Bình Định điều chỉnh dự án đường vanh đai gần 80 tỷ đồng vào Công viên khoa học
Theo đó, sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thiện dự án đường vành đai Khu trung tâm phần mềm và Công viên khoa học thuộc Khu đô thị khoa học và giáo dục Quy Hòa. Dự án này góp phần hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật khung theo quy hoạch của Khu đô thị khoa học và giáo dục Quy Hòa, TP. Quy Nhơn và hoàn chỉnh tuyến đường kết nối từ Quốc lộ 1D đến Bệnh viện phong – Da liễu Trung ương Quy Hòa.
Quy mô đầu tư điều chỉnh, bổ sung cơ bản tiếp tục thực hiện theo Quyết định số 1284/QĐ-UBND ngày 17/4/2018 về việc phê duyệt chủ trương đầu tư và Quyết định số 1968/QĐ-UBND ngày 8/6/2018 về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng. Trong đó, bổ sung 2 đoạn tuyến đường với tổng chiều dài khoảng 465m, điều chỉnh, bổ sung các công trình thoát nước phục vụ thoát nước địa hình khu vực. Tổng mức đầu tư dự án sau khi điều chỉnh bổ sung gần 80 tỷ đồng.
Trước đó, HĐND tỉnh Bình Định cũng thông qua Nghị quyết số 21/NQ-HĐND về chủ trương đầu tư dự án hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị khoa học và giáo dục Quy Hòa với số tiền hơn 228 tỷ đồng. HĐND tỉnh Bình Định đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị khoa học và giáo dục Quy Hòa do Ban Quản lý dự án Dân dụng và Công nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư. Việc thực hiện dự án nhằm tạo điều kiện thuận lợi để mời gọi, thu hút đầu tư; từng bước đưa các dự án đã triển khai tại Khu đô thị khoa học và giáo dục Quy Hòa đi vào hoạt động và phát huy hiệu quả, góp phần tăng nhanh tiềm lực khoa học và công nghệ của khu, nhất là các lĩnh vực liên quan đến công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data). Quy mô đầu tư của dự án sẽ bao gồm nhiều hạng mục về hệ thống giao thông; hệ thống thoát nước mưa; hệ thống cấp nước sinh hoạt, phòng cháy chữa cháy; cấp điện và chiếu sáng. Thời gian thực hiện từ năm 2022 – 2024.
Hơn 10 năm trước, Bình Định thực hiện một bước đi được xem là đột phá tại thời điểm này. Đó là mời gọi đầu tư về khoa học, giáo dục với tham vọng biến TP. Quy Nhơn trở thành trung tâm khoa học của cả nước. Từ sự đầu tư ban đầu của vợ chồng giáo sư Trần Thanh Vân, Chủ tịch hội Gặp gỡ Việt Nam (Pháp), Trung tâm khoa học và giáo dục quốc tế liên ngành dần hình thành tại thung lũng Quy Hoà (thuộc phường Ghềnh Ráng, TP. Quy Nhơn). Dự án ICISE được UBND tỉnh Bình Định cho thuê đất với diện tích 211.155,2m2. Trong đó, 43.543,7m2 quy hoạch xây dựng khách sạn, nhà khách, khu lưu trú, nhà và 146.611,5m2 đất đã xây dựng các hạng mục sử dụng vào mục đích khoa học, giáo dục. Cuối năm 2011, Hội Gặp gỡ Việt Nam đã khởi công xây dựng Trung tâm khoa học và giáo dục quốc tế liên ngành (ICISE). Đến năm 2013, công trình đã được đưa vào sử dụng.
Tháng 7/2015, UBND tỉnh Bình Định và Hội Gặp gỡ Việt Nam tiếp tục khởi công Tổ hợp không gian khoa học (bao gồm 3 hạng mục: Nhà mô hình vũ trụ, Bảo tàng Khoa học và Đài quan sát thiên văn) ở gần ICISE. Đến tháng 8/2018, Hội Gặp gỡ Việt Nam tiếp tục tổ chức Lễ động thổ khách sạn “Vì Khoa học” trong khuôn viên dự án ICISE. Đáng chú ý, đến cuối tháng 4/2022, Bình Định đã tổ chức lễ khánh thành dự án Tổ hợp không gian khoa học, Nhà mô hình vũ trụ và Bảo tàng khoa học (gọi chung là Trung tâm Khám phá khoa học) tại Khu đô thị khoa học và giáo dục Quy Hòa. Đây được xem là trung tâm về khoa học vũ trụ đầu tiên của Việt Nam và trung tâm thứ 2 của Đông Nam Á, sau Singapore.
Ngoài ra, tại thung lũng Quy Hoà còn có sự hiện diện của Công viên Sáng tạo TMA, là khu vực đô thị khoa học đầu tiên của Việt Nam tại Bình Định. Công viên sáng tạo được kỳ vọng trở thành một trung tâm phát triển công nghệ 4.0 tại Việt Nam, sử dụng nguồn nhân lực của khu vực miền Trung và Bình Định với tổng mức đầu tư dự kiến 8 triệu USD trên diện tích hơn 15ha.
Ông Lâm Hải Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nhận định: “GS Trần Thanh Vân đã đưa Bình Định trở thành nơi gặp gỡ của các nhà khoa học hàng đầu thế giới và Việt Nam với những hội nghị, hội thảo khoa học có sứ mệnh nắm bắt những ý tưởng tiên phong. Để rồi từ đó, các công trình nổi bật, truyền đi cảm hứng và thông điệp cho thế hệ nhà khoa học trẻ Việt Nam và các nhà quản lý một cánh cửa kết nối với thế giới, khuyến khích sự phát triển. Đây là chìa khóa quyết định của sự phát triển, là điều kiện, là cơ hội để đi tắt đón đầu và phát triển bền vững của hiện tại và tương lai”.