Biệt thự ‘triệu đô’ đua nhau cắt lỗ, chuyên gia cảnh báo về làn sóng xả hàng

Từ Bắc tới Nam, tràn ngập thông tin biệt thự triệu đô được bán cắt lỗ với mức giá giảm tới hàng tỷ đồng nhưng vẫn không có người mua, trước thực trạng này, không ít chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo về làn sóng xả hàng của thị trường.

Tràn ngập thông tin biệt thự ‘triệu đô’ bán cắt lỗ

Nhiều tháng qua, phân khúc bất động sản triệu đô như liền kề, shophouse tại các khu đô thị cao cấp hoặc các biệt thự nghỉ dưỡng tại các thị trường phát triển mạnh về du lịch bắt đầu có dấu hiệu mất thanh khoản. Một số dự án không phát sinh giao dịch trong nhiều tháng liền.

Do đó, các nhà đầu tư chịu áp lực tài chính quá lớn liên tục chào bán cắt lỗ với mức giá giảm từ 15 – 20%.

Điển hình mới đây, một dự án biệt thự liền kề rộng 96m2, cao 4 tầng 1 tum thuộc dòng cao cấp ở Hưng Yên vừa rao bán với mức cắt lỗ 2 tỷ đồng. Được biết, giá gốc của các căn biệt thự trước đó là gần 14,5 tỷ đồng. Nếu thanh toán trước 30% thì ngân hàng hỗ trợ vay 70% không lãi suất đến tháng 6/2023.

Biệt thự ‘triệu đô’ đua nhau cắt lỗ, chuyên gia cảnh báo về làn sóng xả hàng
La liệt biệt thự triệu đô bán cắt lỗ nhưng hầu như không có thanh khoản.

Trong khi đó, nhiều biệt thự liền kề 3 mặt thoáng của một dự án ở thị trấn Trạm Trôi (huyện Hoài Đức, Hà Nội) nhiều tháng qua cũng rao bán cắt lỗ với giá giảm sâu nhưng không ai ngó ngàng.

Đáng chú ý, một dự án biệt thự nghỉ dưỡng 5 sao với thiết kế gồm 2 tầng, 3 phòng ngủ ở Bãi Dài, Nha Trang có giá gốc là 21,8 tỷ đồng thì nay cũng đang được giảm xuống còn 16,8 tỷ đồng, bao gồm cả chi phí chuyển nhượng.

Tương tự, năm 2021, một số biệt thự ở Gia Lâm, thuộc một dự án khu đô thị nằm trên địa bàn xã Đa Tốn từng được chào bán 42-43 tỷ đồng/căn nhưng ở thời điểm hiện tại, có chủ nhà cần tiền gấp đang rao bán mức giá 36 tỷ đồng/căn.

Theo các chuyên gia bất động sản, thực tế, xu hướng giảm giá, cắt lỗ bất động sản triệu đô đã xuất hiện từ Quý III/2022, đến nay chuyển thành làn sóng thật sự khi mức độ khó khăn của thị trường ngày càng tăng.

Thống kê của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho thấy tỉ lệ hấp thụ bất động sản trong quý III chỉ đạt 33,5%, giảm mạnh so với đầu năm 2022 và giảm tới 50% so cùng kỳ năm ngoái.

Còn theo ghi nhận của DAKA, loại hình nhà phố, biệt thự liên tục xuất hiện giao dịch bán cắt lỗ, tuy nhiên gần như không có giao dịch nào thành công.

Cẩn trọng với làn sóng xả hàng ‘ngộp’

Batdongsan.com chỉ ra, 2020 và 2021 là hai năm tăng trưởng mạnh của thị trường bất động sản nên rất nhiều nhà đầu tư đổ tiền vào đầu tư. Nhiều người trong số họ sử dụng đòn bẩy tài chính vay ngân hàng bởi hai năm này do tác động của dịch bệnh nên lãi vay xuống rất thấp.

Tuy nhiên, các chương trình ưu đãi lãi suất với người vay mua bất động sản thường chỉ diễn ra trong một năm, đến năm 2022, phần lớn các chương trình đều kết thúc. Lãi suất thả nổi tăng theo động thái điều chỉnh tăng lãi suất của các ngân hàng đã tác động tiêu cực đến những người đầu tư bất động sản. Chính bởi vậy mà khi lãi suất vay liên tục tăng, những nhà đầu tư vốn mỏng không thể tiếp tục “gồng”, buộc phải giảm giá sâu sản phẩm sau những lần giảm nhẹ mà chưa thanh khoản được.

Biệt thự ‘triệu đô’ đua nhau cắt lỗ, chuyên gia cảnh báo về làn sóng xả hàng
Khi lãi suất vay liên tục tăng, những nhà đầu tư vốn mỏng không thể tiếp tục “gồng”, buộc phải giảm giá sâu, bán cắt lỗ biệt thự.

Chuyên gia Trần Khánh Quang cho rằng, thị trường hiện nay chỉ nhà đầu tư chuyên nghiệp mới biết được bất động sản nào tốt có thể đầu tư. Còn những nhà đầu tư mới tham gia thị trường, chưa có nhiều kinh nghiệm thì nên theo dõi thêm, qua Tết tức là khoảng tháng 2, tháng 3 năm 2023 mới quyết định được. Có thể, qua Tết thị trường bất động sản sẽ bình ổn lại, đến quý III, quý IV năm sau, thị trường sẽ tăng trưởng ổn định.

Còn ông Trần Minh Hoàng, Phó tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) nhận định, năm 2023 sẽ tiếp tục khó khăn do lãi suất chưa giảm. Tuy nhiên, bất động sản có giá trị ở thực và cho thuê, đặc biệt những sản phẩm đã hình thành, sẽ không có sự giảm giá. Bởi lẽ, nguồn cung đang rất khan hiếm trong khi nhu cầu vẫn ở mức cao.

Biệt thự ‘triệu đô’ đua nhau cắt lỗ, chuyên gia cảnh báo về làn sóng xả hàng
Khi đi săn hàng cắt lỗ, người mua cần tỉnh táo xem xét sản phẩm có nên mua vào hay không, tránh ham rẻ mà mua sản phẩm không phù hợp.

“Các thống kê không chỉ của VARS mà của các đơn vị khác cũng đang chỉ ra dù thanh khoản thấp nhưng giá chỉ chững lại hoặc tăng chút ít chứ không giảm. Do đó, việc có nên chờ bắt đáy hay không phụ thuộc vào tình hình tài chính của nhà đầu tư. Nếu đang có lượng tiền mặt tốt, không phải vay mượn hoặc vay không nhiều, thì đây là cơ hội để so sánh và chọn lựa sản phẩm tốt”, ông Hoàng nêu ý kiến.

Không ít chuyên cũng cảnh báo, thị trường thứ cấp đang xuất hiện làn sóng xả hàng “ngộp”. Nhiều tài sản chưa chuẩn pháp lý cần bán gấp hay đuối vốn cần thoát hàng sẽ có giá mềm hơn giá thị trường. Tuy nhiên, không ít trong số đó là những quảng cáo mang tính “làm màu” để tạo tương tác. Một số rao bán chỉ xem như cắt lời, chưa thực sự bán lỗ hay chạm giá gốc.

Do đó, khi đi săn hàng cắt lỗ, người mua cần tỉnh táo xem xét sản phẩm có nên mua vào hay không, tránh ham rẻ mà mua sản phẩm không phù hợp. Nên chọn mua các sản phẩm có tính thanh khoản cao và có khả năng khai thác ngay như nhà riêng, nhà phố và căn hộ hoàn thiện. Những bất động sản đầu cơ, tính thương mại thấp sẽ có thanh khoản kém nên cần thận trọng…

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích