Bình Định: Bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật bài chòi dân gian
Tối 30/8, tại thành phố Quy Nhơn, UBND tỉnh Bình Định tổ chức khai mạc Liên hoan câu lạc bộ nghệ thuật bài chòi dân gian Bình Định mở rộng năm 2022.
Song hành với thời gian, nghệ thuật bài chòi không ngừng được chọn lọc, kế thừa, nâng cao tạo nên bản sắc văn hóa không thể trộn lẫn của người dân miền Trung. Bản sắc ấy là nền tảng tinh thần, là động lực trực tiếp, là sức mạnh nội sinh giúp người dân nơi đây sinh cơ, lập nghiệp, chiến thắng thiên tai, dịch họa.
Bản sắc ấy làm tươi mát tâm hồn bao thế hệ và bồi đắp cho mối liên kết cộng đồng ngày thêm bền chặt. Vì vậy, di sản nghệ thuật bài chòi không chỉ tồn tại và thăng hoa trong phạm vi khu vực Trung bộ mà còn lan tỏa ra trong và ngoài nước. Có được thành quả ấy, trước hết là do công sức, trí tuệ, tâm huyết của các bậc tiền nhân, của bao thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ, các tầng lớp nhân dân đã lao động, sáng tạo, giữ gìn, trao tuyền qua năm tháng.
Liên hoan câu lạc bộ nghệ thuật bài chòi dân gian Bình Định mở rộng năm 2022 lần này diễn ra trong thời gian 3 ngày, từ ngày 30/8 đến ngày 1/9/2022, với những nội dung chủ yếu: Tọa đàm “Bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật bài chòi dân gian”; Thi trình diễn nghệ thuật bài chòi dân gian; Triển lãm ảnh về thực hành và truyền dạy nghệ thuật bài chòi dân gian; Tham quan, giao lưu tại Hội đánh bài chòi dân gian thành phố Quy Nhơn.
Liên hoan năm nay sẽ góp phần thể hiện niềm vinh hạnh của vùng đất miền Trung sơn kỳ thủy tú đang nắm giữ vốn di sản văn hóa phi vật thể quý báu của nhân loại, khơi nguồn cảm hứng trong lao động sáng tạo nghệ thuật của đội ngũ những người làm nghề, sự tán thưởng của công chúng đối với nghệ thuật bài chòi.
Trong khuôn khổ các hoạt động Liên hoan câu lạc bộ nghệ thuật bài chòi dân gian tỉnh Bình Định mở rộng năm 2022, chiều 30/8, UBND tỉnh Bình Định tổ chức Tọa đàm “Bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật bài chòi dân gian” với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia, nhà quản lý, cùng các nghệ nhân bài chòi trong và ngoài tỉnh.
Ngày 10/7/2019, UBND tỉnh Bình Định tiếp tục ban hành Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam – Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2019 – 2023” nhằm thực hiện Chương trình hành động quốc gia “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam, giai đoạn 2018 – 2023” do Bộ VH-TT&DL ban hành.
Thực hiện Đề án nêu trên, đến nay tỉnh Bình Định có 35 nhóm, câu lạc bộ bài chòi được thành lập; duy trì hoạt động 28 hội bài chòi dân gian, với hơn 200 nghệ nhân bài chòi. Trong số này, có 90 nghệ nhân thực hành hô hát bài chòi, 50 nghệ nhân có khả năng vừa thực hành, vừa truyền dạy bài chòi dân gian.
Tọa đàm là dịp để các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, nghệ nhân, diễn viên gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo vệ, phát huy các giá trị của nghệ thuật bài chòi Trung bộ được UNESCO ghi danh; xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Tại buổi tọa đàm, các nhà nghiên cứu, cơ quan quản lý, nghệ nhân đã cùng trao đổi, thảo luận nhằm tìm ra các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật bài chòi dân gian trong thời gian tới; trong đó, nhấn mạnh về việc thực hành, truyền dạy, kiểm kê, tư liệu hóa di sản bài chòi; tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của xã hội, nhất là giới trẻ đối với di sản bài chòi; hỗ trợ cộng đồng phục hồi, lưu truyền các bài bản cổ của nghệ thuật bài chòi dân gian; chính sách đối với các nghệ nhân, nhóm, câu lạc bộ bài chòi hoạt động; quảng bá về giá trị di sản bài chòi dân gian gắn với công tác bảo tồn di sản và phát triển du lịch.