Biến đổi khí hậu gây nhiều áp lực cho nghề trồng lúa nước

Báo cáo mới nhất của Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) cảnh báo, sự nóng lên toàn cầu do con người gây ra đang diễn ra với tốc độ chưa từng có và dẫn đến lũ lụt, nắng nóng và hạn hán chết người. Và những sự kiện đó gây ra rủi ro lớn đối với trồng trọt.

Louis Verchot, người đứng đầu nhóm phục hồi đất tại tổ chức Trung tâm Nông nghiệp nhiệt đới Quốc tế (CITA), cho biết:

“Năm 2008, những lo ngại về nguồn cung cấp gạo đã gây ra khủng hoảng lương thực khiến giá cả tăng vọt. Sự hoảng loạn sau đó làm bùng lên các cuộc bạo loạn trên toàn cầu, từ Bangladesh, Ai Cập đến Haiti. Đó là cách đây 13 năm, khi dân số ít hơn hiện nay 1 tỉ người.

13 năm nữa, dân số thế giới dự kiến ​​sẽ tăng thêm 1 tỉ người so với hiện nay, lên khoảng 8,8 tỉ người, và khí hậu trên thế giới sẽ tiếp tục thay đổi. Trong tương lai, khi dân số ở những khu vực dễ bị tổn thương nhất tăng, chúng ta sẽ phải suy nghĩ lại về cách tổ chức hệ thống thực phẩm”.

Biến đổi khí hậu gây nhiều áp lực cho nghề trồng lúa nước - Ảnh 1
Biến đổi khí hậu đang gây ra nhiều rủi ro cho ngành trồng trọt. (Ảnh minh họa).

Bất kỳ sự gián đoạn nào đối với nguồn thực phẩm này đều có thể gây ra những vấn đề lớn trên toàn thế giới.

“Nhiệt độ cao hơn dẫn đến gia tăng bốc hơi, làm khô đất, tăng căng thẳng cho cây trồng và ảnh hưởng đến nông nghiệp, ngay cả ở những vùng không có sự thay đổi lớn về lượng mưa”, theo báo cáo IPCC. Nếu con người không giảm bớt lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, khoảng 1/3 diện tích đất toàn cầu sẽ bị hạn hán vào cuối thế kỉ này. Và một số thay đổi như mực nước biển dâng hiện đã không thể đảo ngược.

Lúa đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi những thay đổi này. Lúa thường mọc trong các hệ sinh thái đồng bằng và dễ bị ảnh hưởng bởi nước biển dâng. Nó cũng phát triển ở những khu vực đang phải trải qua điều kiện thời tiết khắc nghiệt, và bất kỳ mức tăng nhiệt độ nào thêm nữa cũng có thể đẩy nhiệt độ vượt qua ngưỡng cho phép cây lúa phát triển khỏe mạnh.

Một nghiên cứu năm 2018 trên Tạp chí Archives of Agronomy and Soil Science cho thấy, sự gia tăng tần suất và mức độ khắc nghiệt của thời tiết nắng nóng có thể làm giảm sản lượng lúa tới 40% vào cuối thế kỉ này.

“Hầu hết lúa trên thế giới đang được trồng ở những vùng có nhiệt độ hiện tại đã gần với ngưỡng tối đa để có thể sản xuất gạo”, nghiên cứu nêu rõ. “Do đó, bất kỳ mức gia tăng nhiệt độ trung bình nào, hoặc gia tăng tần suất xuất hiện nhiệt độ cao trong các giai đoạn tăng trưởng nhạy cảm của cây lúa, sẽ là thảm họa”.

Lúa vẫn có thể phát triển ở nhiệt độ lên tới 40 độ C, nhưng căng thẳng do nhiệt gây ra có thể làm giảm khả năng thụ phấn. Và, nhiệt độ trên 35 độ C sẽ làm giảm năng suất đáng kể. Nhiệt độ ban đêm cao cũng có thể ảnh hưởng đến năng suất lúa. Một nghiên cứu cho thấy rằng kể từ ngưỡng 35 độ C, mỗi 1 độ C tăng thêm vào ban đêm sẽ làm giảm năng suất lúa khoảng 10%.

Ngoài nhiệt độ, khả năng lũ lụt và hạn hán tăng cũng đe dọa sản xuất lúa. Nước biển dâng cao có thể làm ngập nước mặn vùng đất thấp.

Một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) cho biết: “Lúa gạo là cây trồng dễ bị tổn thương nhất do khí hậu thay đổi trong tương lai. Ở một số vùng trồng lúa bị khô hạn, năng suất có thể giảm ngay cả trong những năm thuận lợi, bởi vì những người nông dân lo sợ mất mùa sẽ tránh bỏ tiền đầu tư vào những thứ như phân bón và hạt giống mới giúp tăng năng suất”.

Theo Tim Benton, Giám đốc nghiên cứu về rủi ro ở thị trường mới nổi tại Chatham House, cho biết: “Trong một thế giới mà các hệ thống lương thực ngày càng được kết nối với nhau, rủi ro đối với lúa gạo là mối nguy lớn. Một trong những đặc thù của gạo là thị trường rất ‘mỏng’ – không có nhiều nguồn cung dư thừa. Vì vậy, nếu nguồn cung ở bất kỳ nơi nào gặp vấn đề, nó sẽ có xu hướng ảnh hưởng đến giá quốc tế. Và nếu sản lượng giảm và mất thu nhập, nông dân có thể chuyển chỗ ở hoặc đi tìm việc ở nơi khác”.

Đó là một trong những vấn đề nan giải đối với các quốc gia dựa vào gạo. Sự bùng nổ dân số, kết hợp với tác động của biến đổi khí hậu và chuyển đổi đất đai – đặc biệt là ở các vùng trồng lúa ở châu Á – có thể gây khó khăn cho việc duy trì sản xuất lương thực tự túc.

Một nghiên cứu gần đây do các nhà nghiên cứu tại Đại học Cornell thực hiện cho thấy, tốc độ tăng năng suất nông nghiệp toàn cầu đã chậm lại khoảng 21% trong 60 năm qua do biến đổi khí hậu, ảnh hưởng rõ rệt hơn ở các khu vực nhiệt đới. Một phần nguyên nhân là do nông nghiệp không thích nghi với các điều kiện khí hậu khắc nghiệt mới, làm giảm năng suất theo thời gian.

Các nhà nghiên cứu đang tìm cách phát triển các hệ thống thực phẩm có khả năng chống chọi và phục hồi tốt hơn, bao gồm các hệ thống tưới tiêu khử carbon và phát triển các giống lúa chịu được nhiệt độ cao hoặc lũ lụt.

IRRI cho biết, có khoảng 150.000 giống lúa trong ngân hàng hạt giống của mình, nhưng hầu hết đều không được trồng hoặc không trồng ở quy mô sản xuất. Các quốc gia cũng có chương trình nghiên cứu lúa gạo của riêng họ và liên tục lai tạo các giống mới. Mục tiêu là phát triển các giống hạt giống có khả năng chống chịu hạn hán hoặc nắng nóng cao hơn hoặc có thể tồn tại khi bị ngập nước ở những khu vực được cho là sẽ có lượng mưa nhiều hơn.

Quản lý tài nguyên trang trại tốt hơn cũng có thể giúp ích. Gạo sử dụng rất nhiều nước ngọt, nhưng các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng nó có thể phát triển với một nửa lượng nước thông thường, có nghĩa là nông dân trồng lúa có thể áp dụng các kỹ thuật tiết kiệm nước ở những khu vực thường xảy ra hạn hán.

 

Copy Link

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích