Bình Định: Liên kết sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch
Chiều 23/12, tại thành phố Quy Nhơn, Sở Du lịch phối hợp Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức Hội nghị “Quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch Bình Định”.
Đầu năm 2022, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, ngành Du lịch Bình Định đã phục hồi, phát triển mạnh mẽ và được xếp vào nhóm tăng trưởng mạnh của ngành du lịch Việt Nam, trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong và ngoài nước. Năm 2022, ngành Du lịch Bình Định ước đón trên 4.120.000 lượt khách du lịch và tham quan, tăng 185,2% so với năm 2021; doanh thu du lịch đạt 13.119 tỷ đồng, tăng 658,3% so với năm 2021.
Thực hiện Chương trình hành động số 06, ngày 14/5/2021 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội XX Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về phát triển du lịch tỉnh Bình Định trở thành ngành kinh tế mũi nhọn giai đoạn 2020 – 2025, trong đó có nhiệm vụ đẩy mạnh thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) kết hợp với hoạt động du lịch nhằm tạo sản phẩm mới, đặc trưng của Bình Định.
Hiện tỉnh Bình Định có 114 tổ chức kinh tế với 133 sản phẩm đã được đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp tỉnh và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên; trong đó, có 6 sản phẩm đạt hạng tiềm năng 5 sao, 15 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 113 sản phẩm đạt hạng 3 sao.
Việc quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch là hướng đi cần thiết và quan trọng trong thời gian tới, vừa góp phần đa dạng hóa các loại hình du lịch, vừa phát triển kinh tế, quảng bá sản phẩm địa phương và mang lại nhiều trải nghiệm hấp dẫn cho du khách.
Hội nghị lần này có ý nghĩa nhằm giới thiệu, quảng bá, lan tỏa sản phẩm OCOP Bình Định đến với người tiêu dùng và du khách trong và ngoài nước, tạo cơ hội gắn kết du lịch giữa các địa phương; hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hộ sản xuất nông nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, qua đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân; cũng là dịp để các doanh nghiệp nắm bắt, tìm hiểu thị hiếu của người tiêu dùng để từ đó có chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.