Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường, an ninh lương thực và sức khỏe

Mới đây Cơ quan An ninh Y tế Anh (UKHSA) cảnh báo nguy cơ gia tăng tác động của hiện tượng thời tiết khắc nghiệt đối với sức khỏe con người và khả năng mắc các bệnh do vật trung gian lây truyền tại nước này trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Trong báo cáo, UKHSA cho biết 90 chuyên gia tại Anh đã xây dựng mô hình dự báo khí hậu dựa trên kịch bản thời tiết nóng lên, cũng như “kịch bản tồi tệ” nhất khi nhiệt độ Trái Đất tăng xấp xỉ 4,3 độ C vào năm 2100.

Đối với viễn cảnh đầu tiên, số ca tử vong liên quan đến nắng nóng dự báo sẽ tăng gấp 1,5 lần và thậm chí 12 lần vào những năm 2030 và 2070. Các chuyên gia ước tính số ca tử vong do nắng nóng cực độ tại Anh vào những năm 2050 là khoảng 10.000 ca.

Trong bối cảnh thời tiết nắng nóng thúc đẩy quá trình sinh sản của các loài muỗi vằn và muỗi hổ châu Á, báo cáo nhận định các bệnh do vật trung gian lây truyền như sốt chikungunya, sốt xuất huyết và sốt do virus Zika sẽ bắt đầu xuất hiện thời gian tới, dự kiến vào thời điểm những năm 2040 và 2050 tại Anh, hay những năm 2060 hoặc những năm 2070 tại xứ Wales, Bắc Ireland và một phần vùng đồng bằng Scotland.

 Tinh trạng biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng ảnh hưởng tới không khí, chất lượng cũng như nguồn cung thực phẩm và nước sạch. Ảnh minh họa

Ngoài ra, việc Anh gia tăng phụ thuộc vào nguồn thực phẩm từ các quốc gia dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng đến sự ổn định của nguồn cung lương thực, đặc biệt là rau quả tươi.

Giám đốc khoa học của UKHSA Isabel Oliver cảnh báo biến đổi khí hậu tiềm ẩn thách thức khôn lường tới xã hội và an ninh lương thực, ảnh hưởng tới không khí, chất lượng cũng như nguồn cung thực phẩm và nước sạch.

Bà nhấn mạnh sự cần thiết phải hành động để đảm bảo các chính sách, môi trường và hành vi thích ứng với khí hậu nhằm bảo vệ sức khỏe, hạnh phúc và sinh kế của người dân, ngăn chặn tác động của biến đổi khí hậu tới sức khỏe con người.

Tại Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) ở Dubai (UAE), Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cảnh báo năm 2023 nhiều khả năng là năm nóng nhất trong lịch sử loài người.

Theo các nhà nghiên cứu, biến đổi khí hậu không chỉ gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa đá, hạn hán, lũ lụt… mà nó còn ảnh hưởng nặng nề đến lĩnh vực nông nghiệp, làm giảm diện tích đất canh tác, gây ra tình trạng hạn hán và sâu bệnh, có thể còn dẫn đến mất mùa hoàn toàn.

Tác động của biến đổi khí hậu là một trở ngại đáng kể mà khu vực ASEAN sẽ phải tính đến trong đó có cả Việt Nam. Họ cũng đưa ra hàng loạt những vấn đề về môi trường mà nông dân sản xuất quy mô nhỏ trong khu vực đang và sẽ phải đối mặt như: Chất lượng đất, quản lý dịch hại, năng suất cây trồng và cơ hội thương mại nông sản. Hạn hán có năm làm giảm 20-30% năng suất cây trồng, giảm sản lượng lương thực, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chăn nuôi và sinh hoạt của người dân. Do đó,việc quản lý sâu bệnh, đảm bảo đủ năng suất cây trồng, mở rộng thị trường phù hợp và cải thiện khả năng bán hàng cho nông dân cũng là những vấn đề rất đáng lưu tâm.

Những đợt hạn hán và nóng kéo dài liên tiếp xảy ra ở khắp các vùng trong cả nước những năm gần đây cho thấy mức độ gia tăng ngày càng lớn của tình trạng biến đổi khí hậu. Hạn hán kéo dài sẽ dẫn đến nguy cơ hoang mạc hóa ở một số vùng, đặc biệt là vùng Nam Trung Bộ, vùng cát ven biển và vùng đất dốc thuộc trung du, miền núi, gây ra những hệ lụy đáng kể đối với phát triển bền vững ở Việt Nam.

Theo nghiên cứu và dự báo của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (IPPC) và Ngân hàng thế giới (WB), ở Việt Nam, nếu nước biển dâng lên 1m sẽ làm ngập khoảng từ 0,3 đến 0,5 triệu ha tại đồng bằng sông Hồng, vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ có 1,5-2,0 triệu ha và những năm lũ lớn khoảng trên 90% diện tích của vùng này bị ngập từ 4-5 tháng, trong đó chủ yếu là đất lúa bị ngập hoặc nhiễm mặn không thể sản xuất.

Biến đổi khí hậu cũng làm gia tăng thiên tai khiến năng suất cây trồng giảm. Theo đánh giá, nếu nhiệt độ tăng thêm 1 độ C, năng suất lúa sẽ giảm 10%, thực trạng trên sẽ đe dọa nghiêm trọng đến an ninh lương thực quốc gia và ảnh hưởng đến hàng chục triệu người dân.

Biến đổi khí hậu đang làm thay đổi điều kiện sinh sống của các loài sinh vật, dẫn đến tình trạng biến mất của một số loài và ngược lại, xuất hiện nguy cơ gia tăng các loại sinh vật có hại mới dẫn đến dịch bệnh. Trong thời gian nhiều năm trở lại đây, dịch rầy nâu, vàng lùn, lùn xoắn lá ở đồng bằng Sông Cửu Long diễn biến ngày càng phức tạp, ảnh hưởng đến khả năng thâm canh, tăng vụ và làm giảm sản lượng lúa. Biến đổi khí hậu còn có thể tác động đến thời vụ, làm thay đổi cấu trúc mùa, quy hoạch vùng, kỹ thuật tưới tiêu, sâu bệnh, năng suất, sản lượng; làm suy thoái tài nguyên đất, đa dạng sinh học bị đe dọa, suy giảm về số lượng và chất lượng do ngập nước và do khô hạn, tăng thêm nguy cơ diệt chủng của động, thực vật, làm biến mất các nguồn gen quý hiếm.

Đối với tài nguyên rừng và hệ sinh thái, thời gian qua, do những nguyên nhân khác nhau, đa dạng sinh học, các hệ sinh thái, đặc biệt là các hệ sinh thái rừng bị suy thoái trầm trọng: Nước biển dâng lên làm giảm diện tích rừng ngập mặt ven biển tác động xấu đến hệ sinh thái rừng tràm và rừng trồng trên đất bị nhiễm phèn ở đồng bằng Sông Cửu Long; Nhiệt độ và lượng nước bốc hơi tăng làm hạn hán kéo dài sẽ làm ảnh hưởng tới khả năng sinh trưởng của các loài thực vật và động vật rừng.

Tình trạng xâm ngập mặn ở khu vực ven biển cũng sẽ làm thu hẹp diện tích đất nông nghiệp. Một phần diện tích đáng kể đất trồng trọt ở vùng đồng bằng Sông Hồng và đồng bằng Sông Cửu Long sẽ bị nhiễm mặn vì 2 đồng bằng này đều là những vùng đất thấp so với mực nước biển. Xâm nhập mặn làm cho diện tích đất canh tác giảm, từ đó hệ số sử dụng đất có thể giảm từ 3-4 lần/năm xuống còn 1-1,5 lần/năm. Ngập mặn sẽ đặc biệt nghiêm trọng ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long. Nếu nước biển dâng cao thêm 1m thì khoảng 1,77 triệu ha đất sẽ bị nhiễm mặn, chiếm 45% diện tích đất ở đồng bằng Sông Cửu Long và ước tính rằng, có khoảng 85% người dân ở vùng này cần được hỗ trợ về nông nghiệp.

An Dương (T/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích