Bến Tre: Chủ động nhưng vẫn thiệt hại do hạn mặn

Bến Tre: Chủ động nhưng vẫn thiệt hại do hạn mặn

Tại một số khu vực trên địa bàn tỉnh, tình hình xâm nhập mặn rất đáng lo ngại. Nhiều diện tích cây ăn quả đặc sản của người dân đang thiếu nước tưới nghiêm trọng, có nguy cơ bị thiệt hại nặng.

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre, xâm nhập mặn mùa khô 2022 – 2023 đến sớm hơn trung bình nhiều năm.

Từ nửa cuối tháng 12/2022, mặn đã bắt đầu xâm nhập vào khu vực gần cửa sông; xâm nhập mặn sâu nhất ở mức xấp xỉ mùa khô 2020 – 2021. Tuy nhiên, tình hình xâm nhập mặn có thể diễn biến phức tạp phụ thuộc vào lượng nước điều tiết từ khu vực thượng nguồn, lượng mưa trong khu vực và hoạt động của gió mùa Đông Bắc. Do đó, xâm nhập mặn có khả năng tăng bất thường.

tm-img-alt

Xâm nhập mặn có khả năng tăng bất thường.

Tại khu vực cấp nước số 2 thuộc Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh gồm các xã trên địa bàn huyện Giồng Trôm, Lương Phú, Châu Hòa, Châu Bình, Bình Thành, nguồn nước cấp đã nhiễm mặn. Cá biệt tại xã Lương Phú, độ mặn lên 3,6 ppt (phần nghìn), người dân rất khó khăn trong việc sử dụng nước sinh hoạt. Để đáp ứng kịp thời nhu cầu nước ngọt thiết yếu cho người dân, Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh đang trong đợt bơm nước ngọt thô vào nhà máy nước Lương Phú, cung cấp nước chủ yếu cho xã Lương Phú và một phần xã Thuận Điền.

Trên cơ sở các giải pháp mà Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã triển khai và thực hiện thành công từ thực tế trong mùa khô 2021 – 2022. Từ cuối năm 2022, Trung tâm đã xây dựng 3 kịch bản ứng phó mặn cho mùa khô 2022 – 2023. Với mức độ nhiễm mặn hiện tại, lãnh đạo Trung tâm cho biết đang triển khai các giải pháp theo kịch bản 3 (tiến hành thuê sà lan chở nước ngọt thô từ thượng nguồn nơi có độ mặn dưới 0,2 ppt về bơm, cấp cho các nhà máy nước xử lý và có điều chỉnh cho phù hợp tình hình, không gây lãng phí).

Song song với giải pháp chuyển nước ngọt bằng sà lan, Trung tâm cũng vận hành hệ thống lọc nước RO cấp nước tập trung tại các nhà máy nhằm đáp ứng nhu cầu nước sử dụng cho sinh hoạt của người dân.

Tuy nhiên, ở một số khu vực trong địa bàn tỉnh, tình hình xâm nhập mặn rất đáng lo ngại. Nhiều diện tích cây ăn quả đặc sản của người dân ở huyện Châu Thành như sầu riêng, chôm chôm đang thiếu nước tưới nghiêm trọng, có nguy cơ bị thiệt hại nặng.

tm-img-alt
Người dân vẫn gặp không ít khó khăn trong việc sử dụng nước sinh hoạt và làm vườn.

Các nhà vườn tại xã Tiên Long, huyện Châu Thành, là một trong những nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi tình trạng thiếu nước ngọt, đã phải giật bỏ sầu riêng non, do sợ cây bị chết nếu để trái. Hơn 2000 ha sầu riêng của tỉnh đã bị ảnh hưởng bởi tình trạng xâm nhập mặn, hạn hán kéo dài hơn 1 tháng qua.

Nằm ở thượng nguồn sông Ba Lai, nhưng hàng trăm hộ dân trồng sầu riêng tại xã Tiên Long đang thiếu nguồn nước tưới nghiêm trọng. Hiện nguồn nước sông Hàm Luông đã nhiễm mặn, buộc lòng hệ thống cống phải đóng để nước mặn không xâm nhập vào mương vườn. Nguồn nước duy nhất người dân có thể trông chờ vào được lấy từ thượng nguồn. Nhưng do chậm trễ trong việc đắp đập tạm ngăn mặn tại đây nên nước mặn từ sông Hàm Luông đã chảy vào sông Ba Lai.

Theo nhiều người nhà vườn trồng sầu riêng tại khu vực này cho biết, nếu như dự án cống Bến Rớ thi công đúng tiến độ, đập tạm được ngăn kịp thời thì có lẽ không bị thiệt hại nặng như vậy. Trước đó vào ngày 26/04/2022, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh đã có chuyến khảo sát và làm việc với các sở, ngành và đặc biệt có sự tham gia của Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 9 (Bộ NN&PTNT) là chủ đầu tư dự án cống Bến Rớ, về xử lý vấn đề thiếu nước khu vực do thi công cống Bến Rớ, xã Tiên Long, huyện Châu Thành.

Sau buổi làm việc, ông Cảnh đã đề nghị Ban Quản lý đầu tư phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi thường xuyên theo dõi, chỉ đạo đơn vị thi công có biện pháp hợp lý, đảm bảo đến tháng 11/ 2022 phải ngăn được mặn, trữ ngọt; trường hợp thực hiện không đúng tiến độ theo cam kết để phục vụ công tác phòng chống hạn, mặn mùa khô năm 2022 – 2023 thì Ban Quản lý phải tự bỏ kinh phí để thực hiện công trình đập tạm ngăn mặn tại khu vực này.

tm-img-alt
Sầu riêng có nguy cơ thiếu nước tưới nghiêm trọng.

Tuy nhiên, theo ghi nhận, đến nay đã gần cuối tháng 3, nhưng công trình này vẫn còn ngổn ngang, nước mặn vẫn chảy từ sông Hàm Luông vào sông Ba Lai thông qua dự án cống Bến Rớ. Mới đây, ông Nguyễn Văn Hùng – Giám đốc Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 9 đã có văn bản đề nghị các nhà thầu thi công đập ngăn mặn cống Bến Rớ chậm nhất ngày 21/03. Song, theo người dân địa phương, hiện nay độ mặn tại thượng nguồn sông Ba Lai đã tăng trên 0,4 ppt nên cũng không thể dùng tưới cho cây sầu riêng. Do đó, việc đóng cống hiện nay cũng không còn ý nghĩa nữa vì mặn đã bao vây khắp nơi và các nhà vườn đã bị thiệt hại nặng nề.

Theo ông Bùi Trung Chỉnh – Chủ tịch UBND xã Tiên Long, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, nhà vườn nếu có thiệt hại về cây trái do xâm nhập mặn cần làm đơn gửi lên xã để thống kê và đền bù thiệt hại sau này.

Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cũng thông tin rằng hạn mặn của năm nay diễn biến rất phức tạp, không theo quy luật. Đặc biệt, ngoài xâm nhập mặn còn gắn theo triều cường, triều cường lên rất cao thì đây là tác động kép. Do vậy, đòi hỏi trong quá trình lãnh đạo, xử lý phải nâng cao ý thức của cán bộ và nhân dân nhiều hơn nữa.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích