Bếp không khói hướng tới tương lai xanh hơn của Kenya
Bếp không khói hướng tới tương lai xanh hơn của Kenya
Anh Philip Kolil, hiện làm việc tại Đại học Moi ở hạt Uasin Gishu (Kenya), chọn vài mảnh gỗ nhỏ và cho chúng vào bếp nấu trước khi lấy que diêm và nhóm lửa
Anh Kolil đã tạo ra loại bếp không khói này vào năm 2017 và đã được Viện Sở hữu công nghiệp Kenya cấp bằng sáng chế. Trong một cuộc phỏng vấn với Tân Hoa xã, anh Kolil giải thích rằng bếp không chỉ sử dụng dăm gỗ mà còn sử dụng hơi nước được tạo ra bởi nước đựng trong một ngăn của bếp. “Khi tôi đốt dăm gỗ, nhiệt sinh ra sẽ làm nóng nước, tạo ra hơi nước hấp thụ khói từ dăm gỗ, giữ cho bếp nấu không có khói.
“Bếp của tôi cần một ít dăm gỗ và 1,8 lít nước để nấu trong tối đa 3 giờ”, anh Kolil chia sẻ. Hiện anh sản xuất những chiếc bếp nhỏ theo yêu cầu và bán cho các hộ gia đình với giá 3.000 shilling Kenya mỗi chiếc và hợp tác với các tổ chức để sản xuất những chiếc lớn hơn cho họ. Anh đang hy vọng sẽ có một nhà sản xuất nào đó có thể hỗ trợ anh sản xuất hàng loạt bếp nấu để góp phần giảm thiểu ô nhiễm không khí ở Kenya.
Bếp không khói đang dần trở nên phổ biến trong các hộ gia đình ở Kenya, cũng như các cơ sở nhà nước khác như bệnh viện và trường học. Đây là một trong những giải pháp cho vấn đề ô nhiễm không khí trong nhà ở quốc gia Đông Phi này do phụ thuộc quá nhiều vào nhiên liệu sinh khối-một loại nhiên liệu được sản xuất từ các nguồn tài nguyên sinh học.
Bộ Năng lượng và Dầu khí Kenya cho biết, theo một nghiên cứu năm 2021, việc phụ thuộc quá nhiều vào nhiên liệu sinh khối, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, nơi có hơn 70% hộ gia đình sử dụng củi, không chỉ dẫn đến sự gia tăng các bệnh về đường hô hấp do chất lượng không khí trong nhà kém mà còn làm gia tăng nạn phá rừng. Viện Nghiên cứu Y tế Kenya ước tính có 23.000 người dân nước này tử vong hằng năm do ô nhiễm không khí trong nhà phát sinh từ việc sử dụng củi và chất thải từ quá trình trồng trọt. Chính phủ Kenya đang nỗ lực để đạt mục tiêu phổ cập tiếp cận nấu ăn bằng năng lượng sạch vào năm 2028.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị