Bí ẩn sau tên gọi sông Hồng là Nhĩ Hà và phong thủy về khúc sông cong

Bí ẩn tên gọi sông Hồng là Nhĩ Hà và phong thủy Hà Nội

Sông Hồng đoạn chảy qua Việt Nam bắt nguồn từ Lào Cai, chảy qua các tỉnh, TP. Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định và đổ ra Biển Đông ở cửa Ba Lạt, giữa một bên là Cồn Vành của tỉnh Thái Bình và một bên là Vườn Quốc gia Xuân Thủy, tỉnh Nam Định. Đoạn chảy trên lãnh thổ Trung Quốc gọi là Nguyên Giang (đoạn đầu nguồn có tên là Lễ Xã Giang).

Sở dĩ có tên gọi là sông Hồng là do dòng nước chở nhiều phù sa nên sông quanh năm có màu đỏ nhạt. Sông Hồng còn có tên gọi khác là sông Cái, Phú Lương, Bạch Hạc, Tam Đới, Đại Hoàng, Xích Đằng, Hoàng Giang, Lô Giang, đoạn từ Lào Cai đến ngã ba Bạch Hạc ở Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) gọi là sông Thao. Đặc biệt, đoạn chảy qua TP. Hà Nội còn gọi là Nhị Hà. Có người nói, “nhị” theo tiếng Hán là hai, thứ hai, vậy Nhị Hà là hai con sông hay con sông thứ hai sao? Thực ra thì không phải như thế.

Theo các nhà nghiên cứu, Nhị Hà là do đọc chệch từ chữ Nhĩ Hà mà ra. Còn sở dĩ có tên Nhĩ Hà là bởi vì đoạn sông chảy qua Hà Nội uốn cong trông giống cái vành tai (tiếng Hán nhĩ là tai). Có người nói đoạn sông trông giống cái vành tai ấy gồm từ ngã ba Hạc ở Việt Trì trở xuống, lại có người nói gồm toàn bộ đoạn sông chảy qua Hà Nội. Nhưng theo chúng tôi thì không phải thế, mà đoạn vành tai này của sông Hồng qua Hà Nội chỉ gồm khúc sông bao lấy khu vực nội thành của Hà Nội mà thôi. Cụ thể, đoạn sông cong này bắt đầu từ Liên Mạc, gần Đền Mẫu Chèm, cảng Liên Mạc, phía trên cầu Thăng Long, huyện Bắc Từ Liêm phía thượng lưu, đến điểm phía hạ lưu tại xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, gần trạm bơm Đông Mỹ, chùa Kim Cương.

Khúc sông này có vòng ngoài hướng ra phía Long Biên, nhưng ở đoạn cầu Vĩnh Tuy lại hơi lõm vào phía nội thành nên trông càng giống cái vành tai và ôm trọn lấy toàn bộ vùng nội thành. Không phải ngẫu nhiên mà khi dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, vua Lý Thái Tổ lại chọn đúng vùng đất này “làm kế cho con cháu muôn vạn đời”. Trong Chiếu dời đô, nhà vua đã chỉ rõ vùng đất này “ở vào nơi trung tâm trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa Nam Bắc Đông Tây, tiện nghi núi sông sau trước”. Hổ ngồi là dãy Ba Vì với đỉnh Tản Viên sơn Thánh nổi tiếng linh thiêng, còn rồng cuộn chính là dòng sông Hồng uốn lượn quanh co, và đây cũng chính là “núi sông sau trước”. Ở địa thế này, Thăng Long – Hà Nội sẽ tựa lưng vào Ba Vì và mặt hướng ra sông Hồng, ở tầm nhìn rộng hơn là hướng ra biển Đông. Thế đất này có ý nghĩa vô cùng quan trọng cả về điều kiện tự nhiên và phong thủy, đặc biệt là với khúc sông Hồng uốn cong bao bọc lấy nội đô này.

Đô thị nằm kề cận sông sẽ thuận tiện cho việc đi lại, bởi vì ngày trước giao thông thủy là phương tiện vận chuyển quan trọng hàng đầu. Đặc biệt về quân sự, sông ngòi thường được sử dụng triệt để làm vật chướng ngại cản bước tiến của đối phương. Các thành lũy ngày trước bên ngoài bức tường thành cao sừng sững, thường đào hào nước sâu xung quanh để ngăn cản kẻ địch. Vì vậy, cùng với sông Đuống ở phía trên, sông Hồng được coi là hào nước khổng lồ tự nhiên, là phòng tuyến tiếp theo để bảo vệ kinh thành Thăng Long, nhất là thời trước nước ta thường bị kẻ thù phương Bắc sang xâm lược.

Đặc biệt, khúc sông hình vành tai ôm lấy kinh thành này tạo thế phong thủy rất tốt cho Hà Nội.

Các nhà phong thủy khi đi chọn đất thường sử dụng long cục thủy pháp để tìm huyệt vị. Đây là trường phái phong thủy hình thế, tức là dựa vào hình dạng và thế sông núi, địa hình để xác định tính chất cát hung của vùng đất. Phương pháp long cục thủy pháp dựa vào ba yếu tố chính là thủy đầu (nơi nước chảy vào), thủy khẩu (nơi nước chảy ra, quan trọng nhất) và long nhập thủ (hình thức và phương vị long mạch nhập huyệt), từ đó tìm ra huyệt vị và hướng tốt.

Khí là bản chất của phong thủy. Nguyên lý của khí là gặp gió thì tán, gặp nước thì dừng. Vì vậy, nơi đất tốt phải là nơi có nước để tụ khí. Khí muốn tác động đến vạn vật thì phải lưu chuyển, muốn vậy thì có nước rồi nhưng nước lại không được tù hãm. Tuy nhiên, nếu nước lưu chuyển mạnh, chảy siết thì khí chỉ có đi mà không tụ được, ngược lại còn sinh ra sát khí không có lợi. Do đó, muốn tụ khí kết huyệt thì phải có thủy uốn lượn mềm mại. Vì vậy, một thế đất điển hình theo long cục thủy pháp thường là chỗ uốn khúc của dòng sông, ôm lấy núi non phía sau là nơi khởi nguồn của long mạch. Khúc sông uốn lượn cong theo hình cánh cung, dẫn khí cuộn lại mà kết thành huyệt. Vì vậy huyệt vị thường sẽ nằm phía trong cánh cung đó.

Phong thủy Hà Nội có rất nhiều điều đáng nói, nhưng riêng về thủy thì cái thế đắc địa của chốn kinh đô chính là nằm ở cái khúc sông cong cong hình vành tai này. Sử dụng long cục thủy pháp, xác định được thủy khẩu chính là điểm cuối của “vành tai”, tức chùa Kim Cương, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì (gần trạm bơm Đông Mỹ). Nếu dòng chảy của khúc sông thẳng, nước chảy siết, khí trong long mạch sẽ chỉ lưu chuyển qua, không tụ lại mà đi mất. Nếu khúc sông hình vòng cung, sẽ có tụ khí nhưng chỉ tụ được một phần, còn một phần vẫn tán đi mất. Riêng khúc sông hình vành tai uốn lượn như dải lụa, tạo thế thủy thành, khúc cuối như cái dái tai có hình thế long hồi đầu, khí cuộn lại mà kết huyệt về phía nội thành. Tiền nhân chọn vùng đất này để định kế muôn đời chính là vì lẽ ấy.

Nguyên lý bên lở bên bồi trong phong thủy

Cũng là khúc sông cong, nhưng vùng đất hai bên tính chất lại hoàn toàn trái ngược nhau. Nếu vùng đất phía vòng trong được dòng nước bao bọc, ôm ấp tụ sinh khí kết huyệt thì vùng đất phía vòng ngoài lại phải chịu dòng khí quá mạnh, tạo thành sát khí lại không có lợi. Điều bất lợi này còn đến từ điều kiện tự nhiên của dòng chảy con sông. Theo lý thuyết thủy động học, dòng chảy đến khúc sông cong sẽ chảy mạnh và thúc thẳng vào bờ phía vòng ngoài gây sạt lở đất. Sau đó, dòng chảy sẽ cuộn lại, mang một phần đất ở bờ ngoài lở xuống lắng về phía bờ trong, sinh ra bên bồi và bên lở (bên lở là bờ phía vòng ngoài và bên bồi là bờ phía vòng trong). Hiện tượng “bồi” và “lở” đó chính là hình ảnh cụ thể hóa cho sự hình thành sinh khí và sát khí ở hai bên bờ sông. Chính vì vậy, cha ông ta đã đúc kết trong câu tục ngữ “bồi ở, lở đi”, khuyên người ta chọn nơi đất bồi để ở và nơi đất lở thì phải dời đi để tránh hiểm họa.

Trong thực tế, những năm nước sông Hồng dâng cao, một số đoạn bờ sông bên phía Gia Lâm thường bị sạt lở, một số nơi đã phải di dời dân để tránh nguy hiểm. Ngược lại, bờ sông phía nội thành không những không bị lở mà còn được bồi đắp thành bãi, người dân một số nơi tranh thủ mùa nước cạn khai hoang đất trồng rau, thậm chí nhiều gia đình còn cắm kè, đổ đất lấn chiếm dần ra lòng sông. Duy chỉ có đoạn ở đầu cầu Vĩnh Tuy dòng sông hơi cong vào phía nội thành nên lòng sông nơi này khá sâu, chính vì vậy từ thời xưa đã kè bờ tránh sạt lở và lợi dụng xây dựng bến cảng Hà Nội ngày nay.

Cũng chính vì ở bên lở nên vùng đất bờ sông phía Gia Lâm trước đây không phát triển, thậm chí còn để hoang hóa. Bài đồng dao “Nhong nhong ngựa ông đã về/ Cắt cỏ Bồ Đề cho ngựa ông ăn” phần nào đã phản ánh thực trạng đó. Thậm chí lui về phía Nam vào đất Hưng Yên, trước đây còn là vùng đầm lầy, lau sậy mọc um tùm. Dó đó, Triệu Quang Phục mới chọn làm căn cứ khởi nghĩa chống lại ách đô hộ của nhà Lương vào thế kỷ thứ VI và hơn nghìn năm sau, Nguyễn Thiện Thuật cũng chọn nơi đây làm căn cứ cho cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy hưởng ứng phong trào Cần Vương cuối thế kỷ XIX.

Khúc sông uốn lượn hình vành tai chỉ là một đoạn ngắn, nhưng cái tên Nhĩ Hà (hay Nhị Hà) lại được chọn để đặt tên cho cả con sông sau ngã ba Bạch Hạc ở Việt Trì chính là vì tính chất phong thủy quan trọng như thế, chứ không phải là ngẫu nhiên hay tùy hứng của người xưa. Cao Biền là người rất giỏi về phong thủy cũng đã nhìn ra vị trí đắc địa của vùng đất nơi khúc sông vành tai này nên đã chọn nơi đây xây dựng thành Đại La khi làm Tiết độ sứ Giao Chỉ.

Về phong thủy của Hà Nội thì có rất nhiều điều tài tình để phân tích. Tuy nhiên, bài này với mục đích nhấn mạnh ý nghĩa phong thủy của khúc sông cong nên chỉ đi sâu vào việc phân tích hình dạng vành tai của đoạn sông Hồng chảy qua Hà Nội. Từ đó, nếu ai tinh ý để ý trên bản đồ sẽ thấy một điều kỳ lạ là hầu hết các đô thị ở miền Bắc hay miền Trung đều dựa vào các dòng sông và địa điểm thường là ở vào bờ trong của khúc sông cong. Còn những đô thị hay vùng đất ở phía bờ ngoài đều có những khiếm khuyết của nó mà nếu đi sâu phân tích sẽ thấy được những điều rất thú vị. Ví dụ như TP. Yên Bái, Hòa Bình, Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định hay lui vào miền Trung như Thanh Hóa, Vinh, Đồng Hới và đặc biệt là kinh thành cố đô Huế đều nằm về bên bồi. Duy chỉ có TP. Việt Trì, Thái Bình và Ninh Bình là làm ngược lại, xây dựng về phía bên lở. Riêng hai vùng đất Sơn Tây, Đường Lâm và Vĩnh Tường nằm về hai bên bồi – lở đã tạo nên hai sự phát triển khác hẳn nhau… Tính chất phong thủy của những đô thị này và hệ quả của nó chúng tôi sẽ xin trao đổi vào dịp thuận tiện.

Để kết thúc bài viết này, chúng tôi chỉ nói thêm một điều là, vùng đất phía tả ngạn sông Hồng bên phía Gia Lâm nằm ở bên lở nên bất lợi về phong thủy là đặt trong hoàn cảnh, điều kiện trước đây. Còn ngày nay, điều kiện tự nhiên đã thay đổi nên tính chất phong thủy cũng biến đổi theo. Cụ thể, do sông Hồng được trị thủy, nên vào mùa mưa nước sông cũng không còn dâng cao như trước nên tình trạng sạt lở cũng hầu như được giảm hẳn, vì vậy mà không còn sát khí như trước. Mặt khác, một loạt cây cầu hiện đại được xây dựng (Chương Dương, Nhật Tân, Thăng Long, Vĩnh Tuy, Thanh Trì) nối liền hai bờ sông nên tạo sự giao hòa khí giữa hai bờ, vì vậy mà sinh khí từ hữu ngạn đã tràn sang phía Gia Lâm nên vùng đất này gần đây đã phát triển rất nhanh và là vùng đất tốt chứ không còn tính chất hung như trước nữa./.

Nguồn: Realtimes.vn
Bạn cũng có thể thích