Biến đổi khí hậu tác động tới thủy văn ở lưu vực Mekong-Lan Thương

Biến đổi khí hậu tác động tới thủy văn ở lưu vực Mekong-Lan Thương

Biến đổi khí hậu đã tác động mạnh đến điều kiện thủy văn của lưu vực sông Lan Thương – Mekong, đặc biệt là các hiện tượng thời tiết cực đoan dẫn đến hạn hán gia tăng trong 120 năm qua.

Theo Giáo sư Công trình Thủy lợi – Thủy điện tại Đại học Thanh Hoa, ông Điền Phú Cường cho biết thì “Các đợt hạn hán nổi bật xảy ra trong thập kỷ từ năm 2010 đến năm 2020, như hạn hán nghiêm trọng năm 2016 và năm 2019 – 2020, chủ yếu là do hiện tượng El Nino gây ra, chứ không phải do các yếu tố khác như việc xây dựng hồ chứa nước”.

Kết luận của ông Điền Phú Cường dựa trên kết quả trong giai đoạn đầu tiên của”Nghiên cứu chung về những thay đổi trong điều kiện thủy văn và chiến lược thích ứng ở lưu vực sông Lan Thương – Mekong”, do Trung tâm Hợp tác Tài nguyên Nước Lan Thương – Mekong và Ban Thư ký Ủy ban sông Mekong phối hợp thực hiện.

Đội ngũ nghiên cứu đã sử dụng chỉ số lượng mưa chuẩn hóa (SPI), chỉ số lượng mưa & bốc hơi chuẩn hóa (SPEI) và chỉ số dòng chảy chuẩn hóa (SRI) để tiến hành phân tích hiện tượng hạn hán, các chỉ số này được tính toán dựa trên bộ dữ liệu CRU TS, ERA5-LAND và CHIRPS.

tm-img-alt
Một khúc sông Mekong chảy qua Thái Lan cạn nước. Ảnh: NYT

Báo cáo kỹ thuật của giai đoạn đầu tiên, được hoàn thành vào tháng 8/2023, đã phân tích các xu hướng dài hạn, tần suất, cường độ, thời gian kéo dài của hạn hán do khí tượng và tác động của El Nino, đồng thời kết luận rằng biến đổi khí hậu có tác động mạnh mẽ đến lưu vực sông Lan Thương – Mekong.

Báo cáo chỉ ra rằng trong giai đoạn năm 2000 – 2009 và năm 2010 – 2020, nghiên cứu về sự thay đổi tần suất của hạn hán khí tượng (chỉ số SPI thu được bằng cách sử dụng dữ liệu khí tượng CHIRPS) và nghiên cứu về sự thay đổi tần suất hạn hán trong điều kiện thủy văn khu vực (chỉ số SRI thu được bằng phân tích và mô phỏng mô hình VIC) cho thấy, có sự tương đồng rõ rệt về sự thay đổi tần suất hạn khí tượng và thủy văn ở lưu vực sông Mekong. Hạn hán khí tượng ở lưu vực sông Lan Thương – Mekong là do hiện tượng El Nino gây ra và cường độ của nó là một chỉ tiêu tốt về cường độ hạn hán khí tượng trên toàn lưu vực.

Ông Điền Phú Cường cho rằng, biến đổi khí hậu toàn cầu và hệ quả là hạn hán và lũ lụt nghiêm trọng hơn sẽ có tác động ngày càng lớn đến những thay đổi về điều kiện thủy văn ở lưu vực, vì vậy điều quan trọng là các quốc gia trong lưu vực phải chia sẻ với nhau nhiều thông tin khí tượng và thủy văn hơn.

Ông cho biết, nền tảng chia sẻ thông tin trong khuôn khổ hợp tác Lan Thương – Mekong là cơ chế quan trọng để thúc đẩy quá trình này. Ngoài các yếu tố tự nhiên như biến đổi khí hậu, các hoạt động của con người như xây dựng cơ sở hạ tầng, quản lý tài nguyên nước cũng sẽ tương tác với các yếu tố tự nhiên và ảnh hưởng đến tổng lượng nước, thời gian và sự phân bổ nước trên lưu vực.

Giáo sư Điền Phú Cường cho biết thêm:“Những thay đổi về thủy văn luôn diễn ra và các yếu tố chính cũng luôn thay đổi theo thời gian và khu vực, cho nên cần phải phân tích cụ thể theo các tình hình cụ thể”. Ông chỉ ra rằng những tác động và thay đổi đó cần được nhìn nhận một cách chính xác, và cần tích cực thực hiện các biện pháp giảm thiểu và thích ứng, đồng thời kêu gọi các nước Lan Thương – Mekong tăng cường phối hợp và hợp tác dựa trên nguyên tắc sử dụng công bằng và hợp lý, cùng nhau ứng phó tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên nước.

An Đông (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích