Bí thư Đảng ủy tâm huyết phát triển sâm Nam núi Dành

Bí thư Đảng ủy tâm huyết phát triển sâm Nam núi Dành

Bí thư Đảng ủy xã Liên Chung, Tân Yên, Bắc Giang là người tâm huyết, đưa cây sâm Nam núi Dành trở thành một trong những sản phẩm đặc trưng của huyện, góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng về đất đai, du lịch, lợi thế của Tân Yên.

Bí thư Đảng uỷ, tâm huyết, phát triển, nhân rộng cây sâm Nam núi Dành, Bắc Giang, Phạm Văn Hân
Đồng chí Phạm Văn Hân (thứ hai từ trái sang), Bí thư Đảng xã Liên Chung thăm, tặng quà đơn vị Quân đội đóng quân trên địa bàn xã Liên Chung, Tân Yên, Bắc Giang.

Quyết đoán, sâu sát là ấn tượng của hầu hết những người đã từng tiếp xúc và làm việc với Bí thư Đảng ủy xã Liên Chung Phạm Văn Hân.

Từ khi được phân công về xã đảm nhận nhiệm vụ, anh lúc nào cũng ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng.

Bí thư Đảng uỷ, tâm huyết, phát triển, nhân rộng cây sâm Nam núi Dành, Bắc Giang, Phạm Văn Hân
Đồng chí Phạm Văn Hân, Bí thư Đảng ủy xã Liên Chung.

Anh tâm sự: “Để tuyên truyền vận động nhân dân tham gia vào các hoạt động nhân rộng phát triển cây sâm núi Dành của địa phương, trước hết bản thân phải gương mẫu đi đầu trong các phong trào của địa phương. Làm hết chức trách nhiệm vụ của người lãnh đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động tập hợp đông đảo quần chúng nhân dân tham gia mang lại hiệu quả cao nhất”.

Qua tìm hiểu thực tế cuộc sống và canh tác của người dân trong xã, anh nhận thấy: Xã Liên Chung có diện tích đất canh tác khá lớn; nhiều hộ riêng diện tích đất đồi rừng đã có trên 02 ha; hộ ít cũng có đến vài sào đất; cây trồng chủ yếu là vải, nhãn, bưởi…, phần lớn các hộ còn để vườn tạp, không cho thu nhập hoặc thu nhập rất thấp; lao động trong năm chủ yếu làm theo mùa vụ, xong lại nhàn rỗi, dư thừa. Hiện, cây sâm Nam là cây dược liệu quý hiếm rất tốt cho sức khỏe, được một vài người dân trong xã trồng và cho thu nhập rất cao, kể cả hoa, lá, thân mà đặc biệt là củ sâm; cây sâm Nam phù hợp với thổ nhưỡng nơi này, nhất là với những diện tích đồi rừng ở Liên Chung như hiện nay.

Bí thư Đảng uỷ, tâm huyết, phát triển, nhân rộng cây sâm Nam núi Dành, Bắc Giang, Phạm Văn Hân
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, Huyện ủy Tân Yên thăm mô hình HTX Sâm núi Dành Đức Hạnh xã Liên Chung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang.

Đây chính là một phần cho giải quyết công ăn việc làm, giải quyết nguồn dôi dư lao động, tạo thu nhập cho người dân địa phương, anh đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch vận động nhân dân mạnh dạn cải tạo, phá bỏ vườn tạp, đưa cây sâm Nam vào trồng thay thế. Bắt đầu từ việc tổ chức cho cán bộ các thôn đi tham quan học tập thực tế ở một số nơi có mô hình trồng cây có giá trị kinh tế cao… Lúc đầu gặp không ít khó khăn, trở ngại, nhận thức của người dân trên địa bàn xã chưa đồng đều, kể cả với một số ít cán bộ, đảng viên; thói quen trồng cây truyền thống đã ăn sâu vào tiềm thức nhiều người, chưa kể họ còn tỏ ra nghi ngại khi trồng giống cây này….

Việc phát triển cây sâm Nam núi Dành giai đoạn đầu gặp vô cùng khó khăn thách thức do người dân chưa thực sự yên tâm với sản phẩm và đầu ra. Tuy nhiên, Đảng ủy đã quyết tâm triển khai quyết liệt giao cho UBND xã có chính sách hỗ trợ đối với người dân, thành lập Hợp tác xã Sâm Nam núi Dành. Kết quả, sau 2 năm, đồng chí cùng Mặt trận Tổ quốc, UBND xã phối hợp cùng các ban ngành trên địa bàn triển khai phát triển diện tích sâm Nam núi Dành trên địa bàn tăng hơn 30 hecta, thành lập mới 2 hợp tác xã, xây dựng thương hiệu OCOP 4 sao cho sản phẩm nụ hoa sâm.

Năm 2022, tổng sản lượng nụ hoa sâm khô trên địa bàn được gần 2 tấn, giá bình quân 1 kg nụ hoa sâm khô từ 800.000 đến 1 triệu đồng đã mang lại nguồn thu nhập lớn cho nhiều hộ gia đình, qua đó đã tạo được niềm tin và ủng hộ của người dân địa phương. Đến nay được nhiều doanh nghiệp tham gia nghiên cứu sản xuất và chế biến các sản phẩm từ củ sâm và nụ hoa sâm như rượu sâm trà sâm, trà túi lọc, trà hòa tan, nước sâm tinh khiết. Sau hơn 2 năm triển khai Nghị quyết của Đảng ủy về phát triển sâm Nam núi Dành, nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã Liên Chung có thu nhập cao từ vài chục triệu đến vài tỷ đồng mỗi năm; hiện nay trên địa bàn xã có 10/10 thôn với hàng trăm hộ gia đình trồng cây sâm Nam có từ 1 đến 2 năm tuổi thay thế cho vườn tạp kém năng suất, chất lượng trước đây.

Có thể nói, thành công của việc đưa cây sâm Nam núi Dành đưa vào trồng trên đất Liên Chung là một trong những thành công của đồng chí Phạm Văn Hân với vai trò là người đứng đầu cấp ủy khi trực tiếp làm công tác dân vận.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích