Biến máy cày thành máy phun hoá chất tăng hiệu suất gấp nhiều lần
Biến máy cày thành máy phun hoá chất tăng hiệu suất gấp nhiều lần
Biến chiếc máy cày thành máy phun hóa chất mới giúp giảm đáng kể thời gian và công sức cần thiết cho việc phòng trừ, giúp nâng cao năng suất sản xuất.
Mới đây, anh Nguyễn Văn Đàn – Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tài Linh (xã Lan Giới, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) đã cho ra mắt một ý tưởng sáng tạo trong nông nghiệp với việc phát triển thành công máy phun hóa chất tiên tiến giúp phòng trừ sâu bệnh cho cây ngô và khoai tây.
Sáng chế này không chỉ giúp giảm thiểu công sức nhân công mà còn tăng cường hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.
Được biết, anh Nguyễn Văn Đàn đã dành vài năm mày mò nghiên cứu và cải tiến từng phần của máy phun hóa chất dựa trên thực tế sản xuất. Xuất phát từ ý tưởng tận dụng chiếc mày cày, anh Đàn đã thành công trong việc chế tạo ra một thiết bị đa năng có thể phun hóa chất hiệu quả ở từng giai đoạn sinh trưởng của cây trồng.
Máy phun hóa chất này không chỉ đơn thuần là một công cụ phun hóa chất, mà còn tích hợp nhiều chức năng tiện ích khác nhau. Theo anh Đàn, máy có thể điều chỉnh áp lực, lượng hóa chất cần phun phù hợp với từng đợt phun cụ thể.
Thấu hiểu nỗi vất vả của người nông dân, tác giải của sáng chế thực tế này đã chú trọng vào việc tối ưu hóa mỗi chi tiết, từng bước của quá trình phun hóa chất, nhằm tiết kiệm hóa chất và nâng cao khả năng phòng trừ sâu bệnh, bảo vệ cây trồng khỏi những yếu tố gây hại.
Anh Đàn cho biết, mỗi chu kỳ sâu nở trong vòng 3 ngày, điều này đặt ra thách thức lớn đối với nông dân khi sử dụng phương pháp truyền thống. Máy phun hóa chất mới giúp giảm đáng kể thời gian và công sức cần thiết cho việc phòng trừ, giúp nâng cao năng suất sản xuất.
Với chiếc máy phun hoá chất mới, anh Đàn hy vọng rằng sáng chế của mình không chỉ giúp nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp mà còn giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đối với sức khỏe của người lao động và môi trường. Sáng chế mới được kỳ vọng sẽ đóng góp một phần cho sự phát triển bền vững của cộng đồng nông dân tại Lan Giới.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị