Bệnh viện Bạch Mai xin dừng thí điểm tự chủ toàn diện, đề xuất tự bảo đảm chi thường xuyên
Bệnh viện Bạch Mai xin dừng thí điểm tự chủ toàn diện, đề xuất tự bảo đảm chi thường xuyên
Ngày 18/8, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã thăm và làm việc với Bệnh viện Bạch Mai. Tại buổi làm việc, Bệnh viện Bạch Mai đề xuất xin dừng thí điểm tự chủ toàn diện, đề xuất thực hiện theo hướng đơn vị sự nghiệp công, tự bảo đảm chi thường xuyên.
Theo Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ, chưa nên thực hiện tự chủ ở các bệnh viện tuyến cuối, vì đây là bệnh viện đầu ngành, nơi điều trị bệnh nhân trong cả nước. Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định hiện hành của Bộ Y tế mới tính trên cơ sở 4/7 yếu tố cấu thành giá. Nếu tự chủ, mức giá phí dịch vụ sẽ điều chỉnh tăng, sẽ gây khó khăn cho bệnh nhân nghèo.
Ông Đào Xuân Cơ cho biết, khi Bệnh viện Bạch Mai triển khai thí điểm tự chủ đúng lúc dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Do đó, nguồn thu của bệnh viện giảm sâu, việc trích lập quỹ, phân bổ tài chính bệnh viện theo tỷ lệ cố định của các văn bản hiện hành, ảnh hưởng đến sự chủ động về nguồn đầu tư, mua sắm…
Dịch COVID-19 khiến nguồn thu của bệnh viện giảm khoảng 4.000 tỷ đồng trong hai năm 2020-2021 so với năm 2019. Bệnh viện không được thực hiện quyền tự chủ về giá khám bệnh theo yêu cầu; chưa đủ cơ sở để tính đúng, tính đủ để thực hiện được việc xác định quỹ lương trên doanh thu hoặc quỹ lương khoán trong chi phí hợp lệ để tính thuế thu nhập.
Ông Đào Xuân Cơ kiến nghị: Bộ Y tế có ý kiến với các cơ quan có thẩm quyền để tìm phương án tháo gỡ cho phép sử dụng các máy xã hội hoá, liên doanh liên kết để kịp thời phục vụ người bệnh; xây dựng phương án khả thi tháo gỡ vướng mắc trong công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư trang thiết bị y tế. Ngoài ra, Bệnh viện Bạch Mai đề xuất Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính… xây dựng chính sách đãi ngộ đặc thù như phụ cấp thâm niên nghề y, phụ cấp thu hút… đối với cán bộ nhân viên y tế để giảm chuyển dịch nhân lực chất lượng cao, có kinh nghiệm từ lĩnh vực công sang lĩnh vực tư…
Trong thời gian chờ Bộ Y tế ban hành khung giá dịch vụ theo yêu cầu, Bệnh viện Bạch Mai kiến nghị cho phép áp dụng giá tương đương theo khung trần giá dịch vụ theo yêu cầu của một số đơn vị đồng hạng trong ngành (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội…).
Tại buổi làm việc, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đề nghị các vụ, cục của Bộ Y tế tiếp thu kiến nghị từ thực tiễn hoạt động của Bệnh viện Bạch Mai, đặc biệt đối với những vấn đề liên quan đến đầu thầu thuốc, tự chủ nhân lực, giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu…và chế độ đãi ngộ với y, bác sỹ.
Liên quan đến vấn đề phụ cấp ưu đãi nghề, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, nhân viên y tế, lương đặc thù cho y bác sỹ, Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết: Bộ Y tế đã kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng xem xét, ban hành Nghị quyết nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong việc mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư, trang thiết bị và cho phép ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2011/NĐ-CP quy định chế độ phụ cấp, ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại cơ sở y tế công lập theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Về vấn đề tự chủ, Quyền Bộ Trưởng Đào Hồng Lan thông tin: Với tinh thần Nghị quyết do Chính phủ giao, bệnh viện muốn chuyển sang hình thức nào (tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết 33 hay thực hiện theo Nghị định 60), Bộ Y tế đều phải có tổng hợp để báo cáo Chính phủ. Đối với các vướng mắc liên quan cơ chế tài chính, Bệnh viện Bạch Mai cần có báo cáo, phân tích vướng mắc khi thực hiện Nghị quyết 33; cần thêm hướng dẫn chi tiết như thế nào nếu đề xuất chuyển sang thực hiện theo Nghị định 60. Từ đó, Bộ Y tế sẽ báo cáo Chính phủ để có định hướng triển khai thực hiện./.
Duy Anh (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị