Bí ẩn bộ ba tháp Chăm hơn nghìn tuổi ở Quảng Nam
Tháp Khương Mỹ là một trong những di tích văn hóa Chăm pa còn sót lại ở Quảng Nam bên cạnh Thánh địa Mỹ Sơn, Chiên Đàn. Nơi đây còn nhiều bí ẩn “thách thức” các nhà nghiên cứu.
Di tích tháp Khương Mỹ thuộc xã Tam Xuân 1 (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) được xây dựng vào cuối thế kỷ 9 đầu thế kỷ 10 bao gồm ba tháp: tháp Bắc, tháp Giữa và tháp Nam.
Cụm tháp này được công nhận là Di tích quốc gia vào năm 1989.
Di tích tháp chăm Khương Mỹ gần quốc lộ 1A, cách thành phố Tam Kỳ 2km về hướng Tây Nam. |
Ít nổi tiếng trên bản đồ du lịch hơn tháp Mỹ Sơn (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam), cụm tháp Khương Mỹ lại hấp dẫn giới nghiên cứu khảo cổ.
Hơn nghìn năm tuổi, cụm tháp Khương Mỹ trải qua bao cuộc chiến tranh, mưa bão nhưng vẫn vững vàng, nguyên vẹn.
Ba tháp được sắp xếp theo trục Bắc – Nam, một kiểu tháp Chăm truyền thống với mặt bằng gần vuông, cửa ra vào ở hướng Đông, mái tháp gồm 3 tầng, tầng trên là hình ảnh thu nhỏ của tầng dưới, trên cùng có chóp tháp bằng sa thạch.
Mỗi tháp có một cửa ra vào và 5 cửa giả. Vòm cuốn trên các cửa uốn hình vòng cung, trang trí hoa văn thảo mộc cách điệu, đầu lá uốn cong xoắn xuýt, lá xếp thành nhiều tầng, thu nhỏ dần lên trên, phần đỉnh của mỗi vòm cuốn là một tổ hợp cành lá uốn thành hình lá bồ đề.
Hình lá bồ đề cách điệu như ngọn lửa trên cửa chính và các cửa giả. |
Trên mỗi mặt tường có 5 trụ ốp tường trang trí hoa văn thảo mộc cuộn thành những chữ S nối tiếp nhau, xen kẽ với các mảng tường trang trí hình thoi nối tiếp nhau từ chân đến đỉnh tường.
Thân và chân tháp được ốp nhiều phù điêu có hình chim thần Garuda, rắn Naga, người cưỡi voi, cưỡi ngựa, khỉ, phần nào liên quan đến trường ca Ramayana – một sử thi nổi tiếng của Ấn Độ mang đậm dấu ấn Bà La Môn giáo, truyền thống văn hóa có ảnh hưởng đến người Chăm.
Mỗi tháp có một cửa ra vào và 5 cửa giả. |
Khác với những tháp Chăm từ Bình Định trở vào phía nam thường có những họa tiết điêu khắc sắc sảo, tháp Khương Mỹ được trang trí với hoa văn mềm mại.
Di tích Chăm Khương Mỹ vẫn là câu đố bí ẩn: người Chăm cổ đã xây dựng nên những tòa tháp này bằng cách nào?
Gạch xây là chất liệu duy nhất tính bằng đơn vị dùng để xây tháp. Chưa ai lý giải được vì sao chất liệu này lại có độ bền, chịu được va đập mà các loại gạch thông thường hiện nay không đạt được.
Khi tạt nước vào một mặt bất kỳ của viên gạch Chăm thì các mặt còn lại thoát nước ra gần hết, điều này không xảy ra đối với gạch xây dựng thông thường.
Trên mỗi mặt tường có 5 trụ ốp tường trang trí hoa văn thảo mộc cuộn thành những chữ S nối tiếp nhau. |
Các tháp Chăm cao sừng sững nhưng dáng dấp thanh thoát, chỉ khi đến gần người ta mới thấy hết được vẻ đồ sộ của nó. Tháp hầu như là một khối đặc vì khoảng trống bên trong hầu như không đáng kể.
Phần bên trong của đa số các tháp chỉ vừa đủ chỗ cho một người hành lễ. Một số tháp lớn thì bên trong cũng chỉ có một khoảng trống vừa đủ để người hành lễ đi một vòng quanh tượng thần.
Với chất liệu gạch và kiểu kiến trúc như thế chắc chắn sức nặng dồn lên nền móng là rất lớn. Thế nhưng các nhà kiến trúc Chăm đã xử lý móng để giữ tháp đứng vững qua hàng trăm năm, không có biểu hiện sự cố nghiêng lún.
Cụm tháp Khương Mỹ cũng chứa nhiều hiện vật khảo cổ, tuy nhiên hầu hết đều đang được trưng bày ở Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Với những hiện vật còn lưu giữ, được khai quật, các nhà nghiên cứu xếp cụm tháp Khương Mỹ vào một phong cách riêng: Phong cách Khương Mỹ đầu thế kỷ 10.
Các nhà nghiên cứu xếp cụm tháp Khương Mỹ vào một phong cách riêng: Phong cách Khương Mỹ đầu thế kỷ 10. |
Nguồn: Báo xây dựng