng nền vì nhà bị lọt thỏm dưới chân cầu”.

Bình Định: Người dân “khốn khổ” vì dự án
Nhiều nhà dân chỉ còn nhìn thấy nóc nhà do đường nâng cao.

Theo ông Ngô Luân: “Địa phương mong muốn đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành sớm công trình. Đồng thời, xem xét hỗ trợ cho người dân chứ cuộc sống người dân bây giờ rất khó khăn. Hàng ngày, họ phải sống chung với bụi, hơn nữa, do đường thiết kế quá cao nên việc đi lại cũng như buôn bán của người dân rất bất tiện”.

Đỉnh điểm của bức xúc trước việc đơn vị thi công nâng cao mặt đường, cho xe lu lèn mặt đường Quốc lộ 19 khiến nhà cửa bị rung lắc, gây nứt nhà cửa, vào ngày 6/4 vừa qua, người dân đã chặn xe, không cho nhà thầu tiếp tục thi công. Được biết, đến tháng 6/2024 nếu dự án không hoàn thành Ngân hàng thế giới (WB) sẽ rút vốn, thế nhưng đến nay nhiều hạng mục vẫn còn dang dở và có nguy cơ chậm tiến độ.

Trao đổi vói phóng viên Báo điện tử Xây dựng qua điện thoại, lãnh đạo Ban Quản lý Dự án 2 cho biết: “Với tình hình công tác giải phóng mặt bằng như hiện nay, nếu trong tháng 4 này không bàn giao được toàn bộ mặt bằng thì sẽ không hoàn thành được tiến độ đề ra”.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo huyện Tây Sơn, nguyên nhân chậm giải phóng mặt bằng là do công tác phối hợp của chủ đầu tư chưa chặt chẽ. Qua nắm bắt tình hình thực tế và phản ánh, kiến nghị của người dân, UBND huyện đã tổng hợp và nhiều lần đề nghị chủ đầu tư phối hợp thực hiện, nhưng đến nay Ban Quản lý dự án 2 chưa trả lời ý kiến của UBND huyện về việc thỏa thuận hỗ trợ chênh lệch giá đất đường gom. Do đó, UBND huyện không thể phê duyệt phương án hỗ trợ bồi thường cho người dân ở khu vực cầu Ba La.

Bên cạnh đó, việc thi công lu nền đường gây nứt nhà dân nhưng công tác xác định tài sản vật kiến trúc của các hộ dân bị ảnh hưởng trước và sau khi thi công còn rất chậm, người dân đề nghị khẩn trương đánh giá và gửi kết quả đánh giá mức độ ảnh hưởng về từng hộ nhưng đến nay chủ đầu tư và đơn vị thi công vẫn chưa gửi nên nhân dân không thống nhất cho thi công nhất là đoạn dưới cầu Ba La.

Bình Định: Người dân “khốn khổ” vì dự án
Nếu không giải phóng được mặt bằng trong tháng 4, khả năng dự án sẽ không hoàn thành tiến độ đề ra.

Theo lãnh đạo huyện Tây Sơn, việc triển khai thi công không đồng bộ, chưa có kế hoạch chi tiết cụ thể, có tính chất đối phó khi có Đoàn công tác của Bộ về kiểm tra; nhưng sau khi Đoàn kiểm tra xong thì việc thi công lại chậm trễ và kéo dài. Cụ thể, việc đào mương thoát nước nhưng đơn vị thi công để 5 tháng sau mới triển khai đổ bê tông mương. Việc này gây rất nhiều khó khăn cho việc đi lại cũng như kinh doanh của các hộ dân, dẫn đến việc người dân bức xúc không cho tiếp tục thi công. UBND huyện phải tổ chức vận động, tuyên truyền rất nhiều lần người dân mới đồng ý cho đơn vị thi công tiếp tục thực hiện.

Hơn nữa, hiện còn 03 trụ điện tại vị trí phía dưới cầu Ba La chưa thể di dời được do vị trí di dời mới nằm trong phạm vi nhà của người dân, do chủ đầu tư chưa trả lời văn bản về thống nhất phương án giải phóng mặt bằng nên không có cơ sở trình phê duyệt và chi trả tiền cho người dân.

Trước thực trạng này, lãnh đạo huyện Tây Sơn cũng kiến nghị, đề xuất đến Bộ Giao thông vận tải, Ban Quản lý dự án 2 nhằm tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh thực hiện dự án.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích