Bí quyết bảo vệ, giảm cháy rừng thành công ở Mexico
Bí quyết bảo vệ, giảm cháy rừng thành công ở Mexico
Hơn một nửa diện tích lâm nghiệp của Mexico nằm trong tay cộng đồng và người thổ dân. Và kết quả của việc giảm cháy rừng, ngăn chặn khai thác trái phép là vô cùng ấn tượng.
Dexter Melchor Matías làm việc tại thị trấn Ixtlán de Juárez của người thổ dân Zapotec, ở độ cao khoảng 490 m trên thung lũng Oaxaca rộng lớn ở Mexico, nơi lâm nghiệp cộng đồng đã trở thành một lối sống. Lâm nghiệp cộng đồng là thuật ngữ chỉ hoạt động quản lý rừng của các cá nhân hoặc cộng đồng người dân địa phương trên đất đai của họ hoặc đất chung và đất đai của nhà nước.
Giống như Matías, khoảng 10 triệu người trên khắp Mexico sống và kiếm sống từ rừng, với một nửa trong số đó là người thổ dân. Khi nhiệt độ trung bình tăng cao trên khắp thế giới và cháy rừng hoành hành khắp châu Mỹ, thì tại Mexico, nơi hơn 1/4 đất nước bị hạn hán, số vụ cháy rừng vẫn ổn định kể từ năm 2012.
Hơn một nửa diện tích rừng của Mexico nằm trong tay cộng đồng và người thổ dân. Theo các chuyên gia, điều này giúp lý giải khả năng kiểm soát các đám cháy rừng của Mexico.
Melchor Matías cho biết: “Có nhiều vụ cháy rừng hơn ở phía Nam bởi họ sở hữu nhiều tài sản tư nhân nhỏ. Họ không có khả năng giám sát rừng như chúng tôi”.
Các nghiên cứu cho thấy không chỉ các khu rừng do cộng đồng kiểm soát hấp thụ nhiều CO2 hơn so với các khu rừng do chính phủ hoặc tư nhân kiểm soát mà tỷ lệ phá rừng cũng thấp hơn. Chúng cũng chịu ít thiệt hại hơn khi hạn hán và giảm được đáng kể nguy cơ cháy rừng.
Công tác thanh tra rừng diễn ra thường xuyên. Melchor Matías cho biết: “Chúng tôi chưa bao giờ gặp vấn đề với việc khai thác gỗ trái phép”. Các khu rừng cộng đồng của Mexico thường có tỷ lệ phá rừng thậm chí còn thấp hơn các khu vực được bảo vệ của đất nước.
Ixtlán de Juárez rộng 19.000 ha bao gồm các đỉnh núi tuyết và rừng rậm. Hoạt động khai thác gỗ được quản lý chặt chẽ bởi doanh nghiệp lâm nghiệp cộng đồng của Ixtlán de Juárez. Hình mẫu thành công tương tự Ixtlán de Juárez đã xuất hiện trên khắp Mexico kể từ sau năm 1970. Các cộng đồng tận dụng cải cách và trợ cấp lâm nghiệp của nhà nước để tăng cường quyền kiểm soát của địa phương. Trong số hơn 21.000 cộng đồng sở hữu rừng ở Mexico, có khoảng 1.600 cộng đồng tham gia khai thác gỗ bền vững, chủ yếu ở miền Nam đất nước.
Đối với các doanh nghiệp lâm nghiệp như ở Ixtlán de Juárez, tối đa hóa lợi nhuận chưa bao giờ là mục tiêu chính. Nhà khoa học Guadalupe Pacheco-Aquino phân tích: “Mối quan tâm của họ là tạo việc làm. Lâm nghiệp đã góp phần giúp người dân thoát nghèo”. Tại bang nghèo thứ hai ở Mexico này, công việc ở nông thôn được trả lương tương đối cao như những lao động thuộc lâm nghiệp cộng đồng ở Ixtlán de Juárez là rất hiếm.
Đầu tư vào các công trình công cộng như đường sá, trường học và tạo thu nhập cho địa phương thông qua chia sẻ lợi nhuận là nhiệm vụ của các doanh nghiệp lâm nghiệp cộng đồng. Giáo sư David Bray tại Đại học Quốc tế Florida (Mỹ) phân tích: “Các doanh nghiệp này tham gia vào thị trường nhưng không theo định hướng thị trường. Họ thành công nhờ các chính sách ưu đãi của nhà nước, giá sản phẩm gỗ cao và ổn định cũng như trình độ quản lý cộng đồng công phu của họ”.
Một hội đồng cộng đồng chủ yếu là nam giới chỉ đạo việc khai thác gỗ của Ixtlán de Juárez cũng như một xưởng cưa và nhà máy sản xuất đồ nội thất. Đây là chức vụ được thừa kế, truyền từ cha sang con. Việc ra quyết định dựa trên phong tục người thổ dân, đặt lợi ích của nhóm lên trên cá nhân, coi trọng kiến thức của người lớn tuổi và ưu tiên đồng thuận. Các thành viên hội đồng đại diện cho tất cả các gia đình địa phương và tham gia vào các quyết định quan trọng.
Khó khăn kinh tế vẫn tồn tại ở Ixtlán de Juárez. Tuy nhiên, tỷ lệ nghèo cùng cực đã giảm hơn một nửa kể từ năm 2010.
Theo giáo sư Bray, do tính cấp bách của cuộc khủng hoảng khí hậu và mất đa dạng sinh học, kiểu quản lý lâm nghiệp này là ví dụ về kết quả tích cực của việc để người thổ dân và địa phương kiểm soát rừng. Ông Bray phân tích: “Khi cộng đồng bản địa và địa phương kiểm soát rừng của họ, con người và đất đai sẽ được hưởng lợi”.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị