Bến Tre tuyên truyền về chống khai thác hải sản

Bến Tre tuyên truyền về chống khai thác hải sản

Dương Diễm –  Thứ năm, 20/10/2022 11:16 (GMT+7)

Mới đây, Sở NN&PTNT phối hợp với Phòng NN&PTNT và Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre đã trao tặng vở nhằm tuyên truyền về chống khai thác hải sản bất hợp pháp cho học sinh Trường THCS An Thủy, THCS Bảo Thạnh.

tm-img-alt
Ảnh minh họa

Chiều ngày 19/10, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Phòng NN&PTNT và Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre đã trao tặng vở nhằm tuyên truyền về chống khai thác hải sản bất hợp pháp cho học sinh Trường THCS An Thủy, THCS Bảo Thạnh.

Cụ thể, học sinh Trường THCS An Thủy, THCS Bảo Thạnh mỗi trường nhận 1000 quyển vở. Đây là quà tặng của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam tặng cho học sinh là con em ngư dân, nhằm tuyên truyền sâu rộng và nâng cao nhận thức của ngư dân về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). Từ đó, nâng cao trách nhiệm của chủ tàu khi tham gia khai thác thủy sản trên biển.

Phát biểu tại sự kiện, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản thuộc Sở NN&PTNT Bến Tre, ông ông Huỳnh Văn Cung cho rằng, sản phẩm khi tham gia xuất khẩu vào thị trường châu Âu đòi hỏi phải tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt. Đối với mặt hàng thủy sản đòi hỏi phải có nhật ký đánh bắt thể hiện vùng khai thác, xuất xứ, truy xuất nguồn gốc… đảm bảo đúng theo quy định quốc tế. Nếu không thể hiện đúng thì được xem là vi phạm, bất hợp pháp và bị cảnh báo thẻ vàng, nặng hơn là thẻ đỏ xem như không xuất khẩu vào được thị trường châu Âu.

Quyển vở của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam tặng cho học sinh có ghi 10 nội dung “Mỗi chủ tàu cá và ngư dân ra khơi cần ghi nhớ thực hiện” để học sinh biết và tuyên truyền cho người thân khai thác đúng theo quy định để được gỡ thẻ vàng, góp phần cho nghề khai thác bền vững, đời sống ngư dân được nâng lên.

Hiệu trưởng hai trường THCS An Thủy và Bảo Thạnh cho biết, nhà trường sẽ chỉ đạo giáo viên tích hợp nội dung bảo vệ biển đảo, trong đó có khai thác thủy sản đúng quy định vào môn học, góp phần nâng cao nhận thức cho học sinh và tạo sự lan tỏa đến người thân trong gia đình.

Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, thực hiện kế hoạch hành động quốc gia về IUU và khắc phục “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với Việt Nam. Đồng thời, hướng đến xây dựng nghề cá bền vững, đơn vị này cùng Tổng cục Thủy sản đã triển khai kế hoạch hành động khắc phục “thẻ vàng” hải sản.

Theo đó, chủ tàu và ngư dân ra khơi khai thác hải sản phải tuân thủ những quy định tối thiểu, gồm phải có giấy phép khai thác; phải treo cờ Việt Nam khi hoạt động; không sử dụng nghề, ngư cụ khai thác bị cấm; không vi phạm về khai thác IUU; tham gia cứu hộ, bảo vệ chủ quyền và an ninh trên biển.

VASEP cho biết, đối với tàu từ 12 mét trở lên phải ghi nhật ký khai thác và nộp theo quy định; tàu từ 15 mét trở lên phải lắp thiết bị giám sát hành trình theo quy định và thiết bị phải hoạt động liên tục 24/24 giờ sau khi rời cảng và được kết nối với hệ thống giám sát tàu cá tại Trung ương và 28 địa phương ven biển. Thiết bị tự động truyền (dữ liệu) qua hệ thống vệ tinh tối thiểu 2 giờ/lần đối với tàu 24 mét trở lên và 3 giờ/lần với các tàu từ 15 đến 24 mét qua vệ tinh, thông tin di động GSM hoặc thông tin mặt đất.

Theo VASEP, dữ liệu giám sát tàu cá được sử dụng làm căn cứ xử phạt, xử lý tranh chấp trên biển, cho nên, thiết bị phải lưu trữ được số lượng vị trí tối thiểu theo chuyến biển để hỗ trợ giải quyết.

Phải thực hiện thông báo cho cảng cá ít nhất 1 giờ trước khi tàu cập cảng; tàu khai thác ngoài vùng biển Việt Nam phải có mã số của Tổ chức Hàng hải quốc tế và có văn bản chấp thuận hoặc giấy phép của Tổng cục thủy sản.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích