Bị bóc lột sức lao động tàn nhẫn, hàng chục người đã trốn khỏi casino bơi về Việt Nam.
Sáng 19/8, Đồn biên phòng cửa khẩu Long Bình, Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang cho biết, qua rà soát, xác định 42 người cùng nhập cảnh trái phép. Trong đó, chốt số 21 bắt giữ 40 người; 2 người còn lại là Đỗ Mạnh H. (16 tuổi, ngụ TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) bơi sông Bình Di về bị mất tích, Nguyễn Tuấn H. (25 tuổi, ngụ TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) bị bảo vệ của casino Rich World bắt giữ lại.
Nhóm đối tượng bị bóc lột sức lao động tấn công bảo vệ để trốn chạy khỏi casino Ảnh: tienphong.vn
Khai thác nhanh nhóm người này khai nhận họ đều xuất cảnh trái phép ở khu vực biên giới các tỉnh phía Nam sang Campuchia và làm việc tại casino Rich World. Công việc hằng ngày là làm game online và lên các trang mạng dụ dỗ người đánh bạc theo sự chỉ đạo của chủ casino người Trung Quốc.
“Do làm việc quá thời gian quy định nhưng không được nghỉ ngơi và không được trả lương nên họ tìm cách vượt biên về Việt Nam. Vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, liên quan đến nhiều người và có dấu hiệu của tội phạm mua bán người”, văn bản của biên phòng nêu.
Sau khi nhảy xuống sông Bình Ghi để bơi về Việt Nam, cả nhóm có một người tên Đ.M.H. (sinh năm 2006, trú tại thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum) bị mất tích và một người tên N.T.N. (sinh năm 1997 trú tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai) bị bảo vệ của Casino Rich World bắt giữ trở lại.
Theo Chủ tịch UBND huyện An Phú, hiện sức khỏe của 40 người nói trên ổn định, ngành chức năng tỉnh An Giang đã lo chỗ ăn, ngủ cho họ. Các ngành chức năng của tỉnh An Giang đang hoàn tất các thủ tục để để đưa 40 người nói trên về địa phương.
Cũng theo Chủ tịch UBND huyện An Phú, hiện địa phương đã nắm được thông tin còn 11 người Việt Nam đang “mắc kẹt” tại Casino Rich World, thuộc ấp Chrey Thum, xã Sampeou Poun, huyện Kaoh Thom, tỉnh Kandal.
“Phía tỉnh An Giang đã có buổi làm việc với phía tỉnh Kandal (Campuchia) và hai bên đã trao đổi với nhau một số thông tin có liên quan đến vấn đề những người Việt Nam còn lại phía bên đó, nhưng số lượng chính xác bao nhiêu người thì chưa rõ” – Chủ tịch UBND huyện An Phú cho biết thêm.
Liên quan đến vụ việc này, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh cho biết, tỉnh đã có văn bản báo cáo Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao; đồng thời chỉ đạo Công an tỉnh phối hợp với ngành chức năng mở rộng điều tra vụ việc, khả năng có đường dây đưa lao động trái phép qua biên giới.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, trong số 42 lao động nói trên, chỉ có 3 người quê An Giang, số còn lại ở các tỉnh miền Trung, miền Bắc. Do đó, nhiều khả năng có đường dây tổ chức đưa lao động trái phép qua biên giới.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cũng chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng duy trì các chốt trực dọc tuyến biên giới An Giang – Campuchia, nhằm tăng cường tuần tra, kiểm tra chặt chẽ tuyến biên giới. Bên cạnh đó, các sở ngành, địa phương và các tổ chức đoàn thể xã hội phải tăng cường công tác truyền thông để người dân nắm rõ thủ đoạn, hành vi không bị sập bẫy nhóm lừa đảo.
Nguồn: hoanhap.vn