Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến việc bảo quản sách như thế nào?
Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến việc bảo quản sách như thế nào?
Theo dõi MTĐT trên
Điều kiện thời tiết khắc nghiệt xuất hiện thường xuyên như lũ lụt, hỏa hoạn, độ ẩm lớn…đang gây khó khăn cho việc lưu trữ và bảo tồn sách.
Những mối đe dọa ngày càng nhiều từ biến đổi khí hậu
Các sự kiện thời tiết khắc nghiệt như cháy rừng và lũ lụt đã gây ra nhiều thiệt hại đối với những bộ sưu tập sách. Thậm chí ngay cả khi được đặt trong các cơ sở lưu trữ chuyên nghiệp, vẫn không có gì đảm bảo được nó sẽ tránh khỏi những tác động từ thiên nhiên.
Khi những sự kiện như thế đang trở nên phổ biến hơn do hậu quả của biến đổi khí hậu, các nhà bảo tồn sách trên khắp nước Mỹ cho biết họ đang phải điều chỉnh cách thức hoạt động của mình để giữ an toàn cho sách và tài liệu lưu trữ. Song, vẫn chưa tìm ra được một biện pháp nào thật sự bền vững trong việc chống lại những tác động của biến đổi khí hậu.
Một nghiên cứu năm 2018 được công bố trên tạp chí Climate Risk Management (Quản lý Rủi ro Khí hậu) đã khảo sát 1.232 kho lưu trữ ở Mỹ và phát hiện rằng gần 99% cơ sở “có khả năng bị ảnh hưởng bởi ít nhất một yếu tố rủi ro khí hậu”.
Các chuyên gia cho biết cần có cả chiến lược trước mắt và dài hạn để giữ an toàn cho sách trong môi trường thay đổi, nhưng một số mối đe dọa còn ngấm ngầm hơn cả cháy rừng hoặc bão.
Sự thay đổi nhiệt độ và độ ẩm do biến đổi khí hậu có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Ví dụ, các nhà lưu trữ và bảo tồn ở Cincinnati nhận thấy sự thay đổi nhiệt độ lớn trong ngày đang gây ảnh hướng xấu đến tình trạng sách. Còn ở Nam California, nơi vốn có khí hậu khô hạn từ xưa, thì đang phải đối mặt với tình trạng độ ẩm tăng cao. Các hệ thống bảo tồn trong khu vực không được thiết kế để xử lý lượng mưa bất chợt xuất hiện gần đây.
Holly Prochaska, người đứng đầu Thư viện Lưu trữ và Sách hiếm tại Đại học Cincinnati, giải thích: “Độ ẩm càng cao, nhiệt độ càng cao thì các vật liệu hữu cơ phân hủy càng nhanh. Da sẽ bị ẩm và thối. Các sợi collagen trong vellum sẽ thắt chặt và co lại”.
Giải pháp số hóa đồng thời bảo tồn sách giấy
Một trong những giải pháp khả thi hiện nay được các thư viện áp dụng nhiều là số hóa, chuyển các cuốn sách vật lý thành sách điện tử để lưu trữ trực tuyến. Đây có thể là một câu trả lời cho biến đổi khí hậu, đồng thời cho phép truy cập dễ dàng và chia sẻ tài liệu, mở rộng phạm vi tiếp cận của bộ sưu tập. Số hóa cũng là một biện pháp an toàn trong những thời điểm khó khăn, chẳng hạn khi xảy ra thiên tai, chiến tranh… đe dọa phá hủy các cơ sở lưu trữ tài liệu văn hóa.
Tuy nhiên, quá trình số hóa một lượng lớn tài liệu hiện nay cần số lượng lớn máy chủ và tiêu tốn nhiều năng lượng, làm tăng thêm lượng khí thải ra môi trường Theo một nghiên cứu năm 2019 được công bố trên The American Archivist, quá trình này “có những tác động tiêu cực đáng kể đến môi trường, từ đó đe dọa chính các tổ chức được giao nhiệm vụ bảo tồn nội dung kỹ thuật số”. Vì vậy, các nhà bảo tồn chỉ có thể lựa chọn những tài liệu giá trị để số hóa.
Hơn nữa, sau khi được tải lên máy chủ, quá trình biên mục có thể không được thực hiện liên tục liền mạch dẫn đến các tệp có thể bị gắn nhãn sai hoặc bị mất mát. Vì thế, dù đã được lưu trữ trên không gian mạng, các tệp kỹ thuật số vẫn cần được bảo trì và giám sát.
Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu đang nghiên cứu các cách để duy trì sách vật lý lâu hơn và bền vững hơn. Viện Image Permanence, một trung tâm nghiên cứu có trụ sở tại Viện Công nghệ Rochester, đã phân tích hơn 1,9 tỷ điểm dữ liệu môi trường từ các tổ chức trên khắp thế giới để tìm ra các phương pháp hay nhất để giữ an toàn cho các bộ sưu tập.
Hải Đăng (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị