Bình Định: Giá trị di sản tháp Hưng Thạnh

(Xây dựng) – Kiến trúc tháp Hưng Thạnh (còn gọi là tháp Đôi) là một trường hợp độc đáo của kiến trúc Champa, bởi đây là ngôi tháp duy nhất tại Bình Định được tìm thấy bia ký còn nguyên vẹn, cung cấp thông tin đầy đủ về vị vua cho xây dựng cụm tháp, niên đại và vị thần chủ được thờ.

Bình Định: Giá trị di sản tháp Hưng Thạnh
Tháp Hưng Thạnh (còn gọi tháp Đôi) đang là điểm đến tham quan, hút du khách.

Nghệ thuật kiến trúc độc đáo

Tháp Hưng Thạnh tại phường Đống Đa, thành phố Quy Nhơn, có vị trí cách bờ nam sông Hà Thanh khoảng 500m, trước khi con sông đổ ra đầm Thị Nại. Cách ngôi tháp khoảng 500m về phía Nam là núi Bà Hỏa, cao 300m so với mặt nước biển, đây là ngọn núi có vị trí nằm tại trung tâm thành phố Quy Nhơn. Từ tháp Hưng Thạnh đi về phía Đông Nam khoảng 4km là đến bờ biển, chính vì vậy so với những tháp Champa còn tồn tại trên vùng đất Bình Định thì tháp Hưng Thạnh có vị trí gần với biển nhất.

Theo hình ảnh của người Pháp chụp vào những thập niên đầu thế kỷ XX, cho thấy tháp Hưng Thạnh được xây trên một gò đất thấp, xung quanh địa hình bằng phẳng. Tuy nhiên, trải qua thời gian cùng với quá trình đô thị hóa, làm cho địa hình được nâng cao dần, khu vực xung quanh tháp Hưng Thạnh hiện nay là khu dân cư và trường học, phía Nam là đường Trần Hưng Đạo – một trong những trục đường chính của thành phố Quy Nhơn.

Kiến trúc tháp Hưng Thạnh là một trường hợp độc đáo của kiến trúc Champa. Các tháp Champa về cơ bản sẽ có hai loại hình: Một là kiểu có một ngôi tháp chính (kalan) và có các công trình phụ xung quanh như tại Mỹ Sơn, Bình Lâm, Bánh Ít, Cánh Tiên, Po Nagar, Po Klong Garai; hai là kiểu ba tháp chính như Hòa Lai, Khương Mỹ, Chiên Đàn, Dương Long. Tuy nhiên, đến nay tháp Hưng Thạnh chỉ có hai ngôi tháp, vì trong quá trình trùng tu tháp Hưng Thạnh không có một đợt khai quật khảo cổ để xác định được sự tồn tại của ngôi tháp thứ ba.

Trong công trình “Inventaire descriptif des monuments Càm de l’Annam” của Henri Parmentier ghi nhận các tháp này thuộc làng Hưng Thạnh, tổng Tuy An, phủ Tri Phước. Tên An Nam gọi là tháp Đôi, đây là tên mới, vì ngôi tháp thứ ba bị sụp đổ không phải là lâu lắm. Nhóm này quay mặt ra hướng Đông, nằm trên đất bằng dưới chân quả đồi, cạnh đường từ Bình Định đi Qui Nhơn (Quy Nhơn), cách thành phố Qui Nhơn độ 3km. Đây là vết tích của một di tích quan trọng gồm ba kalan, một tòa kiến trúc nam và có thể cả gian nhà lớn với những bộ phận phụ, tất cả đều khoanh trong một khu tường mà ở các góc của mặt đông vây lấy hai bể nước.

Phát hiện tư liệu quý về trụ minh văn

Trụ minh văn được phát hiện tại tháp Hưng Thạnh vào năm 1999, Tiến sĩ Đinh Bá Hòa – Nguyên Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Bình Định (nay Bảo tàng Bình Định) chia sẻ: Trong quá trình xây dựng trường THCS Đống Đa, nhân công phát hiện một số hiện vật điêu khắc Chàm, trong đó phải kể đến chóp đỉnh tháp và một trụ của tháp có minh văn. Bia ký có kích thước cao 160cm; rộng 34cm; dày 46cm và bia ký có hình dáng khối hộp chữ nhật, phần trên trụ bia ký trang trí những dải băng ngang kiểu đăng đối với những dải hoa sen cách điệu. Bề mặt của bia ký được khắc ba mặt, trong đó một mặt bên có những vết đụt khoét. Phần dưới bia ký được trang trí một dải những con rắn naga uốn lượn, xoắn vào nhau. Thấy có giá trị nên Bảo tàng Bình Định mang về để bảo quản, đồng thời gửi Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (EFEO) tại Paris (Pháp) dịch thuật để biết niên đại xây dựng tháp vào thế kỷ XII đầu thế kỷ XII dưới thời vua Indravarman V.

Bình Định: Giá trị di sản tháp Hưng Thạnh
Trụ văn bia tháp Hưng Thạnh được bảo quản tại Bảo tàng Bình Định.

Tiến sĩ Đinh Bá Hòa chia sẻ thêm: Khi xác định niên đại cho các kiến trúc này ở Bình Định nói chung và các nơi khác gặp rất nhiều khó khăn, vì người Chăm không để lại một dòng bia ký nào nói đến năm xây dựng các tháp. Cho nên, việc xác định niên đại lâu nay chủ yếu các nhà nghiên cứu chỉ dựa vào các hoa văn trang trí để so sánh và xác định niên đại cho các tháp. Ở các tháp Dương Long, tháp Đôi Bình Định cũng một dạng như vậy. Bởi thế, trụ minh văn tháp Đôi là tư liệu lịch sử về vương triều Vijaya và khẳng định chắc chắn về năm xây dựng tháp này. Trong nghiên cứu của Stern và Shigeeda, tháp Dương Long và Hưng Thạnh đều được xếp vào niên đại cuối thế kỷ XII – đầu thế kỷ XIII. So sánh giữa tháp Hưng Thạnh và tháp Dương Long, tuy hai ngôi tháp đều mang những ảnh hưởng rõ nét của kiến trúc Khmer thời kỳ Angkor hoặc Bayon, nhưng có thể thấy nét Khmer được thể hiện trên tháp Dương Long rõ nét hơn.

Các nhà khoa học đặt ký hiệu trụ minh văn tháp Hưng Thạnh là C.213. Đối chiếu kích thước trụ văn bia với kích thước của khung cửa tại tháp Nam và tháp Trung tâm, cho thấy trụ văn bia có kích thước nhỏ hơn. Bởi vậy, trụ văn bia Hưng Thạnh là trụ cửa của ngôi tháp Bắc đã bị sụp đổ. Theo suy đoán, ngôi tháp Bắc có hình dáng giống như hai ngôi tháp còn lại, nhưng có kích thước nhỏ nhất.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích