Bị ung thư có nên uống sữa đậu nành không?
Bị ung thư có nên uống sữa đậu nành không?
Bệnh nhân ung thư luôn là đối tượng có sức khỏe khá “nhạy cảm”, dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố tác động tới sức khỏe trong đó có cả chuyện ăn uống. Một trong những thắc mắc khá phổ biến của người bệnh là ung thư có nên uống sữa đậu nành không.
Sữa đậu nành có gây ung thư?
Hiện nay chưa có nghiên cứu khoa học chính thức nào có thể khẳng định sữa đậu nành gây ung thư. Một số quan điểm khác lại cho rằng, tiêu thụ các sản phẩm từ đậu nành nói chung và sữa đậu nành nói riêng giúp giảm nguy cơ mắc ung thư.
Từ thực tế tại Nhật Bản và Trung Quốc là những nơi thường xuyên sử dụng đậu nành, tỷ lệ người dân mắc ung thư vú, ung thư buồng trứng và tuyến tiền liệt hay các bệnh liên quan đến hormone thấp hơn hẳn.
Ảnh minh họa
Sở dĩ tranh cãi về việc đậu nành có phải là nguyên nhân gây ung thư xuất phát từ thành phần “phytoestrogen” hay còn được gọi là estrogen thực vật.
Trước đây từng có thử nghiệm trong ống nghiệm cho rằng phytoestrogen gây các bệnh ung thư liên quan đến hormone. Tuy nhiên, sau đó nhiều nhà khoa học lên tiếng phản bác và cho rằng, việc sử dụng ở mức độ trung bình từ 2-3 đơn vị phytoestrogen thậm chí còn mang lại lợi ích cho một số bệnh ung thư.
Đầu năm 2020, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cancer một lần nữa khẳng định, đậu nành không gây hại cho bệnh nhân ung thư, đặc biệt là ung thư vú. Ngược lại, sử dụng đậu nành còn mang tới nhiều lợi ích cho người bệnh này.
Ung thư có được uống sữa đậu nành không?
Theo Tuoitrexahoi BS Nguyễn Sỹ Cam (tổ chức Ruybangtim) cho biết, đối với người bệnh ung thư, chính xác là ung thư vú, đã có nhiều nghiên cứu cho thấy tác dụng tích cực hoặc không có ảnh hưởng của việc tiêu thụ sữa đậu nành lên diễn tiến bệnh.
Nghiên cứu khảo sát với hơn 11.000 bệnh nhân ung thư vú cho thấy, việc sử dụng đậu nành mỗi ngày làm giảm nguy cơ tử vong cũng như tái phát bệnh, đặc biệt là nhóm bệnh nhân ER-, ER+/PR+ và hậu mãn kinh.
Ảnh minh họa
Một kết luận khác dựa trên 3 nghiên cứu khảo sát hơn 9.500 bệnh nhân cho rằng, việc sử dụng ít nhất 10 mg isoflavone/ngày chiết xuất đậu nành tuy không làm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong của bệnh nhưng có giảm đáng kể nguy cơ tái phát bệnh ung thư vú.
Hiện có rất ít khuyến cáo cho thấy lượng tiêu thụ đậu nành chính xác đối với người bệnh ung thư. Viện Nghiên cứu ung thư Hoa Kỳ khuyến cáo mỗi bữa nên dùng 250ml sữa đậu nành hoặc 30 gram đậu nành, một ngày tối đa 2-3 bữa như vậy, không nên nhiều hơn.
Đó là chưa kể, đậu nành được coi là “thịt không xương” vì cung cấp lượng đạm dồi dào. Lượng đạm tốt để thay thế cho thịt động vật vì có ít mỡ và cholesterol, bổ sung các amino acid cần thiết mà cơ thể không tạo ra được.
Sữa đậu nành cũng chứa ít chất béo bão hòa hơn sữa bò, có thể có lợi cho tim mạch hơn.
Có thể khẳng định, y học hiện đại coi sữa đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành nói chung tốt cho sức khỏe. Thành phần, estrogen thực vật trong đậu nành không làm nặng thêm bệnh ung thư vú mà ngược lại còn mang lại lợi ích trong quá trình điều trị. Vì vậy, người bệnh hoàn toàn có thể uống sữa đậu nành kết hợp với chế độ ăn uống đa dạng, thiên về thực vật và lối sống lành mạnh.
Mặt khác, bệnh nhân điều trị ung thư hoàn toàn có thể thực hiện chế độ ăn tự nguyện, chọn các món ăn, thực phẩm theo sở thích miễn sao đảm bảo dinh dưỡng theo sự hướng dẫn và tư vấn của các chuyên gia.