Biến vỏ hộp sữa thành sản phẩm hữu ích

Biến vỏ hộp sữa thành sản phẩm hữu ích

Là một kiến trúc sư đam mê với những sản phẩm xanh, anh Thái Khắc Tiến (44 tuổi) xây dựng cho mình một doanh nghiệp “Dấu chân xanh” tái chế, “lột xác” vỏ hộp sữa thành những sản phẩm có tính ứng dụng cao và truyền thông điệp chung tay bảo vệ môi trường.

“Biến” vỏ hộp sữa thành sản phẩm xanh

Kiến trúc sư Thái Khắc Tiến luôn đau đáu, làm sao góp chút sức lực của mình xây dựng một hệ sinh thái xanh, giúp con người sống trong môi trường xanh, sạch. Rồi tình yêu, tâm huyết đã đưa anh đến với công việc tái chế vỏ hộp sữa giấy thành những sản phẩm hữu ích.

Anh Tiến chia sẻ, vì đam mê tái chế rác, nên anh được người bạn thân tặng một sản phẩm tái chế từ hộp sữa giấy sau chuyến công tác nước ngoài. Rồi anh bước vào nghiên cứu tái chế vỏ hộp sữa ở Việt Nam quá nhiều và mất 6 năm anh mới thành công.

Biến vỏ hộp sữa thành sản phẩm hữu ích ảnh 1
Các sản phẩm được tái chế từ vỏ hộp sữa giấy

Anh Tiến cho biết, trên cả nước, mỗi năm có khoảng 15 tỷ vỏ hộp sữa giấy đã qua sử dụng, tương đương 150 nghìn tấn rác thải ra môi trường. Riêng địa bàn Hà Nội, trung bình mỗi ngày có trên 1 triệu trẻ em uống sữa, phát sinh ra ít nhất 1 triệu vỏ và tương đương với 10 tấn rác thải. Nếu không được phân tách riêng để tái chế, xử lý phù hợp, vỏ hộp sữa sẽ trở thành “rác chết” đi vào các bãi chôn lấp hoặc thải bỏ ra môi trường. Việc tái chế, giúp giảm lượng rác thải, tránh lãng phí nguồn tài nguyên.

Biến vỏ hộp sữa thành sản phẩm hữu ích ảnh 2
Anh Thái Khắc Tiến trồng cây vào các chậu cây được tái chế từ vỏ hộp sữa giấy

“Trong vỏ hộp sữa chứa 20-25% polymer dạng màng. Sau khi thải ra môi trường một thời gian, màng polymer sẽ phân hủy trở thành những màng nhỏ phát tán vào môi trường nước và điểm cuối cùng cơ thể con người, nó sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe con người”, anh Tiến cho hay.

Khi được hỏi về khó khăn, anh Tiến cho biết, khó khăn nhất là nguồn vốn có hạn, nguyên vật liệu phải tự đi thu gom mất nhiều thời gian, công sức. Vỏ hộp sữa là loại rác thải rất khó tái chế vì nó là tổng hợp từ nhiều loại vật liệu, muốn tái chế phải qua nhiều công đoạn, ứng dụng nhiều loại máy móc.

“Sau một thời gian nghiên cứu, đầu tư máy móc tái chế vỏ hộp sữa, nhưng quá trình thử nghiệm tôi thấy không ổn. Vì trong thành phần vỏ hộp sữa giấy chiếm khoảng 75%, polymer khoảng 21%, thành phần còn lại là nhôm, với đặc điểm thời tiết nóng ẩm, chỉ sau một năm giấy nở ra, khiến sản phẩm bị cong vênh, không đảm bảo được tính bền vững. Cuối cùng tôi nghiên cứu cần phải tách giấy, polymer, nhôm và mỗi chất liệu sẽ sản xuất một sản phẩm riêng”, anh Tiến kể.

Cứ mỗi lần thất bại, anh lại phải nghiên cứu, cải tiến làm lại, trong 2 năm đầu cứ mười lần thử thì chín lần thất bại, còn một lần nữa cho ra sản phẩm không hài lòng. Anh Tiến nói, người có tiền họ thực hiện ước mơ thì rất dễ, mình không có tiền nên phải bỏ công sức, trí tuệ, thời gian nghiên cứu; tự chế máy móc, thiết bị sản xuất rất gian nan. Nhưng với sự kiên trì của mình, cuối cùng anh hoàn thiện hệ thống máy móc, nhà xưởng, sản xuất ra được các sản phẩm ứng dụng vào cuộc sống như: Vật liệu nhôm dùng sản xuất các loại sản phẩm trang trí nội thất; polymer sản xuất sản phẩm chậu cây, dĩa lót, một số loại túi quà, túi xách; nguyên liệu giấy sản xuất sổ tay hoặc kết hợp với các loại vi sinh sản xuất đất hữu cơ trồng cây xanh”, anh Tiến cho biết.

Vì môi trường xanh

Để doanh nghiệp “Dấu chân xanh” đạt được những thành công bước đầu, anh Tiến mất 4 năm. Thời gian đầu, việc thu gom vỏ hộp sữa giấy rất khó khăn, vì loại rác thải này nếu không được làm sạch, trong vòng 24 giờ sẽ phân hủy, tạo ra mùi hôi khó chịu, nên rất ít người thu gom. “Mới bắt đầu thu gom, tôi đánh ô tô rong ruổi khắp nơi vừa thu gom vỏ hộp sữa và truyền thông điệp bảo vệ môi trường. Thậm chí, tôi lên mạng đăng bài xin rác. “Mưa dầm, thấm lâu” nay đã có nhiều người khắp mọi miền Tổ quốc thu gom vỏ hộp sữa giấy gửi về để tôi tái chế”, anh Tiến bộc bạch.

Anh Tiến cho biết, “Dấu chân xanh” là doanh nghiệp hoạt động xã hội, không đặt lợi nhuận lên hàng đầu, mà chủ yếu là bảo vệ môi trường; doanh nghiệp dành phần lớn lợi nhuận phục vụ các hoạt động cộng đồng tái chế rác thải; tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. “Không chỉ sản xuất các loại sản phẩm chậu cây, mà hiện nay chúng tôi cho ra những sản phẩm là chậu cây xanh cung cấp ra thị trường”, anh Tiến cho biết.

Hiện doanh nghiệp mỗi ngày tái chế 1 tấn vỏ hộp sữa, tương đương với 1 triệu vỏ. Mỗi sản phẩm làm ra gửi tới tay khách hàng là sự nhiệt huyết, đam mê và như một lời cảm ơn tất cả mọi người đã thu gom rác. “Thay vì mỗi bước chân là rác thải phá hủy môi trường, chúng ta hãy tạo ra những bước chân xanh, góp phần làm xanh môi trường, làm xanh ý thức mỗi người trong cộng đồng”, anh Tiến chia sẻ thông điệp.

Theo anh Tiến, “Dấu chân xanh” đang từng ngày thu hút được nhiều thành viên tham gia. Đặc biệt, từ những thông điệp mà chương trình đưa ra đã được rất nhiều bạn trẻ quan tâm. Các bạn có ý thức trong việc thu gom rác thải để tái chế. “Môi trường chính là cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Mọi người hãy thay đổi từ những hành động nhỏ để bảo vệ môi trường, mà trước hết là bảo vệ chính bản thân và gia đình mình”, anh Tiến nói.

Ngoài công việc tái chế và kinh doanh, anh Tiến cho biết, chương trình “Dấu chân xanh” đang tổ chức các sự kiện bảo vệ môi trường trong cộng đồng, bằng cách đổi rác lấy những phần quà là sản phẩm tái chế. Mặt khác, các sự kiện anh đều thiết kế không gian đầy cây xanh bằng sản phẩm tái chế, nhằm khuyến khích, kêu gọi cộng đồng tham gia thu gom, phân loại rác thải và bảo vệ môi trường.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích