Biến thể Omicron có thể là lối thoát đại dịch Covid-19?

Biến thể Omicron có thể là lối thoát đại dịch Covid-19?
Đám đông hành khách xếp hàng đến Pháp tại sân bay OR Tambo ở Johannesburg, Nam Phi, trước khi các lệnh hạn chế đi lại do biến thể Omicron được áp dụng. Ảnh:AP

Kể từ khi bắt đầu đại dịch Covid-19, các nhà dịch tễ học đã hy vọng về một lối thoát cho nhân loại, khi mà cuối cùng virus được tin có thể biến đổi thành một dạng lành tính hơn, tiếp tục lây lan nhưng giết chết ít người hơn và khiến ít người bệnh phải nhập viện.

Đây là những gì đã từng xảy ra với virus cúm H1N1, và cũng là điều giải thích cho nguồn gốc của cảm lạnh thông thường – bệnh do một loại virus corona mà một số nhà virus học cho là có liên quan đến đại dịch cúm chết người vào cuối thế kỷ 19.

Các dấu hiệu ban đầu từ Nam Phi, nơi Omicron dường như đã thay thế Delta làm dòng trội, mở ra khả năng Omicron bị đột biến hoàn toàn có thể là biến thể SARS-CoV-2 lý tưởng mà các chuyên gia đã chờ đợi.

The Age dẫn lời chuyên gia dịch tễ học Tony Blakely tại Đại học Melbourne cho biết: “Chúng tôi chưa thể nói trước điều gì, nhưng có một vài manh mối cho thấy nó (Omicron) có thể ít độc lực hơn… Đó có thể là một điều có lợi”.

Nhà dịch tễ học Catherine Bennett của Đại học Deakin, trong khi nghiên cứu tương tự, cho biết những bằng chứng đến nay cho thấy có lý do lạc quan.

Bà nói: “Có khả năng chúng ta đang nhìn thấy một phiên bản virus ít lây nhiễm hơn và ít độc hại hơn, đây sẽ là một trong những bước đi thuận lợi hơn để sống chung với virus. Có nhiều tín hiệu cho thấy rằng tình hình có thể sẽ ổn, nhưng đồng thời cũng có thể có một chút lo lắng”.

Thế giới đang vô cùng lo lắng về Omicron. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đã mất nhiều tháng để phân loại Delta là một dạng “biến thể đáng lo ngại”, hiện đã nâng Omicron lên tình trạng tương tự chỉ sau chưa đầy 1 tuần khi trường hợp đầu tiên được xác nhận. Châu Âu, Mỹ và nhiều quốc gia trên toàn cầu đã nhanh chóng áp đặt các hạn chế đến và đi từ miền Nam châu Phi.

Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Nam Phi Angelique Coetzee – bác sĩ điều trị cho một số bệnh nhân đầu tiên được chẩn đoán nhiễm chủng virus mới – cho biết tất cả các trường hợp mà bà tiếp nhận đều có các triệu chứng tương đối nhẹ.

Trong khi đó, giáo sư Dror Mevorash, một chuyên gia về Covid-19 tại Trung tâm Y tế Hadassah ở Jerusalem, nói với tờ báo địa phương Haaretz rằng các dấu hiệu ban đầu là biến thể gây ra bệnh tương đối nhẹ. “Vẫn còn sớm để nói trước bất cứ điều gì nhưng không phải mọi thứ đều thực sự tồi tệ”, ông nói.

Vậy liệu Omicron có thể giúp tiêu diệt biến thể nguy hiểm Delta?

Theo The Age, lý thuyết là nếu một dòng ít độc lực hơn trở thành ưu thế, sẽ có nhiều người bị nhiễm bệnh hơn nhưng sẽ ít bị bệnh nặng hơn. Dù vẫn còn là một vấn đề, virus lúc đó cũng trở thành một phần của giải pháp: Mỗi người hồi phục sau một trường hợp nhẹ sẽ có khả năng miễn dịch cao hơn bất kỳ loại vaccine nào hiện có.

Theo kịch bản này, các đợt bùng phát Covid-19 trong tương lai sẽ ít gây áp lực lên bệnh viện và hệ thống y tế cộng đồng hơn so với các vụ dịch bởi Delta mà các nước đã phải chịu đựng thời gian qua.

Đây là điều mà Thủ hiến bang New South Wales của Australia, Dominic Perrottet, đã lưu ý khi ông cảnh báo về các phản ứng “phủ đầu” đối với sự xuất hiện của biến thể Omicron.

Ông Perrottet nói: “Thước đo thành công cho cuộc hiến chống dịch lúc này không phải là số trường hợp. Biện pháp thành công là giữ cho mọi người không phải nhập viện, mọi người an toàn và đồng thời mở cửa nền kinh tế để giữ cho mọi người làm việc và các doanh nghiệp được hoạt động”.

Tính đến hôm 29/11, 109 trường hợp nhiễm biến thể Omicron được xác nhận ở Nam Phi, bên cạnh 990 trường hợp đang được theo dõi và đã được xác nhận ở châu Âu, Israel, Canada và Australia. Tỷ lệ nhập viện ở Nam Phi đang tăng lên, nhưng WHO không cho rằng đây là do nhiễm biến thể Omicron, mà nhiều khả năng là do tỷ lệ tiêm chủng còn thấp.

Nhà dịch tễ học Marylouise McLaws tại Đại học New South Wales đánh giá, đây hiện vẫn là một mẫu quá nhỏ để có thể đưa ra bất cứ kết luận nào chắc chắn về biến thể mới. Bà cũng lưu ý rằng hầu hết các ca nhiễm Omicron được xác nhận ở Nam Phi là sinh viên đại học – một nhóm thuần tập ít có khả năng bị bệnh nặng do bất kỳ biến thể nào của Covid-19.

Giáo sư McLaws nói thêm rằng ngay cả một loại virus ít độc lực hơn vẫn có thể gây áp lực nặng nề lên hệ thống y tế nếu có quá nhiều người bị nhiễm bệnh. Bà dự báo: “Trong 2 tuần tới, chúng ta sẽ biết được điều hơn. Đánh giá về tỷ lệ tử vong sẽ cần trong 28 – 30 ngày nữa”.

Nhìn chung, Giáo sư Tony Blakely cho biết hiện có 4 câu hỏi chính về Omicron: Liệu nó có khả năng lây nhiễm cao hơn, độc lực hơn, kháng vaccine và có nhiều khả năng lây nhiễm cho những người đã nhiễm Covid-19 hay không?

Trong đó câu hỏi cấp bách nhất: Liệu Omicron có kháng được các loại vaccine hiện có hay không – là điều mà các phòng thí nghiệm dự kiến ​​sẽ mất 2 tuần nữa để có câu trả lời.

Giáo sư Bennett nói rằng, câu hỏi về độc lực của Omicron chỉ có thể được trả lời từ các quan sát trong thế giới thực – các triệu chứng được ghi lại, tỷ lệ nhập viện và tử vong – một khi virus tiếp tục lây lan.

Bà nói: “Đây là vấn đề của “sống chung với virus”. Nó đòi hỏi cân nhắc các biện pháp phòng ngừa cho đến khi chúng ta hiểu rõ mọi thứ hơn, sau đó đưa ra phản ứng thích hợp”.

Theo Nam Trung/kinhtedothi.vn

https://kinhtedothi.vn/bien-the-omicron-co-the-la-loi-thoai-dai-dich-covid-19-442298.html

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích