Bình Định: Huyện Phù Mỹ vượt khó về đích nông thôn mới

(Xây dựng) – Qua 13 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Phù Mỹ (Bình Định) nỗ lực không ngừng, khắc phục khó khăn, quyết tâm tập trung chỉ đạo thực hiện đạt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trong năm 2023.

Bình Định: Huyện Phù Mỹ vượt khó về đích nông thôn mới
Huyện Phù Mỹ vượt khó về đích nông thôn mới năm 2023.

Nông thôn mới thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển

Xuất phát điểm là một huyện ven biển của tỉnh Bình Định còn nhiều khó khăn khi bước vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Sau nhiều năm nỗ lực phấn đấu trên hành trình xây dựng nông thôn mới, Phù Mỹ hôm nay đã thật sự thay đổi, tạo đà cho kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển, diện mạo đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc, đầy sức sống mới.

Huyện Phù Mỹ có 34km chiều dài đường bờ biển, diện tích tự nhiên khoảng 55.608,1ha (556,08km2); quy mô dân số là 163.191 người; toàn huyện có 19 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 2 thị trấn và 17 xã. Hệ thống giao thông kết nối trên địa bàn huyện với các địa phương trong và ngoài tỉnh rất thuận lợi, thông qua Quốc lộ 1 đoạn qua huyện dài khoảng 34km và tuyến đường tránh Quốc lộ 1 dài 8km. Đây là điều kiện thuận lợi trong giao thương phát triển kinh tế – xã hội và đóng vai trò quan trọng bảo vệ an ninh và quốc phòng, đặc biệt về hướng biển.

Huyện Phù Mỹ có điều kiện thuận lợi để khai thác các thế mạnh về tiềm năng lao động, đất đai, các nguồn tài nguyên và các sản phẩm đặc thù được sản xuất trên địa bàn để phát triển kinh tế – xã hội, mở rộng thị trường sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư, giao lưu thông thương trong tỉnh và cả nước; đồng thời hòa nhịp với xu thế phát triển chung của tỉnh. Phù Mỹ sẽ trở thành một trong những huyện phát triển ở vùng ven biển Bình Định.

Bình Định: Huyện Phù Mỹ vượt khó về đích nông thôn mới
Nông thôn mới góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển.

Qua 13 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Phù Mỹ nỗ lực không ngừng, khắc phục khó khăn, quyết tâm tập trung chỉ đạo thực hiện đạt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội tiếp tục phát triển; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ.

Chia sẻ về những thành quả bước đầu trong xây dựng nông thôn mới, Bí thư Huyện ủy Phù Mỹ Nguyễn Văn Dũng cho biết: Công tác quy hoạch được quan tâm tổ chức thực hiện kịp thời đúng theo quy định. Cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội, sản xuất được quan tâm đầu tư như: Giao thông nông thôn, thủy lợi, điện, trường học, y tế, nhà văn hóa, công trình cấp nước tập trung; đặc biệt là cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp ngày càng được củng cố, nâng cấp đáp ứng ngày càng tốt hơn cho yêu cầu sản xuất, tạo đà cho kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển; diện mạo đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc; thương mại, dịch vụ có bước chuyển biến tích cực.

Bình Định: Huyện Phù Mỹ vượt khó về đích nông thôn mới
Diện mạo đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc.

Bí thư Huyện ủy Phù Mỹ Nguyễn Văn Dũng chia sẻ: Huyện đã chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp đạt được nhiều thành tựu, thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, hình thành nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả được nhân rộng, có nhiều mô hình thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm cho thu nhập cao. Công tác tổ chức sản xuất được quan tâm phát triển, có nhiều hợp tác xã, nhất là hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp được thành lập và đi vào hoạt động có hiệu quả, ổn định, đã và đang có những đóng góp quan trọng về mặt kinh tế – xã hội, góp phần giải quyết việc làm, cải thiện thu nhập, hỗ trợ các hộ gia đình nghèo, cận nghèo vươn lên khá, giàu.

Huyện Phù Mỹ triển khai thực hiện tốt các phong trào, mô hình trong công tác bảo vệ môi trường đã góp phần nâng cao nhận thức, thu hút được sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân chung tay xây dựng nông thôn mới, tạo điều kiện cho người dân nông thôn thắt chặt tình làng nghĩa xóm, xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn sáng – xanh – sạch – đẹp, góp phần tạo diện mạo nông thôn ngày càng được đổi mới, khang trang. Xây dựng nông thôn mới trở thành phong trào rộng khắp trong nhân dân, nhiều người dân tự nguyện tham gia và đóng góp tích cực các nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới.

Tập trung – quyết liệt – sâu sát là yếu tố quyết định đến sự thành công

Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Xây dựng về những bí quyết tạo nên sự thành công trong hành trình xây dựng nông thôn mới, Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ Lê Văn Lịch bày tỏ: Tập trung – quyết liệt – sâu sát là ba yếu tố quyết định đến sự thành công trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong điều kiện của một huyện nông nghiệp, khó khăn như huyện Phù Mỹ. Trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị cần phải được phát huy đúng mức, nhất là vai trò tiền phong, gương mẩu của cán bộ, đảng viên trong phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới.

Bình Định: Huyện Phù Mỹ vượt khó về đích nông thôn mới
Phù Mỹ đón năm 2024 với thành công về đích nông thôn mới năm 2023.

Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ Lê Văn Lịch cho biết: Phải làm tốt công tác truyền thông, tuyên truyền, vận động, phát huy vai trò chủ động, tích cực của nông dân trong xây dựng nông thôn mới, phải làm nổi bật vai trò chủ đạo của nông dân với tâm thế vừa là chủ thể, vừa là người thụ hưởng, có vị trí trung tâm trong phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Việc huy động và sử dụng các nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới phải đảm bảo tính dân chủ, công khai, minh bạch, có sự tham gia, giám sát của người dân.

Bình Định: Huyện Phù Mỹ vượt khó về đích nông thôn mới
Xây dựng hạ tầng kinh tế – xã hội nông thôn đồng bộ và hiện đại.

Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ Lê Văn Lịch chia sẻ: Đến nay, huyện Phù Mỹ cơ bản đạt 9/9 tiêu chí huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023. Trong thời gian tới, huyện Phù Mỹ tiếp tục thực hiện nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, xây dựng hạ tầng kinh tế – xã hội nông thôn đồng bộ và hiện đại, gắn với quá trình đô thị hóa; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng nông thôn mới thông minh; tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững; đảm bảo môi trường, cảnh quan nông thôn sáng – xanh – sạch – đẹp, an toàn; đời sống nông thôn giàu bản sắc văn hóa truyền thống; đưa nông thôn trở thành nơi đáng sống.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích