BIM là nhân tố then chốt của cuộc Cách mạng 4.0 ngành Xây dựng

(Xây dựng) – Ngày 21/6, Sở Xây dựng tỉnh Cà Mau kết hợp với Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) và Công ty Autodesk tổ chức Hội thảo “Phổ biến lộ trình áp dụng Mô hình thông tin công trình (BIM) trên địa bàn tỉnh Cà Mau theo Quyết định 258/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ”.

BIM là nhân tố then chốt của cuộc Cách mạng 4.0 ngành Xây dựng
Ông Nguyễn Phi Đoàn, Trưởng phòng Quản lý Xây dựng, Sở Xây dựng tỉnh Cà Mau phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đại diện Sở Xây dựng tỉnh Cà Mau cho biết: Trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0, việc ứng dụng công nghệ số vào quản lý, điều hành các ngành nghề, trong đó có ngành Xây dựng, là hết sức cần thiết và đang trở thành xu hướng tất yếu. Việc tiếp cận và áp dụng BIM (Mô hình thông tin xây dựng) và GIS (Hệ thống thông tin địa lý) trong quản lý quy hoạch và phát triển đô thị thông minh không chỉ giúp nâng cao hiệu quả công việc mà còn đảm bảo sự phát triển bền vững cho các dự án.

Nhiều chuyên gia quốc tế nhận định, mô hình thông tin công trình (BIM) là nhân tố then chốt của cuộc Cách mạng 4.0 đối với ngành Xây dựng. Đây sẽ là công cụ chính để cụ thể hóa nhiệm vụ số hóa của ngành Xây dựng, để triển khai quản lý xây dựng thông minh và là nhân tố chủ chốt để quản lý hạ tầng kỹ thuật thông minh cũng như quản lý và phát triển đô thị thông minh.

Việc kết hợp BIM vào nền tảng GIS sẽ giúp cho cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức có thể quản lý quy hoạch, quản lý các thông tin công trình, địa lý hiệu quả hơn; thông qua đó, sẽ tận dụng được các dữ liệu này để phân tích, tối ưu và ra các quyết định về quản lý quy hoạch, vận hành, đầu tư đô thị hiệu quả hơn.

BIM là nhân tố then chốt của cuộc Cách mạng 4.0 ngành Xây dựng
TS. Tạ Ngọc Bình, Trưởng phòng Nghiên cứu Kinh tế đầu tư và Xây dựng số, Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) thuyết trình tại Hội thảo.

Cũng tại Hội thảo, đại diện Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) cũng cho biết: BIM đã được áp dụng mạnh mẽ trong khối kinh tế tư nhân tại Việt Nam từ hơn 10 năm trước. Một số đơn vị tư vấn và chủ đầu tư đã bước đầu làm chủ được việc áp dụng BIM trong thiết kế và thi công xây dựng. Tuy nhiên, việc áp dụng BIM trong các dự án đầu tư xây dựng của khu vực kinh tế Nhà nước vẫn diễn ra khá chậm chạp và gặp nhiều rào cản trong đó có nguyên nhân do thiếu cơ sở pháp lý để triển khai áp dụng BIM.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã giao Viện Kinh tế xây dựng nhiệm vụ xây dựng Lộ trình áp dụng BIM tại Việt Nam. Ngày 17/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Lộ trình áp dụng BIM tại Quyết định số 258/QĐ-TTg. Đây là một dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển BIM tại Việt Nam, quy định bắt buộc áp dụng BIM đối với các cấp công trình cụ thể theo giai đoạn như sau: Giai đoạn 1: Từ năm 2023, áp dụng BIM bắt buộc đối với các công trình cấp I và cấp đặc biệt. Giai đoạn 2: Từ năm 2025, áp dụng BIM bắt buộc đối với các công trình cấp II trở lên.

BIM là nhân tố then chốt của cuộc Cách mạng 4.0 ngành Xây dựng
Toàn cảnh Hội thảo.

Tại Hội thảo, các chuyên gia đã giới thiệu tổng quan Mô hình thông tin công trình (BIM); Các cơ chế, chính sách áp dụng BIM tại Việt Nam; Việc tích hợp BIM và GIS phục vụ quản lý quy hoạch và xây dựng thành phố thông minh; Ứng dụng môi trường dữ liệu (CDE) trong quản lý thông tin tại dự án BIM…

Các chuyên gia cũng nhận định, việc áp dụng kỹ thuật tích hợp BIM và GIS theo lộ trình được quy định trong Quyết định 258/QĐ-TTG sẽ giúp tỉnh Cà Mau cải thiện quy trình quản lý quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị hiệu quả hơn. Sự kết hợp này giúp cung cấp thông tin rõ ràng, nhận biết được tình hình thực tế và dự báo các tác động, từ đó đưa ra các quyết định quản lý và phát triển thành phố một cách bền vững và thông minh.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích