Bhutan, quốc gia duy nhất có khí thải CO2 âm
Bhutan, quốc gia duy nhất có khí thải CO2 âm
Theo dõi MTĐT trên
Nằm ẩn mình bên dãy núi Himalaya hùng vĩ, Bhutan không chỉ thải ra lượng carbon (CO2) rất thấp mà còn hút được số CO2 cao gấp 3-4 lần so với lượng thải ra.
Bhutan được đánh giá là một trong những quốc gia xanh nhất hành tinh, với diện tích rừng xanh bao phủ khoảng 70% lãnh thổ. Vương quốc nhỏ bé và xinh đẹp ở Nam Á này có dân số khoảng 750.000 người.
Bhutan có nền nông nghiệp tự cung, tự cấp vì người dân chủ yếu làm nông nghiệp, chỉ một số ít làm các nghề thủ công mỹ nghệ. Toàn bộ đất nước thải ra từ 2,2-2,5 triệu tấn khí CO2 mỗi năm nhưng các khu rừng tại đây lại hấp thụ gấp 3-4 lần lượng khí thải này. Như vậy, Bhutan còn hấp thu “hộ” khoảng 4 triệu tấn CO2 của các nước xung quanh.
Lý giải về thành công của Bhutan trong việc giảm lượng khí thải carbon, nhật báo Les Echos cho biết trong khi các nước chật vật với việc làm thế nào để giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, Bhutan là một trong ba quốc gia duy nhất trên hành tinh có thể tự hào về việc đáp ứng các cam kết về môi trường, cho phép vương quốc nhỏ bé ở dãy Himalaya này có mức cân bằng carbon âm.
Trên thế giới chỉ có 3 quốc gia có thể tự hào về kỷ lục như vậy, đó là Panama, Suriname và Bhutan. Ba quốc gia này hiện hấp thụ nhiều khí nhà kính hơn là thải ra.
Đối mặt với tình trạng nóng lên toàn cầu cùng một loạt các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra và mặc dù du lịch là hoạt động công nghiệp hàng đầu của đất nước, nhưng chính quyền đã đưa ra một quyết định triệt để khi mở cửa lại biên giới cho khách du lịch nước ngoài vào tháng chín vừa qua: tăng gấp ba số tiền thuế “phát triển bền vững” áp dụng cho bất kỳ ai muốn thăm Bhutan.
Từ 65 USD, giờ thuế này đã tăng lên đến 200 USD/đêm, một cách để khiến khách du lịch phải đóng góp vào nỗ lực bảo vệ môi trường. Lý giải với báo giới về quyết định này, Bộ trưởng Bộ kinh tế Bhutan khẳng định: “Bảo vệ môi trường lâu dài quan trọng hơn lợi nhuận kinh tế trước mắt.”
Juergen Nagler – thuộc Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) cho biết, Bhutan là quốc gia duy nhất trên thế giới đưa việc bảo vệ môi trường vào hiến pháp, quy định ít nhất 60% lãnh thổ Bhutan phải trồng cây. Chính điều này cũng khiến Bhutan trở thành một trong số ít nơi trên thế giới có đa dạng sinh học rất lớn trên hành tinh.
Ngoài ra, việc xuất khẩu bị nghiêm cấm từ năm 1999. Mặc dù lượng khí thải CO2 được dự đoán tăng lên gấp đôi vào năm 2040 do tăng các hoạt động khai thác thủy điện nhưng với diện tích rừng bao phủ như hiện nay, lượng CO2 tại Bhutan vẫn duy trì mức âm.
Tại hội nghị Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu ở Copenhagen, Đan Mạch vào năm 2009, Thủ tướng Bhutan Tshering Tobgay có lời biểu ấn tượng: “Đất nước hạnh phúc nhất thế giới không chỉ là quốc gia cân bằng khí thải mà là không phát thải”.
Bhutan đang trên hành trình phát triển xanh và các bon thấp với các sáng kiến của chính phủ về nền nông nghiệp 100% hữu cơ vào năm 2020 và không có chất thải vào năm 2030. Bhutan có chính sách đầu tư đặc biệt vào xe điện, các loại phương tiện sạch để bảo vệ môi trường.
Một giải pháp khác giải thích sự cân bằng carbon âm ở nước này, đó là phương thức sản xuất năng lượng. Bhutan đã tạo ra điện bằng cách sử dụng thủy điện. Theo Ngân hàng phát triển châu Á, thủy điện chiếm 32,4% kim ngạch xuất khẩu và 8% GDP của đất nước.
Chỉ với hơn 800.000 dân, Bhutan thực sự là “quốc gia mẫu mực” về nỗ lực giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Bhutan đã làm được điều mà không quốc gia nào khác có thể đạt được. Quốc gia có lượng khí thải carbon âm này đã cho chúng ta thấy cách chúng ta có thể giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu bằng lòng trắc ẩn, sự cam kết và sự sáng tạo và vươn lên dẫn đầu.
Thiên Bảo (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị