Biến rác thành tác phẩm triệu đô
Biến rác thành tác phẩm triệu đô
Từ lâu, khu ổ chuột kiêm bãi thải Agbogbloshie, gần thành phố Accra (Ghana) đã là chỗ đổ rác điện tử của toàn thế giới.
Lần đầu đến Ghana, đất nước bị ví như “bãi rác thải điện tử của toàn cầu”, Nagasaka Mago (1984) đã bị choáng ngợp bởi sự ô nhiễm của bãi rác kiêm khu ổ chuột Agbogbloshie. Anh quyết tâm phải có hành động thiết thực để thay đổi hiện trạng và đang tạo ra khoảng 30 nghìn công ăn việc làm.
Bãi rác siêu ô nhiễm
Ghana là quốc gia ở Tây Phi có diện tích 238.535 km² và dân số khoảng 33 triệu người. Từ lâu, khu ổ chuột kiêm bãi thải Agbogbloshie, gần thành phố Accra đã là chỗ đổ rác điện tử của toàn thế giới, trung bình mỗi năm nhận thêm khoảng 250 nghìn tấn.
Nagasaka Mago sinh ở Fukui, Nhật Bản. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, anh vào Trường Cao đẳng Thời trang Bunka, thường xuyên tham gia các cuộc thi thiết kế và đoạt giải, nhưng lại để lỡ mất tấm vé du học Anh.
Để kiếm đủ tiền tự túc du học, anh đã làm tiếp viên cho một hộp đêm ở “khu đèn đỏ” nổi danh – Kabukichō. Nhờ khéo miệng, anh nhanh chóng trở thành “host” số 1, nhưng sớm bỏ việc vì cảm thấy không đúng sở nguyện.
Năm 2012, Mago bắt đầu tour du lịch vẽ tranh tự phát. Anh có 18 tháng ở New York (Mỹ) rồi sang Pháp và nhiều nước châu Âu. Năm 2015, khi toàn Paris chìm trong nỗi hoảng sợ vì cuộc tấn công khủng bố tại Bataclan, Mago trở về Nhật Bản và vô tình bắt gặp bức ảnh khiến bản thân không thể rời mắt.
Đó là hình chụp khu ổ chuột kiêm bãi rác ô nhiễm nhất Philippines – Smoky Mountain. Trong khi tìm hiểu về Smoky Mountain, anh phát hiện còn khu ổ chuột kiêm bãi rác ô nhiễm hơn nữa ở Ghana – Agbogbloshie.
Năm 2017, Mago đến Ghana, tận mắt chứng kiến tình trạng của Agbogbloshie. “Thực tế còn tồi tệ hơn những gì báo chí đã đưa tin”, anh nhớ lại. Trên khắp diện tích 150 ha của Agbogbloshie, chỗ nào cũng có lửa âm ỉ cháy.
Mùi nhựa và cao su bị đốt quyện với mùi phân động vật và thức ăn ôi thiu, tạo ra hỗn hợp khí khó ngửi đến nghẹt thở. Bầu trời Agbogbloshie dày đặc khói, mặt đất thì la liệt các dòng chảy đen quánh. Bất chấp sự ô nhiễm khủng khiếp này, những người kiếm sống bằng nhặt phế liệu vẫn cặm cụi bới móc mà không hề đeo khẩu trang.
Nghệ thuật mới lạ
Đeo mặt nạ phòng độc, Mago dạo quanh Agbogbloshie, nhìn thấy trên mặt đất la liệt các loại rác điện tử và không ít cái vẫn còn dấu “made in Japan”. “Vào giây phút đó, tôi xấu hổ tột độ”, anh kể lại.
“Khi còn là nghệ sĩ đường phố, tôi thay điện thoại thông minh và máy tính bảng như thay áo, đôi khi còn mua đi bán lại kiếm lời. Nhìn vào Agbogbloshie, tôi nhận ra mình đã kiếm sống bằng sinh mạng của người khác và bứt rứt khôn tả”, Mago nói tiếp.
Sau một tuần ở Agbogbloshie, Mago trở về Nhật Bản với thùng rác thải điện tử và bắt đầu công việc biến chúng thành tác phẩm nghệ thuật. Tháng 3/2018, anh ra mắt tác phẩm đầu tiên – “Ghana’s Son”, trưng bày ở Ginza, Tokyo, thu hút đông đảo sự quan tâm và cuối cùng bán được 15 triệu yen.
Rất nhanh, tên tuổi Mago nổi tiếng khắp Nhật Bản. Các tác phẩm từ rác điện tử ở Agbogbloshie của anh luôn bán được với giá hàng triệu yen, đôi khi còn chạm mức trăm triệu yen.
“Nguyên nhân khiến các tác phẩm của tôi thu hút được sự chú ý chính là nguồn gốc nguyên vật liệu “từ Agbogbloshie” của nó. Nếu tôi lấy rác điện tử từ Akihabara (Nhật Bản) chẳng hạn, chúng chắc chắn chẳng được mấy người để tâm”, anh Mago giải thích.
Cứu tinh của Ghana
Chỉ bằng việc bán các tác phẩm nghệ thuật làm từ rác thải điện tử ở Agbogbloshie, Mago kiếm được hàng tỷ yen/năm. “Tôi luôn ghi nhớ, những gì mình kiếm được đều từ sinh mạng của những người đang phải vật lộn kiếm sống trong khu ổ chuột khủng khiếp ở Ghana”, anh nói.
Năm 2021, Mago quay trở lại Ghana với khoản tiền khổng lồ, xây dựng nhà máy tái chế rác thải điện tử. Anh bắt tay với cư dân và chính quyền Agbogbloshie, cùng nhau hướng đến mục tiêu xây dựng thành phố thông minh.
Năm 2022, Mago hoàn thành một nghìn bức tranh từ rác thải điện tử, kiếm được 800 triệu yen. Anh chỉ giữ 5% doanh thu cho mình, còn lại đóng góp hết vào quỹ của các dự án môi trường ở Agbogbloshie.
“Mục tiêu của tôi bây giờ là hoàn thành dự án xây dựng thành phố thông minh, để 30 nghìn cư dân Agbogbloshie vừa có thể sống trong môi trường xanh, sạch, vừa ổn định công ăn việc làm”, anh Mago cho biết.
Hiện, nhà máy tái chế rác điện tử của anh Mago đã đi vào hoạt động. Nghệ sĩ này cũng thu mua nhiều đất nông nghiệp xung quanh nhà máy, giao lại cho nông dân Ghana trồng các loại cây có khả năng hấp thụ CO2 như ô liu, cà phê… đặc biệt là loài cây được đánh giá là siêu thực phẩm – chùm ngây.
Ngoài ra, Mago còn góp sức vào dự án xử lý rác may mặc. Ghana không chỉ là “bãi rác thải điện tử của thế giới”, mà còn là “bãi rác thải may mặc toàn cầu”, với 15 triệu bộ quần áo được thải ra trong một tuần. Anh Mago kỳ vọng có thể phân hủy sinh học rác may mặc, để quần áo đã qua sử dụng biến thành mùn và trả về cho đất.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị